Mỹ thúc giục Ấn Độ không mua dầu thô giảm giá của Nga, gọi đây là động thái hỗ trợ Moskva khi họ đang mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
- Bị Mỹ cấm vận, nhà thầu Nga rút khỏi dự án nhiệt điện tỷ đô ở Sóc Trăng
- Chính phủ Mỹ cảnh báo nguy cơ hết ngân sách đối phó với COVID-19
- Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ họp khẩn về chiến sự Ukraine
Khi được hỏi về các thông tin gần đây rằng Ấn Độ có thể chấp nhận đề xuất của Nga để mua dầu thô giá rẻ hơn từ nước này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 16/3 cho biết: "Các quốc gia nên xem xét vai trò của mình trong lịch sử khi giao dịch với Nga, trong lúc họ đang mở chiến dịch quân sự ở Ukraine".
Psaki cho biết thêm ủng hộ Nga trong lúc này là ủng hộ cho chiến dịch quân sự của quốc gia này tại Ukraine. Tuy nhiên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng cũng khẳng định chuyện Ấn Độ mua dầu Nga sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu 80% lượng dầu sử dụng, thường chỉ mua 2-3% lượng dầu từ Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng 40% trong năm nay, Ấn Độ đang cân nhắc tăng nguồn dầu mua từ Nga khi được giá ưu đãi hơn.
Ấn Độ vẫn từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và bỏ phiếu trắng về chiến sự Nga - Ukraine trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc đầu tháng này.
Ấn Độ cũng là đối tác vũ khí lớn của Nga với 60% khí tài quân sự mua từ Moskva, dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Bộ Tài chính Nga sau đó thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022, nhằm đáp trả lệnh cấm vận từ phương Tây.
Comments powered by CComment