Group News: Tin copy

Nhân 100 năm ngày sinh của ông Võ Văn Kiệt, Boston Global Forum tại Mỹ đã tổ chức sự kiện về vị cố thủ tướng có nhiều di sản của Việt Nam.

Getty Images

Võ Văn Kiệt (1922-2008)

BBC đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Micheal Dukakis Boston, Hoa Kỳ. Ông là Nhà sáng lập và Tổng biên tập báo VietnamNet trong 13 năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư.

BBC: Thưa ông, tại sao ông và Boston Global Forum tại Hoa Kỳ đã tổ chức sự kiện 100 năm sinh ông Võ Văn Kiệt? Người tham gia từ Hoa Kỳ chia sẻ góc nhìn gì về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt?

Với lòng kính trọng sâu sắc với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về những di sản ông để lại cho Việt Nam mà có thể vận dụng vào hoà giải, hoà bình cho các xung đột trên thế giới hôm nay, nên n.tôi và các nhà lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston bao gồm cựu Thống đốc Michael Dukakis, các giáo sư của Đại học Harvard và Đại học MIT Thomas Patterson, Nazli Choucri, Alex Pentland, David Silbersweig Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Bosto tổ chức tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào hôm 23/11/2022

Các diễn văn của Thống đốc Michael Dukakis và giáo sư Thomas Patterson, của cựu Thủ tướng Bosnia và Herzegovina Zlatko Lagumdzija, của Cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Cameron Kery, của Ramu Damodaran, đồng chủ tịch sáng kiến Liên Hợp Quốc 100 năm, trân trọng, nhấn mạnh những cống hiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đổi mới, hội nhập, cho hoà giải và hoà hợp dân tộc, cho ý chí không chịu tụt hậu của Việt Nam.

Các diễn giả cũng nhắc đến việc ông Võ Văn Kiệt đã vượt qua mất mát lớn của gia đình trong chiến tranh: vợ và con bị giết vì bom đạn của đối phương, nhưng sau khi hoà bình thống nhất đất nước ông vẫn trân trọng quan chức, trí thức của chính quyền cũ Việt Nam Cộng Hoà, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực của mình, nhiều người trở thành cố vấn, gần gũi, đóng góp những ý kiến quý báu cho các quyết định của Ông.

Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Bosto tổ chức tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào hôm 23/11/2022

Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Bosto tổ chức tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào hôm 23/11/2022 tại Đại học Harvard

BBC: Nay nhìn lại, ông đánh giá di sản ông Kiệt để lại như thế nào, còn gì có tính thời sự cho Việt Nam?

Di sản của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt là viên ngọc sáng, rất quý báu cần được phát huy cho công cuộc xây dựng Việt Nam hôm nay theo tôi là tư tưởng, phong cách lãnh đạo dựa vào nhân dân, tin dân, đại đoàn kết toàn dân tộc một cách thực chất, tập hợp, phát huy mọi nguồn lực, tạo môi trường ở đó mọi người dân được phát huy cao nhất năng lực của mình. Ông từng muốn mọi người VN có được công bằng cơ hội phát triển bản thân, chống tụt hậu so với các nước Đông Nam Á, thổi lên khát vọng đưa Việt Nam vượt lên trở thành cường quốc văn minh tiên tiến.

Lúc sinh thời ông nói không nhất thiết phải là Đảng viên Đảng CS mới được là đại biểu Quốc Hội, mới được là Bộ trưởng, mà bất kỳ công dân nào có năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi và muốn cống hiến cho đất nước đều có cơ hội để ứng cử, để trở thành đại biểu quốc hội, trở thành Bộ trưởng, hay Chủ tịch tỉnh.

BBC: Nhắc lại giai đoạn Đổi Mới từ 1986 thì theo ông đánh giá, tư duy và hành động của ông Kiệt có xung đột gì với các lãnh đạo gốc miền Bắc vào lúc ấy vốn còn nặng về lý luận?

Giữa tư duy và cách làm mới và cũ sẽ luôn có xung đột, nhưng không hẳn các nhà lãnh đạo miền Bắc là nặng về lý luận, không đổi mới. Ở miền Bắc cũng có những nhà lãnh đạo đổi mới như Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc, Bí thư Hải phòng Đoàn Duy Thành, và ở miền Nam cũng có những lãnh đạo xơ cứng theo lối mòn. Tôi nhớ ngay Tổng bí thư Lê Duẩn cũng là người muốn tìm ra cái mới, không muốn đi vào lối cũ, chính Tổng bí thư Lê Duẩn ủng hộ Ông Võ Văn Kiệt đổi mới ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp những trở ngại trong con đường đổi mới của mình, có lẽ rõ nhất là những trở ngại ông gặp phải khi viết bức thư gửi Bộ Chính Trị ngày 9 tháng 8 năm 1995. Những ngày ấy còn đấu tranh giữa các quan điểm, đường lối, và ngày ấy Đổi Mới còn dễ bị quy chụp.

