Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, NATO đang đối mặt với thách thức quân sự lớn nhất đối với trật tự an ninh châu Âu kể từ khi thành lập là việc Nga công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine và đặc biệt là việc Nga vừa tiến quân vượt biên giới Ukraine.
- Nga vừa cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển sẽ chịu "hậu quả quân sự" nếu dính dáng đến NATO
- NATO phản ứng thế nào đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraina
- Bị máy bay thành viên NATO chặn đường, phi công Ukraine đầu hàng
Câu hỏi được đặt ra liệu có cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ trở lại NATO (khối mà nước này đã gia nhập cách đây 70 năm) theo cách có lợi cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu rộng lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây và NATO
Phải nói rằng, ngoài ảnh hưởng của những “ông lớn” như Mỹ-Nga, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm dấy lên mối liên hệ địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO. Trong những năm gần đây, sự hoài nghi của phương Tây về tư cách thành viên NATO và độ tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên đáng kể. Có nhiều lý do cho điều này. NATO từng là mục tiêu lạm dụng chủ nghĩa dân túy liên tục ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau âm mưu đảo chính vào năm 2016, các đại biểu của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã cáo buộc NATO có sự tham gia nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Cáo buộc này sau đó còn được chính quyền Ankara đưa ra định kỳ và gần đây nhất là bởi một thành viên trong nội các của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-NATO lại càng gia tăng khi Ankara quyết định mua tên lửa S-400 từ Nga. Một cuộc chiến ngoại giao không ngừng về vấn đề này khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt và loại khỏi chương trình F-35. Thêm nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đe dọa trục xuất 10 đại sứ phương Tây, trong đó có 7 đại sứ từ các đồng minh NATO vì chỉ trích việc giam giữ vô thời hạn nhà từ thiện Osman Kavala càng làm dấy lên sự hoài nghi về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp thường xuyên hơn cho các sứ mệnh của NATO. Tại Afghanistan, nước này thực hiện nhiều nhiệm vụ từ cung cấp an ninh cho sân bay ở Kabul đến chỉ huy đội tái thiết cấp tỉnh tại tỉnh Wardak. Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm chung khi đặt hàng nghìn binh sĩ của mình trong tình trạng sẵn sàng triển khai trong vòng vài ngày cho các nhiệm vụ của đồng minh.
Đồng thời, Thổ Nhĩ kỳ tiếp tục tham gia trong các nhiệm vụ kiểm soát trên không ở Baltic, Ba Lan và hoàn thành các nhiệm vụ giám sát trên không của NATO. Lực lượng hải quân và không quân Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tham gia các cuộc tập trận, chẳng hạn như Sea Breeze do Mỹ và Ukraine tổ chức, cũng như các nhiệm vụ tuần tra với các đơn vị từ các nước thành viên NATO. Cuối cùng, không phụ thuộc vào tình trạng quan hệ truyền thống với Liên Xô (cũ) và sau này là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiên trì ủng hộ việc mở rộng NATO bao gồm cả chính sách “mở cửa”...
Chiến sự tại Ukraine
Cho đến nay, hoạt động hữu hiệu và lý tưởng nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn với Ukraine là tiếp tục bán vũ khí, tăng cường hợp tác quốc phòng và mở rộng xuất khẩu khi hiệp định tự do thương mại được ký kết. Nhưng, chiến sự giữa Nga-Ukraine đang khiến bàn tay của Thổ Nhĩ Kỳ bị trói chặt và nền kinh tế có nguy cơ thêm nhiều bất ổn bởi sự miễn cưỡng ủng hộ chính sách trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu.
Nền kinh tế của Ankara phụ thuộc vào Moscow trong nhiều lĩnh vực, từ nguồn cung cấp năng lượng cho đến du lịch và cả sự đồng ý của Nga đối với sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Hơn nữa, trước những báo cáo về việc 6 tàu chiến Nga tiến vào Biển Đen, người ta cũng nghi ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng sử dụng quyền lực tùy ý của mình theo Điều 21 của Công ước Montreux năm 1936 và đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu chiến Nga. Bởi lẽ, Ankara khó có thể mạo hiểm bởi một tình huống tồi tệ với nước này từng xảy ra khi Nga áp đặt các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì một máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi vào năm 2015.
Vấn đề không phải là sự phụ thuộc quá nhiều của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga mà là việc Ankara không tích cực tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn Moscow và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tổng thống Erdogan rõ ràng vắng mặt trong các nỗ lực ngoại giao cấp cao nhằm điều phối một phản ứng xuyên Đại Tây Dương thống nhất trong việc ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như nhiệt tình tìm kiếm một giải pháp thương lượng cho cuộc khủng hoảng. Và trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như không coi Ankara là đồng minh cốt lõi thì các liên hệ giữa hai nước mới chỉ giới hạn trong các cuộc điện thoại lịch sự giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với cố vấn của ông Erdogan-Ibrahim Kalýn.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời phương Tây. Biểu hiện gần đây nhất là việc Tổng thống Erdogan bác bỏ quyết định của Hội đồng châu Âu về việc khởi xướng hành động kỷ luật đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì không tuân thủ phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) kêu gọi trả tự do cho nhà từ thiện Kavala Kavala. Trớ trêu, tư cách thành viên trong Hội đồng, kể từ khi thành lập vào năm 1949 và cam kết tuân thủ các phán quyết của ECHR từ lâu đã được coi là sự khẳng định vị thế phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bức tranh này càng trở nên trầm trọng hơn bởi những người theo chủ nghĩa dân túy trong nhiều năm không ngừng phản đối phương Tây và chống Mỹ, cho rằng phương Tây đang cố gắng làm suy yếu khát vọng quyền lực toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã định hình sâu sắc thái độ của công chúng. Theo Metropoll, một công ty nghiên cứu dư luận, 39,4% người được hỏi thích Ankara quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga (phương Đông) trong khi chỉ 37,5% thích quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu và Mỹ (phương Tây). Đây là kết quả thăm dò dư luận vào tháng 1-2022 và tỷ lệ một năm trước đó là 27,6% ủng hộ quan hệ với phương Đông và 40,9% với phương Tây. Hơn nữa, công chúng Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mối đe dọa an ninh từ Mỹ lớn hơn so với mối đe dọa từ Nga.
>>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên TTXVIETNAM
Theo An ninh thế giới Online
Comments powered by CComment