Các nguồn tin nói với Reuters hôm 22/3 rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đánh giá xem liệu có nên để Nga tiếp tục tham gia nhóm G20 hay không. Tuy nhiên, một nguồn tin nhóm G7 nói, gần như không có khả năng Indonesia, hiện là nước đang đứng đầu G20, hoặc các thành viên như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc sẽ đồng ý loại Nga khỏi nhóm.
Cùng với nhóm G7 nhỏ hơn, chỉ bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản và Anh, G20 là một nền tảng quốc tế quan trọng để phối hợp hành động về các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ xuyên biên giới.
G7 đã được mở rộng sang định dạng “G8” mới bao gồm cả Nga vào cuối những năm 1990. Moscow đã bị đình chỉ vô thời hạn đối với nhóm này sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Trước đó trong ngày 23/3, đại sứ Nga tại Indonesia, quốc gia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali năm nay, cho biết ông Putin có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Nga nhận được sự ủng hộ quý giá từ Bắc Kinh trong việc phản đối lại đề xuất của một số thành viên về việc cấm Nga tiếp tục tham gia nhóm.
Trung Quốc, quốc gia không lên án hành động xâm lược của Nga và chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, hôm 23/3 đã bảo vệ Moscow và gọi Nga là một “thành viên quan trọng” của G20.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói G20 là nhóm phải tìm câu trả lời cho các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
“Không thành viên nào có quyền loại bỏ tư cách thành viên của quốc gia khác. G20 nên thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, tăng cường đoàn kết và hợp tác”, người phát ngôn Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo.
Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối yêu cầu bình luận của Reuters về lời kêu gọi loại Nga ra khỏi G20.
Theo VOA
Comments powered by CComment