Group News: Tin copy
Tỉnh dậy trên chiếc xe 16 chỗ trên đường tới một địa điểm du lịch tại Thái Lan, Dũng và Minh thấy trên xe có ba người chĩa súng vào mình, bắt giữ im lặng.
Khaosan, con phố đi bộ nổi tiếng của Bangkok, nơi tập trung rất nhiều hoạt động vui chơi dành cho khách du lịch

Khaosan là con phố đi bộ nổi tiếng của Bangkok, nơi tập trung rất nhiều hoạt động vui chơi dành cho khách du lịch

Chuyến du lịch Thái Lan ngắn ngày đã trở thành trải nghiệm kinh hoàng kéo dài hơn một tháng với hai bạn trẻ Việt Nam như vậy.

Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Từ tour du lịch giá rẻ

Sau hai năm Covid, Đức Minh mua vé máy bay sang Thái Lan du lịch kết hợp thăm Quốc Dũng, một người bạn đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Bangkok.

Tối 1/7/2022, Đức Minh và Quốc Dũng tới Khaosan, con phố đi bộ nổi tiếng của Bangkok, nơi tập trung rất nhiều hoạt động vui chơi dành cho khách du lịch.

Tại đây, sau khi đã trải nghiệm đồ ăn Thái, massage chân, uống bia như những du khách từ khắp nơi trên thế giới, Minh và Dũng được một người Thái tiếp cận chào bán một tour du lịch ngắm thác nước ở thành phố Mae Sot, tỉnh Tak, cách thành phố Bangkok 500km.

 
 

Lời hứa hẹn về một tour du lịch hai ngày một đêm gần gũi với thiên nhiên được bao trọn từ A - Z với mức giá rẻ bất ngờ là 5000 baht/ người (tương đương 3,2 triệu đồng) đã khiến hai chàng trai Việt khi đó đã ngà ngà say đồng ý.

Kể lại với BBC News Tiếng Việt, Quốc Dũng cho biết: "Khi đó là hơn một giờ đêm, người đó nói tiếng Anh bồi, như một người bán tour du lịch bình thường, thậm chí còn yêu cầu trả tiền mặt để được mặc cả rẻ hơn nên chúng tôi không hề nghi ngờ gì hết".

Một thác nước ở Thái Lan. Ảnh minh họa

Một thác nước ở Thái Lan. Ảnh minh họa

Theo lời hẹn với người bán tour, một chiếc xe 16 chỗ tới căn hộ của Dũng ở Bangkok để đón hai người tới Mae Sot vào năm giờ sáng cùng ngày. Trên xe chỉ có tài xế, người này cho biết cần ít nhất sáu tiếng để đến nơi nên Dũng và Minh đều ngủ trên xe, một phần vì mệt và một phần vì chưa tỉnh rượu.

Khi tỉnh dậy, Dũng và Minh thấy trên xe có ba người khác chĩa súng vào mình, bắt giữ im lặng. Nhìn vội ra ngoài cửa kính, Dũng đọc được dòng chữ trên một tấm biển ghi "Sân bay Mae Sot cách 10km", thì biết được đã tới địa phận tỉnh Tak.

"Tôi rất muốn dùng điện thoại để xem mình đang ở đâu và liên lạc cầu cứu nhưng không dám động đậy vì mấy người đó có súng," Dũng nhớ lại.

"Sau đó, tôi bị chuyển sang một chiếc xe bốn chỗ đi đường lòng vòng, rồi tiếp tục bị chuyển sang một chiếc xe bán tải, cuối cùng là bị ép lên thuyền vượt biên sang Myanmar," anh nói với BBC.

Dũng cho biết tới khi chuyển sang xe bán tải thì đã có tổng cộng tám người trong đó có hai nữ, quốc tịch Việt Nam và Trung Quốc. Minh nói được một chút tiếng Trung nên biết được những người kia cũng bị lừa nhưng không phải bằng tour du lịch mà qua lời giới thiệu đến sòng bài để đánh bạc.

