Group News: Tin copy

Một kho báu gồm hàng ngàn viên đá quý cùng các phần xương được cho là của Phật Thích Ca, được coi là một trong những phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc nhất của thời hiện đại, không chỉ khơi dậy sự thèm muốn của những nhà sưu tập mà cả các tranh cãi liên quan.

Bốn thùng chứa làm bằng đá steatite (một loại đá) và một thùng làm bằng pha lê đá được tìm thấy bên trong một hộp đá sa thạch tại bảo tháp Piprahwa.

Bốn thùng chứa làm bằng đá steatite (một loại đá) và một thùng làm bằng pha lê đá được tìm thấy bên trong một hộp đá sa thạch tại bảo tháp Piprahwa.

Những di vật này đã được lên kế hoạch bán đấu giá tại Sotheby's ở Hong Kong vào đầu tháng 4/2025, nhưng sau đó đã bị hoãn sau khi chính phủ Ấn Độ đe dọa sẽ khởi kiện.

Trong hơn một thế kỷ, những di vật này, được khai quật từ một phù đồ phủ đầy bụi bặm ở miền bắc Ấn Độ vào năm 1898, hầu như không được ai biết đến.

Các hiện vật này được cất giữ trong một bộ sưu tập tư nhân tại Anh.

Kho báu này gồm gần 1.800 viên ngọc trai, hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc và các phiến vàng chạm khắc hoa văn, lần đầu tiên được nhìn thấy bên trong một căn buồng gạch ở bang Uttar Pradesh ngày nay của Ấn Độ, gần nơi Phật Thích Ca ra đời.

Việc phát hiện ra những báu vật này – cùng với các mảnh xương được xác định là của chính Phật Thích Ca nhờ vào một bình tro có khắc chữ – đã gây chấn động giới khảo cổ học.

Ông Nicolas Chow, Chủ tịch Sotheby's khu vực châu Á và Giám đốc toàn cầu mảng Nghệ thuật châu Á, tin rằng đó là "một trong những phát hiện khảo cổ phi thường nhất mọi thời đại".

Những viên ngọc được tìm thấy được coi là một trong những phát hiện khảo cổ học vĩ đại nhất mọi thời đại

Những viên ngọc được tìm thấy được coi là một trong những phát hiện khảo cổ học vĩ đại nhất mọi thời đại

Khai quật kho báu

Năm 1898, William Claxton Peppé, một quản lý điền trang người Anh, đã khai quật một bảo tháp ở Piprahwa, ngay phía nam Lumbini, nơi Phật được cho là đã sinh ra. Ông đã phát hiện ra những di vật được khắc chữ và hiến dâng gần 2.000 năm trước.

Các nhà sử học cho rằng những di vật này, còn nguyên vẹn cho đến lúc đó, là di sản hậu duệ dòng tộc Sakya (Thích Ca) của Phật và Phật tử trên toàn thế giới.

Từ đó, những di vật xương đã được đưa đến các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka và Myanmar để thờ tự.

Những viên ngọc được khai quật từ bảo tháp ở Piprahwa, miền bắc Ấn Độ vào năm 1898

Những viên ngọc được khai quật từ phù đồ ở Piprahwa, miền bắc Ấn Độ vào năm 1898

Chris Peppé, chắt của ông William, đồng thời là đạo diễn truyền hình và nhà biên tập phim tại Los Angeles đã viết rằng những món đồ trang sức được truyền từ chú của ông sang anh họ của ông, và vào năm 2013, đến tay ông và hai người anh em họ khác. Đó là lúc ông bắt đầu nghiên cứu về phát hiện của ông cố mình.

Ông Chris Peppé viết rằng ông đã tìm thấy các bài báo từ năm 1898 - từ Reuters đến New York Tribune - thông báo về việc tìm thấy hài cốt của Phật Thích Ca.

"Việc Ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ từng là một nỗi xấu hổ về mặt văn hóa đối với tôi [và cho đến nay vẫn vậy], nhưng trong số những kẻ săn kho báu mang các báu vật họ tìm thấy về Anh, cũng có những người tập trung vào việc theo đuổi tri thức," ông Chris Peppé viết.

