Group News: Tin copy

Năm nay hình như mùa đông đến sớm trên đất Mỹ, vì còn một tháng nữa mới sang mùa mà tuyết đã đổ ngập đường ở tiểu bang New York, ở Texas và California trời đang trở lạnh.

Dòng chữ "Không mặt nạ, không dịch vụ" trong một cửa hàng ở Los Angeles năm 2022

Dòng chữ "Không mặt nạ, không dịch vụ" trong một cửa hàng ở Los Angeles năm 2022

Trước cái lạnh ngoài trời và những buổi tiệc gia đình cùng liên hoan cuối năm sắp có, giới chức y tế vùng Vịnh San Francisco lại khuyến cáo cư dân nên cẩn thận để tránh lây nhiễm Covid, cảm cúm hay các bệnh hô hấp bằng cách thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội mỗi khi có thể.

Nhưng dường như chỉ ít người làm theo. Khó quan sát việc rửa tay vì đó là vệ sinh cá nhân, còn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội thì hãy nhìn vào sân vận động với các trận đấu bóng bầu dục, môn thể thao được ưa chuộng ở Mỹ, đang diễn ra.

Cuối tuần qua có trận “Big Game” truyền thống lần thứ 125, giữa đội Bears của Đại học Berkeley và đội Cardinals của Đại học Stanford tranh đua giữ cúp là cái búa rìu – The Axe – với hơn 50 nghìn khán giả ngập kín sân vận động mà không mấy người đeo khẩu trang.

Tuần lễ trước trận đấu sinh viên tập họp biểu dương ủng hộ cho đội nhà. Kèn trống vang vang sân trường bù lại cho hai năm vắng bóng. Kết quả với chiến thắng 27-20 cho đội nhà.

Đang là mùa thi đấu bóng bầu dục, các sân vận động ở nhiều thành phố lớn với vài chục nghìn khán giả mà không mấy ai còn quan tâm đến phòng ngừa bệnh dịch lây lan. Sống thản nhiên, vô tư vui chơi thôi. Chứ lo lắng quá làm tổn hại tinh thần.

Ở San Jose đã có họp mặt thân hữu, cộng đồng cho khuây khoả sau những ngày phải xa nhau. Các sô ca nhạc Việt cũng đã trở lại.

Ca nhạc Mỹ với Michael Bublé ở Sacramento có 15 nghìn khán giả. Đại nhạc hội Bluegrass ba ngày ở công viên Golden Gate, San Francisco thu hút mấy vạn người yêu thích loại nhạc này.

Khán giả xem trận “Big Game” giữa đội Bears của Đại học Berkeley và đội Cardinals của Đại học Stanford

Khán giả xem trận “Big Game” giữa đội Bears của Đại học Berkeley và đội Cardinals của Đại học Stanford

Sau gần ba năm đối phó với Covid với nhiều giới hạn và thay đổi trong cách sống, đến nay đời sống quanh ta đã có bình thường lại chưa? Theo tôi quan sát thì có những điều như đã bình thường trở lại và có những cái sẽ không bao giờ trở lại bình thường.

Nơi tôi dạy học, các lớp đã chuyển qua online từ giữa khoá học mùa xuân 2020 và cho đến đầu niên học này cũng mới có khoảng một phần ba các lớp buộc sinh viên phải trở lại trường, hầu hết là các môn khoa học thực nghiệm. Để được vào lớp sinh viên phải chứng minh đã chích ngừa Covid đầy đủ và điều này cũng áp dụng cho nhân viên hành chánh và giảng viên. Thỉnh thoảng viện trưởng ra thông báo cho biết có ai đó, không nêu danh tính, bị Covid khi vào trường vì đó là theo thoả thuận với nghiệp đoàn giáo chức để bảo vệ sức khoẻ chung.