Nhưng với khí chất Võ Văn Kiệt ông vẫn giữ tư duy và lãnh đạo, dẫn dắt đổi mới cho đến ngày ông rời khỏi cõi đời này. Ông ra đi, nhưng ông đã gieo mầm tinh thần và khí phách Đổi Mới cho xã hội Việt Nam, để Đổi Mới là xu thế không thể đảo ngược được. Đó là cống hiến to lớn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đón Thượng nghị sỹ Mỹ Tom Harkin thăm Hà Nội 3/07/1995

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đón Thượng nghị sỹ Mỹ Tom Harkin thăm Hà Nội 3/07/1995

BBC: Ngọn cờ Đổi mới của ông Võ Văn Kiệt đã tác động với ông như thế nào trong hoạt động báo chí. Đặc biệt là vai trò của ông Kiệt trong việc đổi mới báo chí giai đoạn 1975-2010 và sau này nữa? Khi làm Tổng biên tập VietnamNet ông có kỷ niệm gì với ông Kiệt hay không?

Chính ngọn cờ đổi mới Võ Văn Kiệt đã truyền cảm hứng và định hướng về chuẩn mực giá trị, định hướng cho mục tiêu cuộc sống và hành động của tôi trong gần 14 năm xây dựng và lãnh đạo VietNamNet. Tôi đã tạo dựng Báo điện từ VietNamNet theo tư duy và phong cách lãnh đạo, cùng với con đường Đổi Mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và có may mắn được gần gũi, gắn bó với ông hơn khi ông đã rời ghế thủ tướng.

Tôi nhớ trong một lần ăn trưa với ông ở Biệt thự số 6, Khu Biệt thự Tây Hồ, Hà Nội, ông tâm tình:

"Sự nghiệp không phải là chức vụ, là cái ghế, sự nghiệp là những gì đã làm được cho nhân dân, cho xã hội. Tôi không bao giờ tính toán, chuẩn bị cho chức vụ cao hơn, tôi luôn làm những gì tốt nhất, nỗ lực cao nhất trong cương vị của mình. Hồi ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nỗ lực vượt mọi khó khăn, trở ngại để thành phố phát triển và để người dân có cuộc sống tốt hơn, dù phải xé rào, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến người dân thành phố, chứ tôi không nhắm cho mình một chức vụ cao hơn, và lúc ấy không nghĩ mình sẽ trở thành Thủ tướng."

Đó cũng là quan niệm về giá trị cuộc sống để VietNamNet khi đó: phục vụ bạn đọc, phụng sự nhân dân và nêu khẩu hiệu "Nâng niu truyền thống, Đổi mới mạnh mẽ".

Chính học hỏi ở Chú Sáu Dân phương pháp làm việc này, tôi đã áp dụng có hiệu quả trong quá trình lãnh đạo VietNamNet, như xây dựng Hội đồng cố vấn của VietNamNet đứng đầu là Nhà Văn Hoá Việt Phương, người gần gũi và gắn bó với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với hầu hết những thành viên Ban Cố vấn của chú Sáu Dân, và các trí tuệ và nhân cách như Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Phan Đình Diệu, ngoài ra VietNamNet đã mời một số giáo sư có uy tín của Đại học Harvard làm cố vấn cho Tổng biên tập, lắng nghe và tôn trọng bạn đọc, dựa vào bạn đọc, dựa vào nhân dân làm kim chỉ nam cho hoạt động của mọi thành viên VietNamNet.

Nguyen Anh Tuan

Hội nghị của Diễn đàn Toàn cầu Bosto tổ chức tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào hôm 23/11/2022

VietNamNet đã gặp anh Nguyễn Trung, nguyên là Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi chuẩn bị Đại hội Đảng 10, anh gửi bài viết Thời Cơ Vàng của Đảng ta đến các báo đều bị bỏ qua, nhưng VietNamNet thấy đây là bài viết tâm huyết và có những ý tưởng tốt, dù có thể bị cấp trên nhắc nhở khi đăng bài này, nhưng tin rằng đây là những vấn đề cần phải nêu để phát triển đất nước, nên tôi đã chỉ đạo đăng bài và đã mời anh Nguyễn Trung tham gia Hội đồng cố vấn VietNamNet.

Từ đó, tạo ra một làn sóng thảo luận về "Thời Cơ Vàng", khi thấy nhiều ý kiến tâm huyết, những bàn tròn Trực tuyến Thời cơ vàng có nhiều ý tưởng tốt cho đổi mới, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt gợi ý nên xuất bản một cuốn sách giới thiệu các nội dung thảo luận trên VietNamNet trước Đại hội Đảng lần thứ 10 rồi tặng mỗi đại biểu dự Đại hội Đảng một cuốn, VietNamnet đã phối hợp với Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản cuốn sách Thời Cơ Vàng của chúng ta và tặng mỗi đại biểu dự đại hội.