Ông cho biết nghiên cứu của ông đã hé lộ nhiều điều về tổ tiên của mình - mà trước đây ông từng xem thường - là "những người Victoria đầy định kiến từ một thời đại đã qua."

"Tôi biết rằng người vợ đầu tiên của Willie Peppé đã chọn đi du lịch vòng quanh Ấn Độ trong kỳ tuần trăng mật, rằng bà yêu đất nước và nền văn hóa Ấn Độ. Thật đáng buồn, bà qua đời vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân. Tôi biết rằng bà tôi đã vô cùng phẫn nộ trước các luật đất đai áp dụng cho phụ nữ Ấn Độ.

"Và tôi biết rằng việc khai quật tháp Phật là một nỗ lực của Willie Peppé nhằm tạo công ăn việc làm cho những người nông dân thuê đất của ông, những người đã trở thành nạn nhân của nạn đói năm 1897."

Ông viết rằng "những sơ đồ kỹ thuật về các dốc nghiêng và ròng rọc của cụ cố cho thấy ông cũng là một kỹ sư được đào tạo bài bản, người không thể cưỡng lại sức hút của một dự án".

William Peppé đã trao những viên ngọc, xá lợi và bình đựng thánh tích cho chính quyền thực dân Ấn Độ: xá lợi xương được trao cho Vua Chulalongkorn (Rama V) của Thái Lan. Năm bình đựng xá lợi, một rương đá và hầu hết các thánh tích khác đã được đưa đến Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata - khi đó là Bảo tàng Hoàng gia Calcutta.

Ông lưu ý rằng một "phần nhỏ các hiện vật giống nhau" mà ông được phép giữ lại, vẫn còn trong gia đình Peppé. (Ghi chú của Sotheby cho biết Peppé được phép giữ lại khoảng một phần năm số di vật được tìm thấy.)

Các nguồn tin nói với BBC rằng nhà đấu giá coi các "di vật giống nhau" là những di vật gốc thừa ra - mà "chính quyền Ấn Độ cho phép Peppé giữ lại"- sau khi các di vật gốc khác được đem tặng.

Trong sáu năm qua, những viên đá quý này đã xuất hiện trong các cuộc triển lãm lớn, bao gồm một cuộc triển lãm tại The Met vào năm 2023.

Gia đình Peppé cũng đã ra mắt một trang web để "chia sẻ nghiên cứu của chúng tôi".

Câu hỏi về xá lợi

Những món đồ trang sức được tìm thấy bao gồm gần 1.800 viên ngọc trai, hồng ngọc, ngọc bích và những tấm vàng có hoa văn

Những món đồ trang sức được tìm thấy bao gồm gần 1.800 viên ngọc trai, hồng ngọc, ngọc bích và những phiến vàng có hoa văn

Chris Peppé nói với BBC rằng trong tất cả các tu viện mà ông đã đến thăm, "không có Phật tử nào coi đây là xá lợi thân thể của Đức Phật".

"Một số học giả Phật giáo tại các trường đại học phương Tây gần đây đã đưa ra một logic phức tạp, không có cơ sở thực tế mà theo đó, các di vật này có thể được coi là như vậy [coi là thuộc thân thể Đức Phật]. Đây là một khái niệm học thuật không được các Phật tử nói chung, những người có hiểu biết về các phát hiện này, chấp thuận", ông nói.

Việc bán các di vật cũng đã gây ra mối lo ngại trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo.

"Đức Phật dạy chúng ta không được lấy tài sản của người khác mà không được phép", Amal Abeyawardene của Hội MahaBodhi Anh có trụ sở tại London, nói với BBC.

"Các ghi chép lịch sử cho thấy gia tộc Thích Ca Mâu Ni đã được trao quyền bảo quản các di vật này, vì Đức Phật xuất phát từ cộng đồng của họ. Nguyện vọng của họ là những di vật này được bảo tồn cùng với các đồ trang sức, như những viên ngọc này, để các tín đồ của Đức Phật có thể vĩnh viễn chiêm bái."

Một số học giả cho rằng các di vật của Phật không bao giờ được coi là hàng hóa thị trường.