Một số luật về Covid cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Một cư dân California đang đi làm mà bị nhiễm Covid sẽ được phép nghỉ 10 ngày có lương. Sô hài Saturday Night Live mấy tuần trước đem chuyện này ra diễu vui, cho rằng “Covid is positive thing” – Covid là điều tốt – vì chỉ bị nhẹ, nhưng nếu xét nghiệm nổi lên hai gạch đỏ là có cả tuần nghỉ việc để đi chơi.

Covid có triệu chứng giống như cảm cúm. Hai năm qua, trong người tôi đã có lúc mệt, ê mình, nhưng xét nghiệm tại nhà chỉ một vạch. Xức dầu cù-là, tắm nước nóng, ăn tô phở với nhiều hành xanh, nghỉ ngơi một hai hôm là khoẻ lại. Nhưng nhiều người trong gia đình cũng mệt, xét nghiệm lại thấy hai vạch. Vì thế tôi cũng không rõ mình có là một trong số hơn một trăm triệu dân Mỹ đã được Cô Vi thương ghé hay không.

Nghĩ lại những giai đoạn đầu sống với Covid mà chúng ta chưa hết bàng hoàng vì khi đó không có thuốc tiêm ngừa hay xét nghiệm đại trà.

Sống qua thời đại dịch, nhiều lúc tôi đã lái xe chạy lòng vòng để quan sát và ghi nhận ảnh hưởng thực tế của Covid đến cuộc sống quanh mình. Đi trên đường phố ở Berkeley, Oakland, San Francisco, hay Sacramento, San Jose mà rợn người vì vắng lặng giống Sài Gòn vào những ngày chiến tranh với lệnh giới nghiêm.

Covid đã biến những trung tâm đô thị, một thời sầm uất, nhộn nhịp người qua lại thành những thành phố ma, hoang vắng đến lạnh người.

Grand Centruy Mall, Vietnam Town, Lion Plaza ở San Jose đã trải qua những tháng ngày hàng quán đóng cửa, chỉ có người đi mua thức ăn mang về.

Với Covid chúng ta nghe nói đến một bình thường mới sau đại dịch. Các khu mua sắm đã mở cửa lại nhưng không đông, vì khách hàng giờ đây có thể dễ dàng mua hàng trực tuyến, gửi đến nhà qua UPS hay đường bưu điện. Không thích, đóng gói trả lại mà không tốn lệ phí.

Vài tuần trước tôi có việc phải qua San Francisco. Năm giờ chiều của ngày thứ Ba mà Phố Market và những con đường quanh trạm BART Montgomery vắng vẻ. Khu vực này là trung tâm tài chính của miền tây Hoa Kỳ, trước thời Covid nhộn nhịp người qua lại từ sáng cho tới chiều tối. Bây giờ thưa người vì làm việc từ nhà đã trở thành bình thường mới. Nhân viên ít có ai muốn trở lại văn phòng.

Gần ba năm qua với đại dịch, thế giới có hơn 600 triệu người bị nhiễm, 6 triệu 600 nghìn người chết. Nước Mỹ văn minh tiến bộ mà có 100 triệu ca nhiễm và số tử vong cao nhất thế giới với hơn một triệu người, dù hai tổng thống Cộng hoà và Dân chủ đã có những chính sách phòng chống bệnh khác nhau.

Ấn Độ, Pháp, Đức, Brazil, Nam Hàn, Ý, Anh, Nhật, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha rồi đến Việt Nam là những quốc gia có nhiều ca nhiễm và tử vong sau Hoa Kỳ.

Riêng tiểu bang California có 11 triệu ca nhiễm với 100 nghìn tử vong, cao nhất nước.

Cách phòng chống Covid ở Mỹ mỗi nơi mỗi khác. Vùng Vịnh San Francisco vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo Covid, so với Miami, Florida đã mở toang từ lâu. Có phải cũng là vì khuynh hướng Dân chủ, Cộng hoà tại địa phương.