"Cả tám người đều bị chĩa súng, ép ngồi lên một con thuyền thô sơ qua một con sông sang bên kia biên giới Thái Lan. Tôi vô cùng sợ hãi nhưng không dám làm gì, họ không nói nhiều tiếng Anh nhưng thỉnh thoảng lại ra đưa tay đi một đường ngang trên cổ làm dấu để dọa chúng tôi".

Tới sòng bạc bên kia biên giới

Qua bên kia sông, Dũng biết đã không còn ở địa phận Thái Lan nữa mà là một khu tự trị ở Myanmar. Tại đây, nhóm tám người tiếp tục bị dẫn đi đường vòng và đích đến một sòng bài do người Trung Quốc vận hành.

Mae Sot nằm ở phía bắc Thái Lan, giáp Myanmar với sông Moei là biên giới tự nhiên

Mae Sot nằm ở phía bắc Thái Lan, giáp Myanmar với sông Moei là biên giới tự nhiên

Vừa đến nơi, nhóm người bị tịch thu điện thoại và giấy tờ tùy thân, sau đó bị ép ký vào một bản hợp đồng song ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, yêu cầu làm việc cho sòng bài 13 tiếng một ngày.

Dũng nói bản hợp đồng ghi bao ăn ở, mức lương từ 36 - 43 triệu đồng và phải làm việc từ ba tháng trở lên mới nhận được một tháng lương.

Dũng cho biết: "Hợp đồng ghi là bao ăn ở nhưng tôi nghĩ mình giam giữ thì đúng hơn. Nhìn bao quát tôi thấy sòng bài nằm biệt lập, bao quanh là tường rào có mảnh thủy tinh và dây thép gai, tôi biết không dễ để trốn thoát nên kí bừa một tên giả và ghi thêm chữ "DK", là viết tắt của "don't know" (tôi không biết)".

Sau đó, Dũng cùng Minh và nhóm người được phân loại đến các phòng ban khác nhau để làm việc cho sòng bài.

"Họ thấy tôi có vẻ nhanh nhẹn nên phân cho tôi làm việc "nhân sự", ăn ở tại chỗ nhưng điều kiện vệ sinh ở trong đó không tốt chút nào".

Công việc 'thất đức', không hoàn thành sẽ bị phạt

Khi BBC hỏi cụ thể công việc nhân sự là gì, Dũng cho biết anh được phát điện thoại để tạo những tài khoản nhắn tin lừa những người ở Việt Nam đầu tư tiền vào game online hay tiền kỹ thuật số...

Đồng thời anh bị buộc phải lừa những người Việt Nam khác sang làm công việc này.

"Tôi biết làm như vậy là lừa đảo và thất đức, nhưng bị ép phải làm việc liên lục 13 tiếng mỗi ngày," Dũng nói.

Anh cũng cho biết những trường hợp không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị phạt như đứng ngoài nắng một giờ đồng hồ hoặc đánh đập thậm chí chích điện.

Một sòng bài ở Mongla, Myanmar

Một sòng bài ở Mongla, Myanmar

Sau hai tuần làm việc liên tục 13 giờ mỗi ngày, Dũng bị bệnh và xin nghỉ ốm, rồi nhân cơ hội này xin được nộp tiền chuộc để được thả ra. Số tiền mà hai bên thỏa thuận là 21 triệu đồng.

Tới lúc này Dũng và Minh mới được dùng điện thoại để liên hệ về cho gia đình xoay sở số tiền chuộc. Dũng cho biết gia đình Minh không khá giả, nên mẹ anh phải vay mượn khắp nơi để chuộc con về.

Bị cảnh sát Thái bắt vì vượt biên trái phép

Ngày 16/7/2022, Dũng, Minh và ba người đàn ông Trung Quốc được đưa về lại con sông giữa biên giới Myanmar và Thái Lan. Cũng như lần trước, họ bị ép chĩa súng vào người và ép lên thuyền qua sông về lại Mae Sot.

"Tôi lúc này cứ nghĩ tai qua nạn khỏi rồi, nhưng vừa sang bờ bên kia thì chúng tôi bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì vượt biên trái phép. Dù chúng tôi đã cố gắng giải thích là nạn nhân bị lừa đảo nhưng họ thấy bên kia có súng nên vẫn mang chúng tôi về đồn," Dũng cho biết.

Nhóm người của Dũng và Minh bị tạm giam Trung tâm Tạm giam Di trú (Immigration Detention Center - IDC) thành phố Mae Sot, tỉnh Tak, trước khi được chuyển về Trung tâm Tạm giam Di trú Bangkok.

Cơ quan Di trú tỉnh Tak, thành phố Maesot, phạt tiền nhập cảnh trái phép yêu cầu trục xuất khỏi Vương quốc Thái Lan

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cơ quan Di trú tỉnh Tak, thành phố Mae Sot, phạt tiền nhập cảnh trái phép yêu cầu trục xuất khỏi Vương quốc Thái Lan

"Tôi ở trong IDC Mae Sot tới ba tuần. Trong thời gian này tôi không được sử dụng điện thoại và rất suy sụp. Visa làm việc của tôi và thời hạn 30 ngày miễn visa của Minh đều sắp hết hạn," Dũng nói.

"Tới ngày 6/8 chúng tôi được chuyển về IDC Bangkok, tôi khi này mới được dùng 600 baht (gần 400.000 đồng) để được sử dụng điện thoại trong sáu giờ đồng hồ. Nhân cơ hội này tôi cầu cứu khắp nơi."

"Tôi gọi về cho gia đình báo tin an toàn, sau đó gọi tới Đại sứ quán Việt Nam nhờ họ bảo lãnh, nhưng hôm đó là thứ Bảy nên tôi phải chờ sang tuần sau mới được giải quyết".

Trung tâm Tạm giam Di trú Bangkok Thái Lan

Trung tâm Tạm giam Di trú Bangkok Thái Lan

Dũng cho biết mặc dù đã về tới Bangkok và được sử dụng điện thoại nhưng anh không hề yên tâm mà ngược lại còn sợ hãi hơn.

"Lý do là vì IDC Bangkok lớn hơn ở Mae Sot rất nhiều, là nơi tạm giam rất nhiều người từ khắp nơi. Tôi đã chứng kiến một người bị đánh đập vì không vỗ tay theo chỉ đạo của những "đại ca" ở đó. Chúng tôi cũng phải trả tiền để có một chỗ ngủ trên sàn nếu không sẽ phải ngủ trong nhà vệ sinh. Một lần tôi vô tình đặt chân vào một chỗ của "đại ca" cũng bị hăm dọa," Dũng kể lại.

Bị trục xuất về Việt Nam

Sau hơn ba ngày tạm giam trong IDC Bangkok, Dũng và Minh được một người bạn bảo lãnh ra về, nhưng bị buộc phải ra khỏi Thái Lan ngay trong ngày 9/8, cùng bị chú trong hộ chiếu đã vượt biên trái phép.

Dũng chia sẻ: "Chúng tôi phải mua vé máy bay ngay trong ngày, nộp tiền vận chuyển ra sân bay. Tổng số tiền từ lúc chuộc ở Myanmar và Thái lên đến gần 100 triệu đồng mỗi người".

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok

"Nhưng ít nhất tôi đã được an toàn và có thể ngủ ngon giấc sau hơn một tháng trời".

Đồng ý kể lại câu chuyện với BBC, Dũng cho biết bản thân anh muốn những người khác biết đến trải nghiệm kinh sợ của mình và cảnh giác hơn với những cạm bẫy khi ở nước ngoài.

"Tôi mong mọi người hãy cảnh giác và cẩn thận hơn để không bị lừa tới các sòng bài ở Myanmar hay ở Campuchia như báo chí đang đưa tin dạo gần đây," Dũng nói với BBC News Tiếng Việt.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.