"Cuộc đấu giá của Sotheby's biến những di vật cực kỳ linh thiêng này thành những vật phẩm có thể bán được, tiếp nối các hành động bạo lực của thực dân khi họ lấy chúng từ một phù đồ và gọi chúng là 'đá quý' và 'vật phẩm mà người châu Âu quan tâm'.

"Việc coi các di vật này là hàng hóa đã khiến người ta tách chúng ra khỏi ý nghĩa thiêng liêng ban đầu – trong khi chúng vốn được chôn cất cùng tro cốt và xương của Đức Phật như một tổng thể linh thiêng, không nên tách rời hay thương mại hóa," Thompson và Cheong nói.

Câu hỏi về đạo đức

William Claxton Peppé, một quản lý bất động sản người Anh, đã khai quật bảo tháp và tìm thấy những viên ngọc

William Claxton Peppé, một quản lý điền trang người Anh, đã khai quật phù đồ và tìm thấy những viên ngọc

Việc bán đấu giá các di vật gắn chặt với quá quá khứ linh thiêng của Ấn Độ này hiện đang phải đối mặt các câu hỏi về đạo đức.

"Liệu có thể coi di vật của Đức Phật là một loại hàng hóa, một tác phẩm nghệ thuật để bán trên thị trường không?" Naman Ahuja, một nhà sử học nghệ thuật có trụ sở tại Delhi tự hỏi. "Và nếu không phải như thế, thì người bán có quyền gì về mặt đạo đức để đưa chúng ra đấu giá?

"Vì người bán được gọi là 'người bảo quản', tôi muốn hỏi - người bảo quản thay mặt cho ai? Quyền bảo quản có cho phép họ bán những di vật này không?"

Chris Peppé, chắt của William, nói với BBC rằng gia đình đã xem xét việc tặng di vật, nhưng mọi lựa chọn đều có vấn đề và đấu giá có vẻ là "cách công bằng và minh bạch nhất để chuyển những di vật này cho Phật tử".

Julian King, chuyên gia quốc tế của Sotheby's và là người đứng đầu bộ phận bán hàng của Himalayan Art, New York, nói với BBC rằng họ đã xem xét kỹ lưỡng các đồ trang sức.

"Giống như mọi mặt hàng và đồ sưu tầm quan trọng được rao bán tại Sotheby's, chúng tôi đã tiến hành các thẩm định cần thiết, bao gồm thẩm định về tính xác thực và nguồn gốc, tính hợp pháp và các vấn đề khác, theo chính sách và tiêu chuẩn của ngành đối với các tác phẩm nghệ thuật và kho báu," ông King cho biết.

Ashley Thompson, đến từ Đại học Soas London, và giám tuyển Conan Cheong, cả hai đều là chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á, còn nhiều câu hỏi khác.

Trong một tuyên bố chung, họ nói với BBC: "Những câu hỏi đạo đức khác nảy sinh từ cuộc bán đấu giá là: liệu có nên buôn bán hài cốt người không? Và ai được quyết định cái gì là di cốt của người, cái gì không? Đối với nhiều Phật tử trên khắp thế giới, những viên ngọc được rao bán này là một phần không thể tách rời của xương và tro cốt."

Peppé cho biết gia đình "đã xem xét việc tặng di vật cho các ngôi chùa và bảo tàng và tất cả các phương án này, khi xem xét kỹ lưỡng hơn, đều cho thấy các khó khăn khác nhau".

"Một cuộc đấu giá có vẻ là cách công bằng và minh bạch nhất để chuyển những di vật này cho Phật tử và chúng tôi tin tưởng rằng Sotheby's sẽ làm được điều đó".

Một số người cũng nhắc đến viên kim cương Koh-i-Noor, bị Công ty Đông Ấn Anh chiếm giữ và hiện là một phần trong bộ trang sức vương miện Hoàng gia Anh, mà nhiều người Ấn Độ coi là của bị đánh cắp. Vậy liệu những viên ngọc của Phật có phải là mục tiêu tiếp theo không?

"Tôi tin rằng việc trả lại hiện vật hiếm khi là cần thiết," Ahuja nói. "Tuy nhiên, những cổ vật thiêng liêng và quý hiếm, mang tính độc nhất và phản ánh lịch sử văn hóa của một vùng đất, thì xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính phủ."

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.