Trung Quốc và Campuchia đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quân sự, song không công bố chi tiết các điều khoản.
- Độc chiêu trộm xe 3 giây ở TP.HCM và con đường 'xẻ thịt' xe gian sang Campuchia
- Khởi tố nhóm đối tượng nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 từ Campuchia
- Quần đảo Solomon nhất trí về hiệp ước an ninh với Trung Quốc
"Trung Quốc và Campuchia là hai nước láng giềng thân thiết, cũng là những người bạn son sắt. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước ở nhiều lĩnh vực, bao gồm liên lạc chiến lược, tập trận chung, huấn luyện, trao đổi và đào tạo nhân sự, tiếp tục đi vào chiều sâu", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay khi công bố thỏa thuận mới.
Thỏa thuận được ký bởi tướng Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lục quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia. Tuy nhiên, ông Ngô Khiêm không công bố chi tiết thỏa thuận.
Tướng Hun Manet là con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, từng học tại Học viện Quân sự West Point, Mỹ và hiện là ứng viên thủ tướng tương lai của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.
Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi Quần đảo Solomon xác nhận đã thống nhất thỏa thuận an ninh với Trung Quốc và văn bản đang chờ được ngoại trưởng hai nước ký kết.
Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Campuchia được ký kết trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Phnom Penh trở nên căng thẳng sau thông tin năm 2019 rằng Bắc Kinh ký thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng vũ trang của họ độc quyền sử dụng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan.
Năm 2020, Campuchia quyết định phá dỡ một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream, sau đó thông báo Trung Quốc hỗ trợ hiện đại hóa và mở rộng căn cứ này. Tháng 10/2021, Mỹ cáo buộc Campuchia "thiếu minh bạch" về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Ream và nhiều lần bày tỏ lo ngại về hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.
Trung Quốc bác thông tin ký thỏa thuận bí mật với Campuchia, song chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 11 năm ngoái đã áp đặt biện pháp trừng phạt các công ty và cá nhân, trong đó có hai quan chức quốc phòng cấp cao Campuchia, vì cáo buộc tham nhũng liên quan căn cứ này.
Bộ Thương mại Mỹ sau đó áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia vì các mối liên hệ quân sự của nước này với Trung Quốc, mà Washington cho rằng "làm suy yếu và đe dọa an ninh khu vực". Campuchia gọi quyết định của Mỹ là sai lầm, không hợp lý.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment