Group News: Tin copy

Kêu gọi lên án những người Đài Loan li khai “ngoan cố”, thiết lập đường dây nóng để chỉ điểm cho chính quyền và áp dụng các hình phạt bao gồm cả án tử hình đối với “những kẻ cầm đầu” - luận điệu quen thuộc mà Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan đang trở thành hiện thực một cách nguy hiểm.

Người trẻ Đài Loan ngày càng tách biệt căn cước của họ khỏi Trung Quốc

Người trẻ Đài Loan ngày càng tách biệt căn cước của họ khỏi Trung Quốc

Hòn đảo được quản lý theo chế độ dân chủ đã quen với những yêu sách của Trung Quốc. Ngay cả các máy bay và tàu chiến Trung Quốc thử thách hệ thống phòng thủ của Đài Loan cũng đã trở thành một sự khiêu khích thường lệ.

Nhưng những động thái gần đây nhằm hình sự hóa các hành vi ủng hộ Đài Loan đang khiến những người Đài Loan sống và làm việc ở Trung Quốc cũng như những người ở trên hòn đảo này lo ngại.

“Tôi hiện đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc rời khỏi Trung Quốc,” một nữ doanh nhân Đài Loan sống tại Trung Quốc cho biết – ngay sau khi Tòa án Tối cao đưa ra những thay đổi cho phép bỏ tù chung thân và thậm chí là tử hình đối với những người phạm tội ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

“Tôi không nghĩ người ta đang phóng đại. Ranh giới hiện nay rất mơ hồ,” Giáo sư Trần Ngọc Khiết, một học giả pháp lý tại Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, đánh giá.

Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã nhanh chóng đảm bảo với 23 triệu người Đài Loan rằng điều này không nhằm vào họ mà nhằm vào một “bộ phận cực kỳ nhỏ các nhà hoạt động đòi độc lập cực đoan”.

“Đại bộ phận đồng bào Đài Loan không có gì phải lo sợ,” văn phòng này thông báo.

Tuy nhiên, những người Đài Loan cảnh giác nói rằng họ không muốn thử nghiệm tuyên bố đó. BBC đã trao đổi với một số người Đài Loan sống và làm việc tại Trung Quốc, họ cho biết họ dự định chuyển đi sớm hoặc đã rời khỏi Trung Quốc. Rất ít người sẵn sàng để cuộc phỏng vấn được ghi lại; không ai muốn được nêu tên.

“Bất kỳ phát biểu nào bạn đưa ra ở thời điểm hiện tại đều có thể bị suy diễn sai và bạn có thể bị tố cáo. Ngay cả trước khi có luật mới này, Trung Quốc đã khuyến khích mọi người tố cáo nhau,” nữ doanh nhân Đài Loan nói.

Việc tố cáo, chỉ điểm được chính thức hóa vào tuần trước, khi chính quyền Trung Quốc ra mắt một website liệt kê các nhân vật Đài Loan được coi là “những kẻ theo chủ nghĩa ly khai cứng đầu”. Trang web có một địa chỉ email để mọi người có thể gửi “manh mối và tội phạm” về những người đã được nêu tên, hoặc bất kỳ ai khác mà họ nghi ngờ.

Trung Quốc không ưa Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và gọi ông là "kẻ ly khai"

Trung Quốc không ưa Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và gọi ông là "kẻ ly khai"

Các học giả tin rằng Bắc Kinh hy vọng sẽ nhân bản sự thành công của luật an ninh quốc gia áp dụng ở Hong Kong, điều mà họ cho là cần thiết để duy trì ổn định - nhưng các điều luật này đã nghiền nát phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố khi các cựu nghị sĩ, nhà hoạt động và dân thường chỉ trích chính phủ đã bị bỏ tù.

Bằng cách biến sự ủng hộ Đài Loan thành vấn đề an ninh quốc gia, Bắc Kinh hy vọng sẽ “cắt đứt mối quan hệ của phong trào với thế giới bên ngoài và chia rẽ xã hội ở Đài Loan giữa những người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và những người không ủng hộ,” giáo sư Trần Ngọc Khiết nói.

