Ukraine hy vọng Việt Nam sẽ "đánh giá thẳng thắn và kiên quyết" về việc Nga xâm lược Ukraine hiện nay, theo lời một nhà ngoại giao Ukraine ở Hà Nội.
Các nhân viên cứu hỏa làm việc trên một tòa nhà sau vụ đánh bom vào thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Bà Nataliya Zhynkina - Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam - nói với BBC hôm 25/2 trong lúc chiến sự đang xảy ra ác liệt ở quê nhà bà.
Nataliya Zhynkina: Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine dự kiến vào ngày 25 tháng Hai. Chúng tôi hy vọng rằng nghị quyết do Hoa Kỳ chuẩn bị sẽ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên của HĐBA.
Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã tuyên bố Nga là kẻ xâm lược và cáo buộc nước này khơi mào một cuộc chiến tranh vô căn cứ và khiêu khích. Chúng tôi thấy rằng cả thế giới dân chủ đang đứng về phía chúng tôi và chúng tôi mong được tiếp tục hỗ trợ.
BBC: Đến hôm nay, Hoa Kỳ và EU đều chưa quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift, mặc dù Ukraine đã khuyến cáo việc này. Vậy thái độ của phía Ukraine về vấn đề này là thế nào?
EU đã áp đặt một gói trừng phạt đau đớn chống lại Nga và hiện đang đồng ý với Đức về việc đóng băng SWIFT. Điều quan trọng là không chỉ Ukraine, mà hầu như tất cả các nước EU nhất quyết ngắt kết nối giữa Nga với hệ thống SWIFT.
Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Đức, vốn lên án hành động xâm lược của Nga, sẽ thực hiện bước tiếp theo để tăng hiệu quả của các lệnh trừng phạt.
BBC: Ở châu Á, Trung Quốc dường như không sẵn sàng gọi đây là cuộc xâm lược của Nga, Ấn Độ có quan điểm trung lập, dường như chưa lên án hành động của Nga. Liệu Ukraine có đặt hy vọng gì vào phản ứng của Trung Quốc và Ấn Độ tại Liên hiệp quốc hay không?
Chúng tôi dĩ nhiên hy vọng rằng không ai tại LHQ sẽ đánh đồng nạn nhân và kẻ xâm lược.
Chúng tôi tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể phân biệt kẻ xâm lược với người bảo vệ quê hương của họ.
Cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cho thấy hiệu quả của tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới, khả năng của các thể chế này trong việc ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược ác liệt do Nga phát động giữa lòng châu u.
BBC: Và chính phủ Ukraine mong đợi điều gì ở Việt Nam, thưa bà?
Tất nhiên, cuộc chiến đang xảy ra cách Hà Nội 8.000 km, và Việt Nam hiện giờ chỉ quan sát như một bộ phim kinh dị: các cuộc pháo kích và không kích vào các làng mạc và thị trấn của Ukraine, các quân đoàn xe tăng vượt qua biên giới của một quốc gia độc lập.
Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đánh giá thẳng thắn và kiên quyết đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vốn luôn có lợi cho các nước nhỏ trong việc phản đối sự xâm phạm của các nước láng giềng hiếu chiến, cũng như chỉ đích danh kẻ xâm lược.
BBC: Nato và Hoa Kỳ đã cho biết sẽ không có đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Trong tình hình hiện nay, Ukraine mong muốn quốc tế trợ giúp điều gì, bên cạnh những lên án và biện pháp trừng phạt đã thông báo ngày 24/2?
Ngoài những điều nêu trên, Ukraine kêu gọi các nước trên thế giới cô lập Nga bằng mọi cách và mọi hình thức.
Ukraine cũng cần vũ khí quốc phòng, hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo.
Theo BBC
Comments powered by CComment