Chính trong những ngày VietNamNet gặp khó khăn, sau Đại hội Đảng 10, ông Kiệt đã đến thăm và động viên VietNamNet, và tặng báo sáu chữ "Ý chí - Nghị lực - Sáng tạo".

 
{keywords}
 
TBT Diễn đàn Toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn.
 

Ngày 9/12 năm 2007, VietNamNet có bài viết "Sức mạnh đồng thuận Việt Nam, nhìn từ Hoàng Sa, Trường Sa". Cấp trên đã xử lý nặng VietNamNet, phạt tiền ở mức cao, dự kiến thay Tổng Biên Tập. Đúng những ngày tháng khó khăn đó, đầu tháng 1 năm 2008, ông Võ Văn Kiệt đến nhà tôi ăn tối, động viên và tâm tình.

Chú Sáu Dân nói: "Nhiều người có thể có xu hướng chính trị khác nhau, nhưng cái tâm vì đất nước của anh chị em thì chúng ta trân trọng. Hòa hợp, hòa giải dân tộc bây giờ tạo nên sức mạnh lớn lắm!".

Cũng chính từ tư tưởng hoà giải, hoà hợp dân tộc của Chú Sáu Dân mà VietNamNet đã nêu ý kiến gọi ngày 30/4 là Ngày Thống Nhất đất nước, nói về thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc hơn là nói về ngày chiến thắng, bỏ các từ ngữ cũ để nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũ, tổ chức Bàn tròn trực tuyến Ngày Thống nhất đất nước nhân kỷ niệm 30 năm, 30/4/2005.

Từ ý tưởng này VietNamNet tổ chức hoà nhạc Hoà nhạc Hoà giải và Yêu thương vào ngày 21, 22/4/2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, dịp kỷ niệm 35 năm ngày Thống nhất đất nước. Tôi mời nhạc trưởng Charles Ansbacher từ Boston sang chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn Hoà nhạc Hoà Giải và Yêu Thương tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đó là một thời kỳ thật đẹp.

Đám tang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 14 tháng 6 năm 2008

Đám tang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 14 tháng 6 năm 2008

BBC: Trong cuốn sách "Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân", ông đã viết rằng ông học tập phong cách, tư duy, và tinh thần Võ Văn Kiệt "truyền cảm hứng tích cực" và là hành trang tạo dựng sự nghiệp mới ở Boston, nó thể hiện thế nào về phương pháp tổ chức và kết quả đạt được ở Diễn đàn Toàn cầu Boston trong 10 năm qua?

Từ tư tưởng tin dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của mọi công dân, tôi đã cùng các đồng nghiệp ở Đại học Harvard, Đại học MIT xây dựng mô hình nền kinh tế toàn dân sáng tạo - kinh tế dữ liệu với sự ứng dụng sâu rộng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, Internet, mobile , ở đó mỗi công dân đều có thể trở thành một nhà đổi mới, sáng tạo.

Đây là nền tảng kinh tế của Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu, của Xã hội Trí Tuệ Nhân Tạo.Từ sáng kiến đó, tôi đã tập hợp được hơn 20 nhà lãnh đạo như Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban ki-moon, Chủ tịch Quốc hội Thuỵ điển Andreas Norlen, hay những nhà tư tưởng lớn như Cha đẻ thuyết quyền lực mềm Jospeh Nye, Cha đẻ Internet Vint Cerf, nhà khoa học cách tân trí tuệ nhân tạo Judea Pearl … tham gia nội dung của cuốn sách Xây lại Thế giới - Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu mà tôi là Chủ biên. Ngoài ra là các vị như Đặc phái viên về Công nghệ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amandeep Gill, Cựu thủ tướng Israel Ehud Barak, cha đẻ hệ chuyên gia Edward Feigenbaum tham gia như là những Nhà Lãnh Đạo Khai Sáng Toàn Cầu.

Trung thành và gắn bó với con đường, với lý tưởng của Võ Văn Kiệt tôi đã khởi xướng Nhóm Sáng Kiến Vietnam Spark của Diễn đàn Toàn cầu Boston vào tháng 8/2021. Lấy cảm hứng từ tư tưởng Võ Văn Kiệt, Nhóm chọn ngày sinh của Chú Sáu Dân 23/11/2021để hoàn thành báo cáo và gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi tin rằng báo cáo "Giải pháp đột phá khôi phục và phát triển Việt Nam sau đại dịch Covid-19" đó đã góp phần vào việc tạo một đột phá trong tư duy ở Việt Nam hiện nay sau đại dịch mà điều căn bản lại rất đơn giản - như ông Kiệt nói - "làm được những gì tốt cho đất nước, cho nhân dân thì làm".

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.