Bà tin rằng hướng dẫn từ Tòa án Tối cao gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc truy tố một số người Đài Loan sống ở Trung Quốc.

“Quan điểm này đã được gửi đến tất cả cơ quan thực thi pháp luật các cấp trên toàn quốc. Vì vậy, đây là một cách để nói với mọi người rằng - chúng tôi muốn nhiều trường hợp như thế này bị truy tố hơn, vì vậy hãy đi tìm một vụ.”

“Chúng tôi phải thận trọng hơn nữa,” một người đàn ông Đài Loan sống ở Macau cho biết. Ông nói rằng ông luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những lời đe dọa, nhưng hướng dẫn pháp lý mới đã khiến bạn bè ông “bày tỏ lo ngại” về tương lai của ông ở thành phố của Trung Quốc này.

“Trong những năm gần đây, việc giáo dục lòng yêu nước đã trở nên phổ biến ở Macau, với những tuyên bố quyết đoán hơn về Đài Loan, tạo ra bầu không khí căng thẳng hơn so với thời kỳ trước đại dịch,” ông nói thêm.

Đài Loan, với các đồng minh hùng mạnh như Mỹ, EU và Nhật Bản, bác bỏ kế hoạch “thống nhất” của Bắc Kinh – nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ để chiếm lấy hòn đảo này, một mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai.

Trong hơn 30 năm, các công ty Đài Loan như Foxconn - nhà sản xuất iPhone, TSMC - gã khổng lồ sản xuất chip và Acer - tập đoàn điện tử khổng lồ, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Sự thịnh vượng cũng thu hút người Đài Loan từ bên kia eo biển đến tìm kiếm việc làm và những triển vọng tươi sáng hơn.

“Tôi thực sự yêu thích Thượng Hải khi mới chuyển đến đó. Thượng Hải có cảm giác lớn hơn, thú vị hơn, mang tính quốc tế hơn nhiều so với Đài Bắc,” Zoe Chu (đã đổi tên) nói. Cô đã sống ở Thượng Hải hơn một thập niên, làm công việc quản lý các nghệ sĩ nước ngoài đang được các câu lạc bộ và trung tâm tổ chức sự kiện trên khắp Trung Quốc săn đón.

Đó là giữa những năm 2000 khi Trung Quốc đang bùng nổ, thu hút tiền bạc và công dân từ khắp nơi trên thế giới. Thượng Hải là trung tâm của sự bùng nổ đó - lớn hơn, lấp lánh hơn và thời thượng hơn bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc.

“Những người bạn Thượng Hải của tôi coi thường Bắc Kinh. Họ gọi đó là ngôi làng lớn ở phía bắc,” cô Chu nhớ lại. “Còn Thượng Hải ở đẳng cấp khác. Thành phố này có những nhà hàng tốt nhất, những câu lạc bộ đêm tuyệt vời nhất, những con người thú vị nhất. Tôi cảm thấy mình như một người quê mùa nhưng tôi học rất nhanh.”

Cuộc tập trận quân sự thường niên của Đài Loan là màn thể hiện sức mạnh nhằm chống lại Bắc Kinh

Cuộc tập trận quân sự thường niên của Đài Loan là màn thể hiện sức mạnh nhằm chống lại Bắc Kinh

Đến cuối thập niên đó – năm 2009 – có hơn 400.000 người Đài Loan sống ở Trung Quốc. Đến năm 2022, con số nãy đã giảm mạnh xuống còn 177.000 người, theo số liệu chính thức từ Đài Loan.

“Trung Quốc đã thay đổi,” cô Chu, người đã rời khỏi Thượng Hải vào năm 2019, nói. Cô hiện làm việc cho một công ty y tế ở Đài Bắc và không có kế hoạch quay lại.

“Tôi là người Đài Loan,” cô giải thích. “Ở đó không còn an toàn cho chúng tôi nữa.”

