Group News: Tin copy

Sáng 7/12, tàu Hai Duong 29 và Hai Duong 38 của HADUCO đã cứu 154 người Rohingya gặp nạn và trao trả cho Hải quân Myanmar, dấy lên quan ngại về số phận của những người tị nạn này.

Tàu Hải Dương 38 cứu vớt 154 người vào sáng 7/12

Sự việc diễn ra tại khu vực biển Andaman Sea, ngoài khơi Myanmar, cách Yangon khoảng 285 hải lý về phía nam.

Đại diện của công ty HADUCO nói với BBC News Tiếng Việt hôm 9/12 rằng tàu HD 29 và HD 38 đang kéo giàn khoan dầu khí từ Singapore đến Myanmar thì gặp một tàu tiếp cận, chở theo 154 người trong tình trạng tàu chết máy, nước tràn vào khoang.

“Chúng tôi có báo vấn đề an ninh với bên phía Việt Nam. Sau đó, hai tàu của HADUCO nhanh chóng tiếp cận, đưa hết 154 người lên tàu an toàn và khoảng một tiếng đồng hồ sau thì chiếc tàu kia chìm."

"Vì lúc đó tàu đang thuộc vùng nước của Myanmar nên chúng tôi báo cáo cho chính quyền Myanmar. Bên Myanmar cũng hỗ trợ đưa tàu hải quân 771 của họ ra nhận người ngay trong ngày hôm sau, tức 8/12."

“Chúng tôi đã nhấn nút cứu hộ cứu nạn. Về vấn đề an ninh thì sẽ do trung tâm SAR (search and rescue, tìm kiếm cứu nạn) tại vùng biển Myanmar hướng dẫn. Sau đó chúng tôi cung cấp thức ăn, nước uống cho những người này."

"Tàu hành trình trên biển hạn chế, hầu như là không cho tàu khác cập mạn tàu. Nhưng trong trường hợp này thì mình hỗ trợ, dù bị trễ lịch trình,” người đại diện trả lời sự việc.

Theo tường thuật của VTC, trong số 154 người Myanmar được giải cứu, có 83 đàn ông, 40 phụ nữ, 8 bé gái và 23 bé trai.

Những người này đã được đưa lên tàu hải quân 771 của Myanmar, bàn giao cho cơ quan chức năng sở tại an toàn.

Hình ảnh và video mà BBC News Tiếng Việt nhận được cho thấy nhóm người Rohingya được cứu này được cấp cho đồ ăn, thức uống trên tàu HD 38.

Đại diện của HADOCU cũng xác nhận với BBC rằng sau khi thống nhất phương án, tàu HD 38 đã tháo giàn khoan dầu và di chuyển đến gặp tàu hải quân Myanmar để trao trả người vì nằm trong vùng biển Myanmar.

Haduco

Trong số 154 người Myanmar được cứu, có 83 đàn ông, 40 phụ nữ, 8 bé gái và 23 bé trai

Hình minh họa cho bài viết

Vị trí hai tàu Việt Nam tiếp cứu thuyền của người tị nạn

Theo thông cáo báo chí do Hội đồng Quân sự Myanmar đưa ra, 154 người Rohingya đang lênh đênh gần vùng biển Thái Lan nằm về phía tây nam thành phố Myeik đã được Hải quân Myanmar vớt vào đêm 7/12 và hiện họ vẫn đang ở trên tàu.

Thông cáo cũng cho biết Hải quân Myanmar đã nhận được thông báo từ hai tàu chở dầu và hai tàu này đã giúp cứu nhóm người Rohingya nói trên. Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ là tàu Việt Nam. 

"Theo thông tin ban đầu, được biết nhóm người này đang trên đường đến Indonesia từ trại tị nạn Bangladesh. Họ có thẻ UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn)," Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của Hội đồng Quân sự, trả lời câu hỏi của BBC Miến Điện. 

Tướng Zaw Min Tun cho biết sẽ tiếp tục công bố thông tin chi tiết về vụ việc.

U Aung Kyaw Moe, một thành viên của nhóm cố vấn nhân quyền của Chính phủ Thống nhất Quốc gia NUG, nói với BBC Miến Điện hôm 8/12 rằng một chiếc thuyền chở khoảng 160 người Rohingya, bao gồm cả trẻ em, đã lênh đênh trên biển gần Thái Lan trong gần một tuần, trước khi được cứu vớt.

Chụp lại video,Cảnh báo: BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Số phận những người Rohingya được cứu?

Trên mạng xã hội, nhiều người tán dương hành động của hai tàu chở dầu Việt Nam và cho rằng, trong khuôn khổ là tàu dân sự, họ đã làm đúng quy định và có lòng tốt giúp đỡ nhóm người tị nạn.

Tuy nhiên, có một số quan ngại về số phận của những người Rohingya này sau đó.

Nhận xét vụ việc với BBC News Tiếng Việt, nhà báo chuyên về Myanmar, Bertil Lintner, nói:

 “Cái chính là những người Rohingya này chạy trốn khỏi sự truy bức của chính quyền ở Myanmar và rồi phải đến ở các trại tị nạn ở Bangladesh. Sau đó, họ cố gắng trốn sang Malaysia hoặc Indonesia, để rồi bị giao lại cho quân đội, hải quân Myanmar, điều này nghĩa là họ không được giải cứu mà còn bị đặt vào nguy hiểm.

