Quan chức Iran cho biết nước này đang xem xét khả năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.
- Tại sao dầu và khí đốt của Nga lại rất quan trọng với thế giới?
- Mười nước lặng lẽ mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble
- Nga có thể sắp cắt khí đốt tới Phần Lan
"Iran đang nghiên cứu chủ đề này, song chúng tôi chưa đi đến kết luận", Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Majid Chegeni ngày 15/5 cho biết. "Iran luôn theo đuổi phát triển ngoại giao năng lượng và mở rộng thị trường".
Iran là một trong các quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, song ngành khai thác khí đốt của quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine" ngày 24/2, giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng vọt.Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi hãng vận hành đường ống Ukraine ngày 10/5 thông báo dừng trung chuyển môt phần khí đốt từ Nga.
Nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng nhâp khẩu từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) năm 2021 nhập khoảng 155 tỷ m3 khí đốt của Nga, chiếm 45% tổng lượng nhập khẩu của khối.
Thứ trưởng Majid Chegeni cũng thông báo Iran vài tuần trước ký biên bản ghi nhớ về tăng xuất khẩu khí đốt sang Iraq. "Xuất khẩu khí đốt từ Iran tăng lên và trong bản ghi nhớ này có ghi khoản nợ 1,6 tỷ USD của Iraq sẽ được thanh toán vào cuối tháng 5", Thứ trưởng Chegeni cho biết.
Dù có trữ lượng khí đốt đáng kể, đầu tư kém hiệu quả do hàng thập kỷ chiến sự và hứng chịu lệnh trừng phạt khiến Iraq phụ thuộc vào nguồn cung từ nước láng giềng.
Lượng khí đốt nhập khẩu từ Iran đáp ứng 1/3 nhu cầu của Iraq. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí của Iran khiến thanh toán khí đốt nhập khẩu từ nước láng giềng của Iraq trở nên phức tạp.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment