Một nhóm bảy người được giải cứu ra khỏi một xe tải đông lạnh. Hai người trong đó đã bất tỉnh do thiếu ôxy. Một người phụ nữ, với biểu hiện “hốt hoảng”, liên tục hét “Việt Nam, Việt Nam”, báo The Independent dẫn lời kể của một người có mặt tại hiện trường.
Con phà chở chiếc xe tải đông lạnh có nhóm bảy người nhập cư
Đó là những gì đã xảy ra vào ngày 16/2 và được tiết lộ trong phiên tòa xét xử vụ buôn người được mở vào đầu tuần này.
Mở đầu phiên tòa tại Tòa án Lewes Crown (hạt Đông Sussex, Anh), công tố viên Nick Corsellis KC nói rằng chiếc xe tải có một khoang ẩn có chiều rộng và cao khoảng 2 mét, chiều sâu 37cm, khiến nhóm bảy người phải chen chúc trong một không gian chật hẹp và không thể di dịch quá nhiều.
Anas Al Mustafa (43 tuổi), tài xế xe tải, bị cáo buộc buôn lậu nhóm bảy người vào Anh bằng một chiếc xe được thiết kế đặc biệt.
Tại tòa, Mustafa phủ nhận cáo buộc trên.
Gào thét cầu cứu
Theo lời khai tại tòa, mọi chuyện bắt đầu khi tiếng đập và gào thét cầu cứu do thiếu ôxy của nhóm người nhập cư phát ra từ một chiếc xe tải lạnh trên một con phà ở biển Manche đang đi từ Diepe (Pháp) đến Newhaven (Anh).
Sau đó, nhân viên phà đã dùng rìu để phá vỡ vách ngăn bên trong xe và đưa nhóm người nói trên ra ngoài.
Theo Công tố viên Corsellis, nhóm người nhập cư trên không được cung cấp nước uống.
“Nhiệt độ thoát ra từ cơ thể của bảy người trong một không gian nhỏ, thiếu không khí và ôxy đã tạo ra một tình huống vô cùng nguy hiểm,” ông nói.
“Rõ ràng là tình huống quá khẩn cấp đã buộc họ phải cầu cứu trong tuyệt vọng.”
Theo báo The Independent, nhóm người nhập cư được giải cứu lúc 9 giờ 20 sáng ngày 16/2 (giờ Anh).
Khi đó, hai người đã bất tỉnh, công tố viên Corsellis cho biết.
Theo lời khai trước tòa, hành khách trên phà cũng đã giúp đỡ nhóm người nhập cư. Một y tá người Úc tên là Sari Gehle đã giúp cung cấp ôxy và giám sát y tế.
Theo thông tin từ The Independent, bà Gehle kể rằng bà đã đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của nhân viên phà. Bà kể rằng có một phụ nữ có biểu hiện “hốt hoảng”, ôm chặt lấy cánh tay của bà và liên tục la lên: “Việt Nam, Việt Nam”. Do đó, bà Gehle cho rằng những người nhập cư này đến từ Việt Nam.
Những người đàn ông khác nằm la liệt trên sàn. Một người đang nôn ọe, một người khác thì bị thương ở vai, bà Gehle nhớ lại.
Tất cả mọi người đều được phát mặt nạ dưỡng khí.
Nhóm người nhập cư sau đó đã được đưa tới bệnh viện, theo lời khai tại tòa.
Ông Corsellis dẫn lời bà Gehle rằng khi đó bà để ý thấy có một người “trông hơi lạ”.
Theo mô tả của bà Gehle, đó là một người đàn ông châu Á mặc áo khoác phao và “ngồi bệt dưới đất, có vẻ là đang ‘lướt’ điện thoại và trông vô cùng bình tĩnh”.
Công tố viên Corsellis cho biết người này chính là bị cáo Mustafa.
Theo lời khai tại tòa, thuyền trưởng phà đã khai với cảnh sát rằng người tài xế “có vẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, nhưng cũng không có động thái hỗ trợ những người đang tham gia cứu nạn, trong khi cứ ngồi dán mắt vào điện thoại.