 “Hầu hết người Rohingya đã trốn sang Bangladesh vào năm 2017 sau khi quân đội Myanmar đốt nhà và giết chết hàng ngàn người. Họ là một nhóm thiểu số Hồi giáo bị đàn áp sống ở bang Rakhine phía tây Myanmar, gần biên giới Bangladesh.

“Chính quyền Myanmar tuyên bố họ là ‘những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và họ bị từ chối quyền công dân Myanmar’. Nhưng họ tự gọi mình là người Rohingya và chỉ ra rằng họ đã sống ở bang Rakhine qua nhiều thế hệ, thậm chí hàng thế kỷ. Vì vậy, sẽ không có chuyện họ được đối xử công bằng khi được giao cho chính quyền quân sự Myanmar,” ông Lintner nhận định. 

 
 

Một chiếc thuyền khác, chở 180 người tị nạn Rohingya bị hỏng động cơ khi đang rời Malaysia vào ngày 25/11 và hiện đang lênh đênh trên biển, U Aung Kyaw Moe viết trên mạng xã hội sáng 8/12.

Hôm 7/2, BBC Thái cũng tường thuật một chiếc thuyền chở 200 người Ronhingya trôi nổi trên vùng biển gần vùng đặc quyền kinh tế gần tỉnh Phuket, phía tây nam Thái Lan.

Những người này đang trong tình trạng nguy kịch và chiếc thuyền có thể chìm trong hai ngày. Hiện đã có 30 người chết trên thuyền nhưng chính quyền Thái Lan đã từ chối trợ giúp trước khi thuyền đi vào lãnh hải Thái Lan.

Getty

Ngày càng có thêm cáo buộc về vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar

Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, ông Phil Robertson, nói với BBC hôm 9/12:

“Những người tị nạn Rohingya này có thể sẽ phải đối mặt với sự đánh đập và các hành vi truy bức khác dưới bàn tay của Hải quân Myanmar, bao gồm cả quấy rối tình dục và cưỡng hiếp. Bất kỳ vật có giá trị nào mà những người tị nạn này sở hữu đều có khả năng bị tước đoạt.

“Vì chính quyền quân sự Myanmar không coi người Rohingya là công dân của nước họ, nên các thủy thủ Hải quân sẽ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với những người Rohingya này, và có thể sẽ đối xử khá tệ với họ khi đưa họ trở lại đất liền.

 
 

“Một khi người Rohingya cập bến, họ sẽ bị giam giữ và đưa ra xét xử vì tội rời khỏi bang Rakhine bất hợp pháp và đối mặt với bất kỳ các cáo buộc nào khác mà chính quyền quân sự muốn đưa ra. Vì tòa án Myanmar hoàn toàn không độc lập nên họ sẽ đưa ra bất kỳ phán quyết nào mà quân đội yêu cầu. Và những người tị nạn này sẽ bị bỏ tù nhiều tháng hoặc nhiều năm do việc đã cố gắng trốn khỏi đất nước.

“Sau khi mãn hạn tù trong điều kiện nhà tù khủng khiếp ở Myanmar, những người tị nạn sẽ bị buộc quay trở lại bang Rakhine và bị giam giữ trong các trại dành cho người di tản trong nước giống như các nhà tù ngoài trời. Lý do khiến những người tị nạn khóc trong đoạn video được đăng trên Twitter là họ nhận ra rằng cuộc sống của họ sắp chuyển sang một bước ngoặt rất tồi tệ và tồi tệ hơn dưới bàn tay của chính quyền quân sự Myanmar. 

Thuyền nhân Việt Nam

Gia đình cô Lê Thị Thụy Linh nằm trong số 1.003 'thuyền nhân' được tàu SS Sibonga vớt lên vào ngày 21/5/1979

Gia đình cô Lê Thị Thụy Linh nằm trong số 1.003 'thuyền nhân' được tàu SS Sibonga vớt lên vào ngày 21/5/1979

Câu chuyện về người Rohingya trên biển gợi nhớ về thuyền nhân Việt Nam ra đi sau năm 1975, như một câu chuyện đã được BBC News đã ghi lại. Vào ngày 21/5/1979, khi thủy thủ Anh phát hiện ra một chiếc thuyền chở nhiều người đang trong tình trạng kiệt sức họ cũng lập tức tiếp cứu.

Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Martin, tàu hàng SS Sibonga mang quốc tịch Anh đã vớt lên tổng cộng 1.003 người. Họ là những thuyền nhân ra đi từ Việt Nam.

Vào tới cảng Hong Kong nhưng Sibonga không được cập cảng, và người tị nạn không được phép lên bờ, khiến hành trình của tàu Sibonga bị cản trở.

Chiếc tàu Anh đã phải neo lại hơn hai tuần ở vùng biển quốc tế, cho tới khi London và Hong Kong đạt thỏa thuận tạm thời để thuyền nhân lên bờ trước khi được đưa tới Anh. Nhưng những khó khăn tàu Sibonga gặp phải không làm vị thuyền trưởng đổi ý.  

Gia đình Lê Thị Thụy Linh, khi đó mới 7 tuổi, gồm cha mẹ và bốn chị em cô, nằm trong số 1.003 thuyền nhân trên hai tàu cá ọp ẹp được tàu SS Sibonga của Anh cứu khẩn cấp trên Biển Đông năm ấy.

Giờ đây, Linh có một cuộc sống riêng yên bình ở Anh, bên cha mẹ, em trai và gia đình nhỏ. Gia đình bà Linh sau 40 năm, đã hội ngộ ân nhân của mình vì năm ấy đã cứu sống họ đến được Anh.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.