Canada đang đặt cược lớn vào vào canh bạc nhập cư nhằm lấp đầy khoảng trống trong nền kinh tế do thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số, Baby Boomers, nay đến lúc cao tuổi, rút lui khỏi thị trường lao động.
Thế nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận việc đưa nhiều người từ nước ngoài vào.
Đầu tháng này, chính quyền liên bang công bố một kế hoạch mang tính cấp tiến nhằm tiếp nhận 500.000 người nhập cư mỗi năm tính đến năm 2025, với gần 1,5 triệu tân di dân sẽ vào nước này trong ba năm tới.
Theo kế hoạch, Canada sẽ chào đón lượng thường trú nhân mỗi năm cao gấp tám lần - tính theo quy mô dân số - so với Vương quốc Anh, và gấp bốn lần so với nước láng giềng phía nam, Hoa Kỳ.
Nhưng một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tâm trạng lo lắng về việc tiếp nhận nhiều người mới đến vậy.
Ván đặt cược lớn của Canada
Trong nhiều năm, Canada đã cố gắng thu hút thường trú nhân - những người nhập cư có quyền định cư vĩnh viễn nhưng không phải là công dân - để duy trì mức dân số và nền kinh tế phát triển. Năm ngoái, nước này tiếp nhận 405.000 thường trú nhân - mức cao nhất trong lịch sử đất nước.
Lý do, theo cách nào đó, là được tính toán dựa trên toán học đơn giản. Giống như nhiều quốc gia phương Tây, Canada có dân số già trong lúc tỷ lệ sinh thấp. Điều đó có nghĩa là nếu muốn phát triển thay vì bị co lại, nước này sẽ phải thu hút thêm di dân.
Người nhập cư trên thực tế đã đóng vai trò trong việc tạo toàn bộ tăng trưởng lực lượng lao động, và đến năm 2032, dự kiến cũng sẽ chiếm toàn bộ sự gia tăng dân số của đất nước, theo một bản tin của chính phủ.
Đầu tháng này, chính phủ đã thông báo rằng đến năm 2025, họ hy vọng sẽ thu hút 500.000 người nhập cư mới mỗi năm, tăng khoảng 25% so với con số năm 2021.
Một nơi độc đáo
Ngày nay, cứ bốn người Canada thì có một là người nhập cư, cao nhất trong số các quốc gia thuộc khối G7.
Để so sánh, thì Hoa Kỳ, vốn được gọi là nồi nấu chảy của thế giới, chỉ có 14% là người nhập cư.
Vương quốc Anh cũng có tỷ lệ dân nhập cư vào khoảng 14%.
Madeleine Sumption, giám đốc trung tâm chuyên theo dõi về tình hình di dân, Migration Observatory thuộc Đại học Oxford, cho biết những con số này không có nghĩa là Vương quốc Anh đi sau trong vấn đề nhập cư, mà là Canada có phần là nơi "ngoại vi".
Vương quốc Anh, một hòn đảo nhỏ với dân số gấp đôi Canada, đã có mật độ dân số cao, trong khi Canada, quốc gia có dân số chỉ hơn 38 triệu người và là một trong những vùng đất rộng lớn nhất thế giới, vẫn còn dư địa để phát triển.
“Nói chung, Vương quốc Anh không có mục tiêu tăng dân số giống như cách mà Canada đã làm," bà nói.
Geoffrey Cameron, nhà khoa học chính trị tại Đại học McMaster, nói rằng tuy những quốc gia như Canada đang phải đối diện với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số già, nhưng sự thành công của bất kỳ hệ thống nhập cư nào đều phải dựa vào sự ủng hộ của người dân.
“Yếu tố hạn chế đối với hầu hết các nước là ý kiến công chúng," ông nói.
Tại Hoa Kỳ, nơi số lượng người di cư vào đất nước qua biên giới phía nam đạt mức cao nhất mọi thời đại, người ta lo ngại về việc người nhập cư tràn vào nhiều hơn so với số lượng việc làm có sẵn.
Trước Brexit, làn sóng di dân từ EU tới Vương quốc Anh đã tạo ra phản đối dữ dội đối với vấn đề nhập cư. Nhưng trong vài năm qua, bà Sumption cho biết, công chúng thấy hài lòng hơn đối với tình trạng nhập cư, một phần vì mọi người tin rằng đất nước kiểm soát tốt hơn những người từ bên ngoài đến đây so với trước.
Trong khi đó, Canada đã có lịch sử ủng hộ rất cao cho việc nhập cư.
“Tôi nghĩ một phần lý do của điều đó là do công chúng tin tưởng rằng người nhập cư vào Canada được chính phủ quản lý tốt, theo cách vì lợi ích của Canada," ông Cameron nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những lo ngại về vấn đề nhập cư.
Trong những năm gần đây, dòng người di cư ở biên giới Hoa Kỳ đã gây ra một số tranh cãi, và sự xuất hiện của một đảng cánh hữu mới vào năm 2018, Đảng Nhân dân Canada, đã khiến cho chủ đề này được duy trì trong cuộc thảo luận toàn quốc trước khi có kỳ bầu cử liên bang năm 2019.
