Group News: Tin copy

"Phong trào" phóng sinh tại Việt Nam ngày càng gây tranh cãi. Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người phóng sinh cá hải tượng long khổng lồ xuống sông càng làm dấy lên ý kiến trái chiều về hình thức tạo phước lành này.

Getty Images

Phóng sinh cá vàng (ảnh minh họa)

Trên mạng xã hội đã nổ ra ý kiến trái chiều xung quanh đoạn clip nói trên. Theo đó, một cá hải tượng long khổng lồ được cho là nặng 90 kg đã được đoàn người phóng sinh xuống sông.

Đoạn clip được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem cùng hàng chục ngàn lượt bình luận, tương tác.

Nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 16/8, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ nói:

"Việc mua động vật lớn thả phóng sinh, nếu không có kiến thức sinh thái và khoa học, hiểm hoạ sẽ lớn không ngờ.

 Hiểm họa môi trường

Báo Tuổi Trẻ trích lời Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết Tổng cục đã trao đổi với đơn vị liên quan của TP HCM kiểm tra, xác minh clip phóng sinh cá hải tượng long.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết cá hải tượng là sinh vật ngoại lai, không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam.

Chủ nhân đoạn video gây tranh cãi trên nói với Thanh Niên rằng, đoạn video được quay vào ngày 30/6 dương lịch, chứ không phải mới đây. Người này vô tình qua phà đi từ H.Bình Chánh (TP HCM) hướng về Cần Giuộc (Long An) và thấy nhóm người tụ tập chuẩn bị thả cá.

"Bữa đó tôi vô tình quay được. Tôi được biết là con cá hải tượng long đó của một anh nào đó, vì nuôi lớn không muốn nuôi nữa nên mới thả đi. Thực ra không phải thả một, mà có tới tận sáu con xuống sông, mỗi con khá lớn", người này nói.

UGC

Video phóng sinh cá hải tượng long gây tranh cãi

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ nói:

"Việc mua động vật lớn thả phóng sinh, nếu không có kiến thức sinh thái và khoa học, hiểm hoạ cũng sẽ lớn không ngờ. Cá hải tượng long là loài cái được nhập từ Nam Mỹ về nuôi kiểng. Con cá này có kích thước rất lớn, nó có thể dài tới ba mét.

"Khi chúng ta thả ra ngoài sông, loài cá này có nhu cầu tiêu thụ lượng thức ăn lớn để tồn tại, dẫn đến việc nó có thể ăn các loài cá khác, hoặc cá con của những loài cá khác. Nó có thể trở nên hung dữ hơn trong những điều kiện khắc nghiệt, thậm chí nó có thể tấn công con người. Loài cá này có hàm rất khỏe và răng rất bén, nó có thể gây nguy hiểm cho con người và tàu thuyền," tiến sỹ diễn giải.

Cá hải tượng long cũng là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II).

Theo Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, bản chất của việc phóng sinh là một hành vi nhân đạo. Tuy nhiên, ông nhận xét việc phóng sinh hiện nay đang được phát triển một cách phổ biến ở nhiều chùa chiền với việc nhiều người mang những lồng chim, những thùng cá được mua từ những ao cá và đem vào chùa để đọc kinh, rồi mang đi thả.

 Tiến sỹ phân tích, những con cá, con chim hoặc con rùa hay những loài vật khác khi thả ra không đúng cách thường không sống được bao lâu và có thể gây những tác hại cho môi trường.

"Cần hiểu rõ, người đi phóng sinh mua những hầm cá đã quá lứa mà chủ nhân của các hầm cá này khó bán, bị thương lái chê, nhà máy chế biến từ chối mua vào. Chủ hầm cá để nuôi tiếp thì tốn tiền thức ăn, tốn tiền nhân công chăm sóc quá nên bán rẻ với số lượng lớn.

"Trong hệ sinh thái đã có quy định một số lượng nhất định các loài, thức ăn, nơi cư trú mà phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đó. Nhưng khi chúng ta thả một lượng cá nuôi ra sông thì những con cá này không có khả năng tự kiếm mồi vì đã quen việc được cho ăn hàng ngày trong ao nuôi. Chúng mất đi tập tính kiếm mồi và lẩn trốn khi gặp kẻ thù hoặc khả năng chịu đựng với những bất lợi của môi trường.