Những người Đài Loan rời đi vì những lí do tương tự đã đã khiến số lượng người nước ngoài rời Trung Quốc gia tăng – nền kinh tế trì trệ, sự thù địch ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington và trên hết là các đợt phong tỏa đột ngột và rộng rãi trong đại dịch Covid.

Nhưng người Đài Loan ở Trung Quốc cũng lo lắng vì chính phủ không coi họ là “người nước ngoài”, điều này khiến họ đặc biệt dễ bị nhà nước đàn áp.

Các quan chức cấp cao của Đài Loan nói với BBC rằng hiện có 15 công dân Đài Loan đang bị giam giữ ở Trung Quốc với nhiều tội danh bị cáo buộc khác nhau, “bao gồm cả vi phạm luật chống ly khai”.

Năm 2019, Trung Quốc bỏ tù một doanh nhân Đài Loan về tội làm gián điệp sau khi ông này bị bắt quả tang chụp ảnh các sĩ quan cảnh sát ở Thâm Quyến – cáo buộc mà người này phủ nhận. Ông chỉ mới được thả vào năm ngoái. Vào tháng 4/2023, Trung Quốc xác nhận đã bắt giữ một người xuất bản sách sống Đài Loan vì tội “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Ông vẫn còn bị giam giữ.

Amy Từ (đã đổi tên), người từng sinh sống và làm việc ở Trung Quốc, cho biết giờ đây cô thậm chí còn sợ việc đi đến Trung Quốc vì công việc của mình. Sau khi trở về Đài Loan, cô bắt đầu làm tình nguyện viên tại một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người trốn khỏi Hong Kong đến định cư ở Đài Loan.

“Bây giờ chắc chắn là nguy hiểm hơn đối với tôi,” cô nói. “Vào năm 2018, họ bắt đầu sử dụng camera giám sát để phạt người đi bộ không đúng luật và hệ thống này có thể nhận dạng khuôn mặt rồi gửi tiền phạt trực tiếp đến địa chỉ của bạn.”

Cô nói rằng mức độ giám sát làm cô lo lắng - và cô lo ngại rằng hệ thống này có thể được sử dụng để truy lùng cả những du khách, đặc biệt là những người nằm trong danh sách phạm tội tiềm năng.

Các nhóm nhân quyền cho biết Trung Quốc có một trong những hệ thống giám sát rộng khắp nhất

Các nhóm nhân quyền cho biết Trung Quốc có một trong những hệ thống giám sát rộng khắp nhất

“Ồ, tôi chắc chắn có tên trong danh sách. Tôi là một người ủng hộ độc lập cứng rắn với rất nhiều ý tưởng,” Tào Hưng Thành (Robert Tsao), một tỷ phú công nghệ 77 tuổi, người sáng lập một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan, United Micro-electronics Corporation (UMC), cười nói.

Ông Tào sinh ra ở Bắc Kinh, nhưng hiện nay ông ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và tránh đến không chỉ Trung Quốc mà còn cả Hong Kong, Macau, Thái Lan và thậm chí cả Singapore.

Ông Tào không phải lúc nào cũng thù địch với Trung Quốc. Ông là một trong những nhà đầu tư Đài Loan đầu tiên thành lập các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Nhưng doanh nhân này nói rằng cuộc đàn áp ở Hong Kong đã làm thay đổi suy nghĩ của ông: “Hong Kong từng rất tự do và sôi động, và bây giờ thì không còn nữa. Và họ cũng muốn làm điều tương tự với chúng tôi ở đây.”

“Quy định mới này thực sự đang giúp những người như tôi,” ông nói. Ông tin rằng quy định này sẽ phản tác dụng, làm tăng thêm quyết tâm chống lại Trung Quốc của người dân Đài Loan.

“Họ nói rằng luật mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến một số ít người ủng hộ độc lập cứng rắn như tôi, nhưng rất nhiều người Đài Loan ủng hộ độc lập hoặc ủng hộ nguyên trạng [giữ mọi thứ như hiện tại], điều đó là như nhau, vì vậy tất cả chúng tôi đều trở thành tội phạm.”


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.