“Ông ta có vẻ ngạc nhiên. Ông ta ngồi im trong hầm phà và không nói gì cả. Sau đó cảnh sát đã đưa ông ta đi,” Thuyền trưởng Xavier Fontenit nói thêm.
Theo lời khai tại tòa, khi bị cảnh sát tra hỏi, ông Mustafa khai rằng mình đã được giới thiệu với một người đàn ông được gọi là Badr khi còn ở Syria vào tháng Một.
Badr đã nhờ Mustafa lái chiếc xe tải trong vụ việc lần này.
Ông Mustafa cho biết mình đã từng làm việc này trước đây với mức thù lao 500 bảng Anh (khoảng hơn 16 triệu đồng) để lái một chiếc xe tới thành phố Liverpool (Anh) để thực hiện cuộc kiểm tra thường niên của Bộ Giao thông vận tải Anh (MOT test).
Nhưng lần này, mức thù lao lên tới 5.000 bảng Anh (hơn 160 triệu đồng) cho việc lái một chiếc xe tải lạnh từ Bỉ tới Anh.
Mức thù lao đột biến
Theo thông tin được công bố với bồi thẩm đoàn, Mustafa đã khai với cảnh sát rằng ông ta không biết có người ở bên trong thùng xe, nhưng mức thù lao 5.000 bảng Anh đã khiến ông ta nghĩ “có thể lần này có người bên trong”.
Khi cảnh sát hỏi tại sao mức thù lao lên tới 5.000 bảng cho việc lái một chiếc xe tải trống, Mustafa đáp:
“Tôi đã nói sự thật. Tôi nghĩ là có người ở bên trong.”
“Tại sao lần này ông ta [Badr] trả 5.000 bảng ấy hả? Chắc là cùng với lý do tại sao ông ta giao xe chỉ một giờ trước khi tôi tới. Có lẽ là vì có người ở trong xe.”
Ông Corsellis đề nghị bồi thẩm đoàn suy xét rằng liệu đây có được tính là một lời thú tội.
“Chúng tôi cho rằng bị cáo không tiết lộ toàn bộ sự thật về sự liên quan của ông ta trong vụ buôn người,” ông nói thêm.
Phiên tòa vẫn đang tiếp diễn
Tình hình nhập cư của người Việt
Tổ chức Đánh giá Di cư Cưỡng bức (Forced Migration Review - FMR) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) vào khoảng đầu năm 2024 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng người nhập cư lậu vào châu Âu.
Theo FMR, những kẻ vận chuyển người trái phép và các băng nhóm tội phạm sử dụng bẫy nợ để kiểm soát người di cư trong suốt hành trình, thường ép họ vào làm việc trong các xưởng bóc lột sức lao động hoặc đi bán thuốc giả.
Sau khi nhập cư thành công, nhiều người bị bóc lột, lạm dụng.
“Vương quốc Anh là nơi diễn ra tình trạng bóc lột nặng nề nhất. Họ bị đánh đập và bắt làm nô lệ.
Họ bị nhốt và không được phép đi đâu cả. Có rất nhiều vụ lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và các bé gái," bài viết ngày 19/7 của Sky News dẫn lời bà Mimi Vu, một chuyên gia phòng chống nạn buôn người.
Ngoài hoạt động nhập cư bằng xe tải, nổi cộm nhất là vụ việc năm 2019 khi có 39 người chết trong container, người Việt cũng vượt biển trái phép vào Anh.
Theo thống kê, số người Việt Nam sang Anh bất hợp pháp bằng thuyền nhỏ trong khoảng ba tháng đầu năm nay đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Anh cho biết Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu có thuyền nhân vượt biển Manche.
“Số lượng người di cư Việt Nam vượt biển vào Anh ngày càng tăng,” người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết vào ngày 14/4, theo Telegraph.
Số người Việt Nam vượt biển Manche đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, từ 505 năm 2022 lên 1.323 năm 2023.
Theo thống kê, trong số người vượt biển trái phép vào Anh, người Việt đứng đầu về số lượng trong năm 2024, tính tới giữa tháng Tư.
Theo BBC
Comments powered by CComment