"Cá chúng ta đem cá ra giữa sông thả, có những điều kiện thay đổi về thủy vực và khả năng dẫn đến những con cá này bị sốc nước, bị chết hoặc bị các loài khác tấn công. Những con muốn tồn tại thì phải trở nên hung dữ, chiếm thức ăn, nơi cư trú của các loài khác. Điều này gây hại cho hệ sinh thái cũng như tính đa dạng sinh học của khu vực đó," tiến sỹ Lê Anh Tuấn kết luận.

RICARDO OLIVEIRA/Getty Images

Một ngư dân đem con cá Pirarucu (cá hải tượng long hay còn gọi là Arapaim) lên mặt nước, tại Khu bảo tồn Phát triển Bền vững Piagacu-Purus ở bang Amazonas, Brazil, vào ngày 24 tháng 10 năm 2019. Cá hải tượng long là một loài cá khổng lồ của Amazon, đã từng trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Chúng có thể dài tới ba mét và nặng hơn 200 kg.

Ông Anh Tuấn cũng nêu nguy cơ những con cá được mua này có thể mang mầm bệnh vốn chưa phát thành bệnh trong ao nuôi vì chủ nuôi có thể sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khi chúng được thả ra, những mầm bệnh này có thể lan truyền trong môi trường nước.

"Những người đi phóng sinh, khi tiếp xúc trực tiếp với cá, rùa, chim này không trang thiết bị bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang, thuốc khử khuẩn, … thì cũng có thể có nguy cơ bị lây nhiễm một số bệnh từ chúng như bệnh ghẻ lở, bệnh nấm da, cúm gà và một số dịch bệnh lạ khác… rồi sau đó gây rủi ro về sức khỏe cho cộng đồn," giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ nêu ý kiến.

Phóng sinh sai cách bằng 10 sát sinh?

Dịp rằm tháng Bảy, nhiều người đăng tải trên Facebook, TikTok hình ảnh thả cá, rùa, chim và cầu phước đức. Video thả cá hải tượng long khổng lồ cùng nhiều video người dân thuê thuyền ra giữa sông thả cá gây nhiều tranh luận.

Facebook Nguyễn Kiều Duyên viết: "Phóng sinh sai cách bằng 10 sát sinh vì những loài cá như hải tượng long có thể trở nên hung tợn và tấn công những loài khác hoặc ăn cá con của các loài cá khác trong khu vực đó. Như vậy, thả một con xuống nói không phù hợp có thể gây ra cái chết cho nhiều con khác. Hay chính những con cá này bị đánh bắt và bán lại, tạo thành vòng lẩn quẩn, gây đau khổ cho chúng."

"Tôi không nghĩ những người đi phóng sinh không ý thức được chim cá họ mua là do bắt đem về. Người này thả xuống, người kia bắt lên nhưng cứ nhắm mắt làm ngơ, miệng niệm Bồ Tát. Những con chim bị săn bắt bằng những cách tàn độc như lấy kim chỉ may mù mắt, chích điện, cắt gân cánh cho không bay được xa... Như vậy nhu cầu mua cá, chim phóng sinh này sẽ tạo ra thị trường hành hạ các loài vật. Thế là đang tích đức hay đứt phước?" - Facebook Cao Ngọc An viết.

Godong/Getty Images

Những chú chim bị nhốt trong lồng chật hẹp để phục vụ nhu cầu phóng sinh (ảnh minh họa)

Trên trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm viết, ý nghĩa phóng sinh là mong muốn kéo dài thọ mạng của sinh vật: khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra để cứu sống chúng.

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm cho rằng việc làm tốt đẹp đang ngày càng mất đi nét đẹp.

"Thả chim phóng sinh là một việc thiện và dễ làm, nhưng chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi đánh bắt gây thêm nghiệp sát. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật,"

 Vì lẽ đó, hòa thượng nói rằng, phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chánh kiến chứ không chạy theo số đông.

"Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đưa ra đề xuất, để phóng sinh phù hợp khoa học tự nhiên thì cần có sự tư vấn của các nhà thủy học, môi trường hoặc các nhà sinh thái.

"Chúng ta có thể tham vấn những người chuyên về bảo vệ và hồi phục nguồn lợi thủy sản để có được những khảo sát, những điều kiện thủy vực, tính đa dạng sinh học, nguồn thức ăn, nơi cư trú. Các loài cá này có thể sống chung với nhau được hay không, hay nó gây xáo trộn sinh thái. Để giảm việc phóng sinh bừa bãi, tràn lan thì cần những hoạt động truyền thông môi trường cho mọi người hiểu được, đặc biệt nhóm người có thói quen phóng sinh để họ hiểu hơn," ông Anh Tuấn góp ý với BBC.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.