Group News: Tin copy

Ông Putin kêu gọi đa dạng hoá xuất khẩu năng lượng sang châu Á, cảnh báo châu Âu đang gây bất ổn thị trường khi cắt giảm các lô hàng Nga.

"Chúng ta cần đa dạng hoá xuất khẩu, từng bước chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển nhanh ở phía nam và phía đông", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp về lĩnh vực năng lượng được phát trên truyền hình hôm nay.

Ông cũng chỉ trích động thái của các nước châu Âu nhằm ngừng sử dụng năng lượng Nga, cho rằng những việc làm này "tiếp tục gây bất ổn thị trường và đẩy giá lên". Theo ông, nỗ lực của phương Tây để đẩy các công ty năng lượng Nga khỏi thị trường của họ chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga lưu ý những quốc gia "không thân thiện" này, thuật ngữ Moskva sử dụng để mô tả các nước áp đặt biện pháp trừng phạt, tự thừa nhận rằng họ không thể hưởng lợi khi loại bỏ các nguồn năng lượng Nga. Ông nhấn mạnh các nguồn năng lượng thay thế, như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Mỹ sản xuất, sẽ gây tốn kém hơn cho châu Âu.

Tổng thống Nga Putin phát biểu khi thăm sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Viễn Đông Nga hôm 12/4. Ảnh: AFP.
 Tổng thống Nga Putin phát biểu khi thăm sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Viễn Đông Nga hôm 12/4. Ảnh: AFP.

Ông Putin nói thêm rằng giá năng lượng đang bị mất ổn định và do chính các quốc gia châu Âu đẩy lên mỗi khi họ đe dọa tẩy chay khí đốt và dầu của Nga.

"Đơn giản là hiện không có sẵn nguồn thay thế hợp lý cho khí đốt Nga ở châu Âu. Việc nhập khẩu từ các nước khác sẽ khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn vài lần, ảnh hưởng đến mức sống của người dân châu Âu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu", lãnh đạo Nga cho hay.

Hôm 13/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cũng cho biết nước này sẵn sàng bán dầu và chế phẩm dầu cho "các quốc gia thân thiện".

Tuyên bố được ông Putin đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế năng lượng Nga như một phần của biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá. EU cho biết đang tìm cách dần loại bỏ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng không muốn áp lệnh cấm vận lập tức.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn thoát phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027.

EU và Mỹ hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối LNG cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai.

Trong khi đó tại châu Á, Trung Quốc chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga và là nhà nhập khẩu dầu thô Nga hàng đầu thế giới, mua trung bình 1,59 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2021, tương đương 15,5% tổng lượng nhập khẩu. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt thứ ba và cung cấp than thứ hai cho Trung Quốc.

Ấn Độ nhập khẩu 43.400 thùng dầu từ Nga mỗi ngày trong năm 2021, chiếm khoảng 1% tổng lượng nhập khẩu của nước này. New Delhi gần đây tuyên bố sẽ mua thêm dầu Nga, bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây.

Quốc gia Nam Á chiếm khoảng 0,2% xuất khẩu khí tự nhiên của Nga. Nga cũng là nhà cung cấp than nhiệt lớn thứ sáu cho Ấn Độ. Dữ liệu từ Iman Resources cho thấy Ấn Độ đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn than nhiệt từ Nga vào năm 2021.

Theo VnExpress

Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.