Nhiều điểm đo cho thấy chất lượng không khí thủ đô ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khoẻ.
Lúc 17h ngày 16/11, hệ thống quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy có 5 trên 7 điểm quan trắc hiển thị chất lượng không khí ở mức xấu (AQI 151-200). Trong đó, điểm đo tại công viên hồ Thành Công, quận Ba Đình AQI là 187; Kim Liên, quận Đống Đa là 185.
Cùng lúc này, điểm đo của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên AQI là 158. Điểm đo Đại sứ quán Mỹ cho kết quả AQI là 174.
Hệ thống đo PamAir phủ một màu đỏ thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu, ngoài ra có một số điểm ở mức rất xấu, nguy hại. Điểm tại Vân Côn, huyện Hoài Đức chỉ số AQI cao nhất Hà Nội ở mức 314; Thuợng Mỗ, huyện Đan Phương là 302. Trong nội thành cao nhất là tại THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm AQI 251.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 11/11, giai đoạn 2016-2020 mức độ ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội xu hướng tăng (riêng năm 2020 giảm); mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm ở thủ đô cao hơn các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của bụi PM 2.5, PM 10 tại tất cả các trạm quan trắc tự động đều vượt ngưỡng quy chuẩn từ 1.1 đến 2.2.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ô nhiễm bụi ở Việt Nam chịu tác động rõ rệt của yếu tố khí hậu, tạo nên quy luật diễn biến theo mùa. Ở miền Bắc ô nhiễm tập trung vào mùa đông, ít mưa, thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; miền Nam ô nhiễm giảm vào mùa mưa.
Diễn biến nồng độ bụi không khí từng ngày cũng có quy luật, thể hiện rõ nhất tại các điểm đo gần trục giao thông, nồng độ tăng cao vào giờ cao điểm, giảm thấp về trưa và đêm.
Comments powered by CComment