Các cuộc đụng độ diễn ra vào sáng sớm giữa các nhóm vũ trang ủng hộ Thủ tướng được Quốc hội Libya bổ nhiệm Fathi Bashagha và những người ủng hộ Thủ tướng lâm thời Dbeibah.
- Lật thuyền ngoài khơi Libya, 35 người chết
- Thủ tướng Libya bị ám sát, vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng thêm
Lực lượng ủng hộ Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah. (Nguồn: AFP)
Ngày 17/5, lực lượng của Thủ tướng được Quốc hội Libya bổ nhiệm Fathi Bashagha đã tiến vào thủ đô Tripoli nhằm kiểm soát khu vực này từ Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong thông cáo báo chí, ông Fathi Bashagha tuyên bố sẽ cố gắng giành quyền kiểm soát thủ đô. Điều này đã dẫn đến các cuộc đụng độ vào sáng sớm giữa các nhóm vũ trang ủng hộ ông và những người ủng hộ Thủ tướng lâm thời Dbeibah.
Tiếng súng đã nổ ra làm rung chuyển thủ đô Tripoli. Các cuộc nổ súng đã khiến 1 người thiệt mạng.
Vài giờ sau khi hạ cánh, ông Bashagha rời khỏi Tripoli với lý do an ninh trong khi Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ kêu gọi các bên ở Libya kiềm chế.
Các phóng viên cho biết họ đã nhìn thấy nhiều xe ôtô và đoàn xe quân sự bị đốt cháy.
Trả lời báo giới vào tối 17/5, ông Bashagha cho hay phái đoàn của ông đã vào thủ đô một cách "hòa bình" nhưng khi giao tranh nổ ra, ông nhận thấy cần phải rời đi để ngăn chặn thương vong.
Ông Bashagha chỉ trích gay gắt ông Dbeibah, cho rằng rằng nghèo đói và trộm cắp đã gia tăng, đồng thời cho rằng ông này đã mất quyền kiểm soát Tripoli.
Các cuộc đụng độ giữa hai bên đã làm dấy lên lo ngại về việc một cuộc xung đột toàn diện sẽ tái diễn tại Libya.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng của chính phủ lâm thời do ông Dbeibah đứng đầu cho biết họ sẽ đáp trả đối với những hành động tấn công và làm mất sự an toàn của người dân.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi.
Từ năm 2014, nước này lâm vào tình trạng chia rẽ giữa các phe phái đối địch ở miền Tây - nơi có thủ đô Tripoli, và miền Đông - nơi Quốc hội chuyển đến.
Năm 2021, Libya tương đối yên bình sau khi các phe phái chính trị đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài vào tháng 10/2020 và Liên hợp quốc thúc đẩy kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp, tuy nhiên cho đến nay Hội đồng Cấp cao Nhà nước và Quốc hội Libya vẫn bất đồng về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng quy tắc hiến pháp cho những cuộc bầu cử này./.
Theo VietNamPlus
Comments powered by CComment