Group News: Tin copy

Hàng nghìn tấn dưa hấu bị vứt bên đường ở Muse, giáp biên giới Trung Quốc, do biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, khiến xe hàng không thể thông quan.

Tuyến đường chính nối thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, cửa ngõ chính của Trung Quốc với thị trấn Muse ở miền bắc Myanmar, kẹt cứng với hàng trăm xe tải đang chờ ở các trạm kiểm soát, SCMP hôm 6/1 đưa tin.

"Trước đại dịch, mỗi ngày chúng tôi xuất khẩu hơn 500 tấn trái cây sang Trung Quốc, chủ yếu là trái cây nhiệt đới như dưa hấu, dưa lê, xoài và nhiều loại khác. Bây giờ, không đến 10 xe tải có thể qua biên giới mỗi ngày", chủ một công ty vận tải Lee Htay, 65 tuổi, cho biết.

Dưa hấu bị vứt cạnh con đường ở Myanmar, giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đầu tuần này. Ảnh: SCMP.
 Dưa hấu bị vứt cạnh con đường ở Myanmar, giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đầu tuần này. Ảnh: SCMP.

Hoạt động kinh doanh mới được nối lại sau 5 tháng đóng biên vì đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc tái mở cửa tuyến đường chính tại thị trấn Uyển Đinh, Thụy Lệ hôm 26/11. Nhưng quá trình thông quan chậm chạp của cả hai bên khiến các nhà xuất khẩu thất vọng.

"Chúng tôi phải tìm cách xuất khẩu sang các nước khác hoặc bán ở thị trường địa phương, nhưng cần có thời gian", Lee nói. "Trong hầu hết trường hợp, chúng tôi chỉ có thể vứt bỏ những quả dưa".

Theo ông, ít nhất 200 xe tải chở đầy trái cây vẫn mắc kẹt trên con đường từ Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, tới thị trấn biên giới Muse. Đây là tuyến đường chính nối với các thị trấn Uyển Đinh, Thư Cốc ở Thụy Lệ.

"Một số tài xế đã bỏ cuộc sau nhiều ngày chờ đợi và bỏ mặc đống hàng thối rữa. Họ quay lại để vận chuyển những thứ không dễ hỏng, như ngọc bích và gỗ", Lee nói thêm.

Đại dịch không phải thách thức duy nhất, xung đột vũ trang ở Myanmar cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Thị trấn Uyển Đinh cách thị trấn Pang Hseng, bang Shan, phía bắc Myanmar 50 mét, nơi chính quyền quân sự và các nhóm vũ trang dân tộc Shan giao tranh lẻ tẻ từ tháng 8.

Xung đột gây thương tích và tổn thất tài sản ở Uyển Đinh, đồng thời ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Người dân Uyển Đinh năm ngoái được khuyến cáo giảm hoạt động ngoài trời và trú ẩn nếu nghe thấy tiếng súng.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, cửa khẩu Uyển Đinh đã xử lý tổng khối lượng giao dịch khoảng 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD) vào tháng 12, một tháng sau khi mở cửa trở lại, giảm hơn 40% so với năm trước. Đại sứ quán cho biết các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đồng nghĩa cửa khẩu chỉ có thể xử lý khoảng 40 xe tải mỗi ngày.

Thụy Lệ, vốn nổi tiếng với ngọc bích và phát triển mạnh thương mại xuyên biên giới, đã chịu 4 lần phong tỏa trong năm qua. Bất chấp những phàn nàn lan rộng trên mạng xã hội, giới chức địa phương cho biết các biện pháp nghiêm ngặt sẽ không được nới lỏng và người dân vẫn bị cấm rời khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng.

Xe tải xếp hàng chờ thông quan trên con đường dẫn đến thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đầu tuần này. Ảnh: SCMP.

Xe tải xếp hàng chờ thông quan trên con đường dẫn đến thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đầu tuần này. Ảnh: SCMP.

Một nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc ở Thụy Lệ cho biết mở lại cửa khẩu Uyển Đinh không thực sự giúp ích được gì, vì họ hiện chỉ cho phép hàng hóa vận chuyển bằng container, trong khi hầu hết trái cây từ Myanmar được vận chuyển bằng xe tải qua cửa ngõ Thư Cốc, vốn bị đóng từ tháng 7.

"Tôi không nghĩ tình hình thương mại sẽ cải thiện trong ngắn hạn. Chính quyền Thụy Lệ vừa cho biết sẽ không nới lỏng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 và nhập khẩu trái cây, rau quả từ Myanmar rõ ràng không phải mối quan tâm hàng đầu của họ", thương nhân này cho biết.

Tính đến ngày 4/1, Myanmar ghi nhận hơn 528.000 ca nhiễm và 19.230 ca tử vong do Covid-19. Cuộc đảo chính quân sự tháng 2/2020 đã khiến hệ thống y tế nước này sụp đổ, nhiều nhân viên y tế tham gia các cuộc đình công kéo dài. Thụy Lệ đã trục xuất những người Myanmar nhập cư bất hợp pháp được phát hiện trong thành phố, đồng thời dựng hàng rào dây thép gai với camera tối tân ở biên giới.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.