Đại sứ Trung Quốc tại Nhật nói nếu Tokyo tiếp tục cùng Mỹ chống Trung Quốc và không cải thiện được thái độ chống Bắc Kinh của dư luận Nhật thì quan hệ song phương sẽ tệ hơn nữa.
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Khổng Huyễn Hựu cảnh báo quan hệ Trung - Nhật vốn đang căng thẳng có thể đi xuống hơn nữa nếu Tokyo tiếp tục coi Bắc Kinh là đối thủ và không đảo chiều được thái độ không thân thiện ngày càng lớn của dư luận Nhật, tờ South China Morning Post hôm 27-4 đưa tin.
Hôm 26-4, trong bài phát biểu trực tuyến ở một hội thảo với các doanh nhân Nhật nhân niệm 50 năm bình thường hoá quan hệ Trung - Nhật, Đại sứ Khổng bày tỏ sự thất vọng của Bắc Kinh đối với chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida về mối quan hệ chặt chẽ giữa Tokyo và Washington để việc đối phó Trung Quốc.
Ông Khổng nói: "Nếu một số người ở Nhật bị ám ảnh bởi tầm nhìn địa chính trị hạn hẹp và tâm lý đối đầu giữa các phe trong Chiến tranh Lạnh, họ sẽ tự nhiên không thích Trung Quốc và coi Trung Quốc là mối đe dọa hoặc thậm chí là kẻ thù và chọn đi trên con đường sai lầm là chống lại nước láng giềng”.
Ông Khổng đánh giá tình trạng quan hệ song phương Trung - Nhật không được tốt lắm với các vấn đề cũ lẫn mới đan xen nhau. Ông nói rằng quan hệ hai bên đang ở điểm bước ngoặt, mà chỉ được tiến lên hoặc hoặc thụt lùi.
Các tàu chiến của Mỹ và Nhật tập trận chung hôm 12-4-2022. Ảnh: AP
Lúc đầu, Bắc Kinh coi Thủ tướng Fumio Kishida - người lên nắm quyền vào tháng 10 năm ngoái, ôn hòa hơn những Thủ tướng tiền nhiệm Yoshihide Suga và Shinzo Abe. Tuy nhiên, gần bảy tháng sau nhiệm kỳ của ông Kishida, quan hệ song phương có ít dấu hiệu cải thiện, mà ngược lại, Tokyo xích lại gần Washington hơn để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trao đổi cấp cao hai bên phần lớn đã bị đình chỉ. Kể từ khi nhậm chức, ông Kishida chỉ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần qua điện thoại.
Đầu tuần này, Nhật đã cử một phái đoàn đến quần đảo Solomon để bày tỏ quan ngại về hiệp ước an ninh của quốc đảo Thái Bình Dương này với Trung Quốc và lo ngại Bắc Kinh sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở đây. Động thái này của Nhật diễn ra ngay sau khi Mỹ và Úc cử một phái đoàn sang gặp lãnh đạo Solomon.
Trong bài phát biểu, ông Khổng cũng nói đến vấn đề "định kiến sâu sắc về ý thức hệ trong dư luận Nhật" đối với Trung Quốc.
Ông nói: "Có ít tiếng nói tích cực thúc đẩy hợp tác nhưng lại có nhiều quan điểm tiêu cực ủng hộ sự cứng rắn chống lại Trung Quốc. Có thể là do sự hiểu lầm và nhận thức sai về Trung Quốc ở Nhật, nhưng phần lớn là do ảnh hưởng từ bên ngoài".
Ông Khổng đã liệt kê ba lĩnh vực chính mà ông tin rằng Tokyo đã có cách tiếp cận ngày càng đối nghịch với Bắc Kinh, đó là cách nhìn nhận về hệ thống chính trị khác nhau, cách để cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác và cách đánh giá vai trò của Trung Quốc trên thế giới.
Ngoài ra, ông Khổng cũng kêu gọi các doanh nhân Nhật Bản giúp xoa dịu căng thẳng song phương và mô tả các mối quan hệ thương mại lẫn nhau là "phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời".
Theo ông Khổng, hiện có hơn 30.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 120 tỉ USD. Kim ngạch thương mại Trung-Nhật chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật, tương đương tổng kim ngạch thương mại của nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.
Ông Khổng cũng khẳng định Trung Quốc là một nước có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine. Ông cũng chỉ trích Nhật so sánh Trung Quốc với Nga và sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để vận động ủng hộ cho Đài Loan.
Theo 24h
Comments powered by CComment