Bên Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ nơi tôi đi du lịch hè vừa qua thì mọi thứ đã bình thường trở lại. Điện Versailles, bảo tàng Louvre, bảo tàng Vatican, các thành phố Venice, Milan, Rome, Florence, Paris đông khách du lịch như xưa. Quán ăn, cà phê lề đường ít còn chỗ trống. Khách trên metro đứng chen chân nhau, không ai mang khẩu trang, ngoài chúng tôi, và dĩ nhiên chẳng có giãn cách xã hội.

Mấy hôm nay xem World Cup đang diễn ra ở Qatar qua các trận USA-Wales và Pháp-Úc, khi truyền hình quay cảnh khán giả cũng không thấy ai đeo khẩu trang.

Người ủng hộ đội Pháp tại World Cup hôm 22/11

Người ủng hộ đội Pháp tại World Cup hôm 22/11

Ở Châu Á, các nước Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia đã mở cửa chào đón du khách trở lại.

Chỉ còn Trung Quốc là khởi điểm của Covid thì đến nay vẫn đóng kín để kiểm soát. Số liệu mà Worldometers.info ghi nhận ở đất nước với 1 tỉ 300 triệu dân mà chỉ có 290 nghìn ca nhiễm và 5231 người chết. Liệu có tin được không?

Việt Nam cũng đã mở cửa. Sau khi kiểm soát tốt bệnh dịch trong năm đầu rồi bị toang vào năm ngoái, với hơn 11 triệu ca nhiễm và 43 nghìn tử vong, cao thứ 13 trên thế giới.

Câu chuyện phòng chống Covid của đất nước cộng sản này có nhiều tai tiếng do bởi tham nhũng từ những “chuyến bay giải cứu” đến những bộ xét nghiệm dổm gây biết bao di hại cho dân.

Ở Mỹ, các chính sách về Covid của Tổng thống Donald Trump đã khiến dân không tín nhiệm ông thêm bốn năm nữa. Còn ở Trung Quốc hay Việt Nam, dân có bị cấm ra khỏi nhà, có bị đem đi nhốt cách ly hay bị chết vì những bộ xét nghiệm dổm thì các lãnh tụ cộng sản vẫn bình chân như vại.

Covid ào ạt tấn công vào Việt Nam, phố phường đóng cửa, kẽm gai giăng khắp lối ngõ không cho người dân ra vào.

Từ San Jose nhìn về quê hương thời đại dịch, nhạc sĩ Trần Hải Sâm đã viết lên ca khúc “Một ngày trên quê hương tôi” với giọng hát Trần Thu Hà.

Một ngày trên quê hương tôi

Những con đường bỗng lẻ loi cúi mặt

Một ngày trên quê hương tôi

Nơi góc phố quán cài then đóng chặt

Căn gác nhỏ đông người sao thấy vắng một lời rao

Một ngày trên quê hương tôi

Nghe tiếng khóc báo người thân tắt thở

Ra đi giữa im lìm

Không hương khói chẳng một vòng hoa

Lặng lẽ hoá ra tro, lặng lẽ hoá ra tro…

Nghe buồn và thấm nỗi đau. Như nhiều người trong chúng ta đã trải qua, ở Mỹ cũng như ở quê nhà và trên toàn thế giới. Dấu ấn không quên của một thời Covid.

Covid đã qua chưa? Giới chức y tế của Mỹ cũng như của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố đại dịch đã qua đi, mà còn đang chờ xem mùa đông trước mặt con siêu vi sẽ có những biến chủng nào và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người ra sao.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ và là cố vấn về Covid cho Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden, trước khi chính thức nghỉ hưu vừa lên tiếng nhắc nhở dân Mỹ hãy tiêm mũi tăng cường phòng Covid.

Nhưng không biết có nhiều người sẽ làm theo đề nghị của ông hay không. Theo USAFACTS.org thì đến cuối tháng 8 vừa qua đã có 79% người dân được tiêm ngừa Covid ít nhất một mũi, 68% tiêm hai mũi và chỉ có 33% đã tiêm mũi tăng cường.

Riêng tôi đã tiêm mũi thứ tư. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một giảng viên đại học cộng đồng và nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.