Group News: Tin copy

Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ trong những tuần gần đây đẩy nhanh kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc khi yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện lên kế hoạch tích cực hơn để lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác của châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, theo Wall Street Journal (WSJ).

Một cửa hàng Apple ở thành phố New York hôm 26/11. Hãng công nghệ của Mỹ đang tăng tốc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và các nơi khác ở châu Á.

Một cửa hàng Apple ở thành phố New York hôm 26/11. Hãng công nghệ của Mỹ đang tăng tốc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và các nơi khác ở châu Á.

Thông tin về việc Apple tích cực dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc được WSJ đưa ra giữa lúc hàng chục cuộc biểu tình bùng phát ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Nhà máy Trịnh Châu, nơi hàng trăm nghìn công nhân lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple bị chấn động bởi các cuộc biểu tình bạo lực hồi cuối tháng trước.

WSJ đã xác thực được những hình ảnh trong một video đăng trên mạng cho thấy các công nhân tại nhà máy ở Trịnh Châu, nơi được gọi là “Thành phố iPhone”, bày tỏ bức xúc về tiền lương và những hạn chế vì dịch COVID-19 đã ném đồ vật và hét lên “Hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi của bạn!”. Video còn cho thấy cảnh sát chống bạo động cũng có mặt ở đó.

Theo các nhà phân tích và những người làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple được WSJ trích lời, các biến động gần đây ở Trung Quốc làm suy yếu vị thế của nước này là một trung tâm sản xuất ổn định, đồng thời khiến Apple không còn cảm thấy thoải mái khi có quá nhiều hoạt động kinh doanh bị ràng buộc ở một nơi như Trung Quốc.

Gần 3 năm sau khi đại dịch COVID bùng phát, Trung Quốc vẫn đang cố gắng dập dịch bằng các biện pháp cách ly trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã quay trở lại các hoạt động bình thường như trước khi có dịch.

Apple và nhiều công ty của Mỹ cũng như phương Tây đã bắt đầu có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi căng thẳng kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy do phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc càng khiến các công ty này quyết tâm đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam trong một thập niên qua đã nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất thế giới đối với các công ty công nghệ.

Theo nhà phân tích chuyên theo dõi chuỗi cung ứng tại TF International Securities, Ming-chi Kuo, cho WSJ biết, các nhà cung cấp nói rằng Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất các sản phẩm của Apple như AirPod, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay.

Nikkei Asia hồi tháng 8 năm nay đưa tin rằng Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam khi hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ tìm cách đa dạng hóa sản xuất để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc.

Foxconn, nhà cung cấp linh kiện điện tử của Apple, trong những năm gần đây đã bắt đầu sản xuất máy tính bảng iPad và tai nghe không dây AirPod tại Việt Nam. Công ty của Đài Loan, cùng với Luxshare Precision Industry – một hãng Trung Quốc cung ứng cho Apple, trong năm nay đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền bắc Việt Nam với mục tiêu lần đầu tiên sản xuất thiết bị này ngoài Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple khi sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực của họ, gồm máy tính bảng iPad, tai nghe iPod và Apple Watch, sản phẩm được xem là tinh vi hơn cả, theo Nikkei. Còn Ấn Độ, theo WSJ, là nơi sẽ sản xuất 40-45% lượng iPhone trong kế hoạch lâu dài của Apple khi dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Dan Panzica, cựu giám đốc điều hành của Foxconn hiện đang tư vấn cho các công ty về các vấn đề chuỗi cung ứng, cho WSJ biết rằng ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng lại thiếu công nhân. Việt Nam chỉ có chưa đầy 100 triệu dân, chưa bằng 1/10 số dân Trung Quốc. Ông Dan cho rằng Việt Nam có thể điều hành các cơ sở sản xuất có sức chứa 60.000 người nhưng không thể như những nơi như ở Trịnh Châu của Trung Quốc, nơi có hàng trăm nghìn công nhân.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.