Các vùng khác nhau của Canada cũng có thái độ khác nhau đối với vấn đề nhập cư.
Khi chính phủ công bố mục tiêu cấp tiến là đưa mức di dân vào nước này lên đến 500.000 người mỗi năm, tỉnh Quebec, nơi đặt ra giới hạn nhập cư của riêng mình, cho biết họ sẽ không nhận quá 50.000 người mỗi năm. Điều đó có nghĩa là Quebec, nơi có 23% dân số cả nước, sẽ chỉ thu nhận 10% người nhập cư của cả nước.
Thủ hiến Quebec Francois Legault cho biết ông lo ngại nhiều người nhập cư hơn sẽ làm suy yếu tiếng Pháp trong tỉnh.
“Mới chỉ ở mức 50.000 người đãrất khó để ngăn chặn sự suy giảm của tiếng Pháp rồi," ông nói.
Và trong khi đúng là Canada có thể có dư địa để phát triển, một số nơi vẫn đang cảm thấy khó khăn. Các thành phố lớn như Toronto và Vancouver - nơi có khoảng 10% dân số hiện đang sống - xảy ra các cuộc khủng hoảng về nhà ở giá cả phải chăng.
Trong một cuộc thăm dò với 1.537 người Canada do Leger và Hiệp hội Nghiên cứu Canada thực hiện, ba trong số bốn người cho biết họ ít nhiều hoặc rất lo ngại về ảnh hưởng của kế hoạch mới đối với nhà ở và các dịch vụ xã hội. Gần một nửa, 49%, cho rằng mục tiêu quá cao, trong khi 31% cho rằng chúng là con số phù hợp.
Cách tiếp cận của Canada
Một cách khác mà Canada là duy nhất trong thế giới phương Tây là nhấn mạnh vào di dân kinh tế - khoảng một nửa số thường trú nhân của Canada được chào đón vì kỹ năng của họ chứ không phải theo diện đoàn tụ gia đình.
Đến năm 2025, chính phủ hy vọng sẽ đạt được mức 60%.
Ông Cameron cho biết điều này một phần là do cách hệ thống của Canada được thiết kế.
Trong thời thập niên 1960, Canada đã chuyển từ hệ thống hạn ngạch, nơi các quốc gia khác nhau được giao các mục tiêu khác nhau, sang hệ thống dựa trên điểm ưu tiên cho những di dân có tay nghề cao, những người sẽ dễ dàng đóng góp hơn cho nền kinh tế của Canada.
“Hệ thống hiện thời áp dụng cùng một loại nguyên tắc đó," ông nói với BBC.
Trên toàn cầu, đây là cách áp dụng độc đáo, mặc dù Úc và New Zealand có những hệ thống tương tự.
Tại Vương quốc Anh, hơn một phần bốn thường trú nhân được chào đón thông qua dòng kinh tế.
Ở Mỹ, chỉ khoảng 20% thẻ xanh được cấp vì lý do kinh tế.
Cả hai quốc gia đều cho thấy họ hy vọng sẽ tăng tỷ lệ di dân kinh tế vào nước mình, nhưng sự khác biệt lớn ở đây, ở cả hai quốc gia, đó là hầu hết các di dân kinh tế phải được chủ động bảo trợ.
Ở Canada, việc đã có trong tay một lời mời làm việc sẽ giúp di dân được tính thêm điểm vào tổng số điểm xét hồ sơ nhập cư, nhưng đây không phải là yêu cầu bắt buộc.
Trong khi Vương quốc Anh gần đây đã chuyển sang hệ thống tính điểm, bà Sumption nói rằng trên thực tế, hệ thống mới vẫn tương tự như hệ thống cũ, theo đó ưu tiên các di dân đã nhận được lời mời làm việc.
Canada có thể đạt được các mục tiêu của mình không?
Canada không chỉ thu nhận nhiều người nhập cư thuộc tầng lớp kinh tế hơn các quốc gia lớn khác, mà còn là một trong những quốc gia hàng đầu về tái định cư cho người tị nạn. Nước này tiếp nhận 20.428 người tị nạn trong năm 2021.
Nhưng trong khi đất nước đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai, lịch sử đã cho thấy nó không phải lúc nào cũng đạt được kỳ vọng của chính mình.
Vào năm 2021, Canada đặt mục tiêu tái định cư cho khoảng 59.000 người tị nạn - gần gấp ba lần số người mà đất nước này tiếp nhận.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBC, Bộ trưởng Nhập cư Sean Fraser cho biết khoảng cách phần lớn là do việc đóng cửa biên giới liên quan đến Covid ở cả Canada và trên toàn cầu.
Đến năm 2023, Canada đặt mục tiêu giúp tái định cư 76.000 người tị nạn.
Theo BBC
Comments powered by CComment