Hội An có mật độ dân số cao, kèm lượng du khách 10,000 người mỗi ngày trong khi hạ tầng chưa được đầu tư, khiến đô thị này có nguy cơ bị hủy hoại bởi sự phát triển quá sức chứa.
Mỗi người dân Việt Nam gánh gần $1,600 tiền nợ công
Theo báo Zing hôm 22 Tháng Tám, đô thị cổ Hội An có diện tích 60 cây số vuông, trong đó 15 cây số vuông là hải đảo, được hình thành cách đây khoảng hơn bốn thế kỷ. Đến nay, thành phố cổ đã có mật độ xây dựng công trình và mật độ dân số khoảng 1,600 người/cây số vuông, nhưng chỉ tập trung trong khu vực vùng lõi rộng khoảng 1 cây số vuông, cao nhất ở tỉnh Quảng Nam.
Điều đáng nói là việc tập trung dân số quá cao trong khu phố cổ, đặc biệt vùng lõi là nơi đang có xu hướng bị đe dọa bởi tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, thời gian, đã gây áp lực rất lớn lên sự bền vững của các di tích được UNESCO công nhận là “Di Sản Văn Hóa Thế Giới.”
Vào giờ cao điểm, lượng khách du lịch tập trung ở khu vực vùng lõi có thể lên đến 5,000 người tại trung tâm. Những tuyến phố trung tâm như Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng… đều trong tình trạng kẹt xe vì lượng xe lưu thông quá lớn.
Trong khi đó, hầu hết tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố Hội An không được mở rộng vì nằm trong sự quản lý của UNESCO. Do vậy vào giờ cao điểm, khi xe du lịch và taxi đưa đón du khách gia tăng càng gây khó khăn hơn cho việc đi lại của người dân địa phương.
“Địa phương nên giảm tải lượng du khách bằng việc tổ chức các tour theo giờ để tránh tập trung quá đông người. Hiện nay vào giờ cao điểm từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, khu vực quảng trường sông Hoài lúc nào cũng chật kín xe cộ, tôi rất ngại khi ra đường vào khung giờ đó,” ông Đức ở phường Tân An, nói.
Chưa hết, vỉa hè khắp các tuyến phố ở Hội An bị người dân chiếm dụng thành địa điểm trông giữ xe, du khách bị đẩy xuống đi dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông.
Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, thừa nhận với báo Zing hôm 23 Tháng Tám, do hình thành đã lâu cùng nhiều sự tác động của con người và thiên nhiên, rất nhiều công trình trong phố cổ Hội An hiện nay đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Hội An là vùng thấp trũng, vì vậy mỗi khi mùa mưa bão vấn đề ngập lụt, sạt lở bờ sông cũng gây nên sự hư hại cho các di tích.
Chẳng hạn, di tích Chùa Cầu đang xuống cấp, hệ thống chịu lực chính gồm móng, mố, trụ thường xuyên phải gia cố. Các chi tiết trên khung gỗ, mối nối, tường vôi cũng đang bị xuống cấp, các khớp nối bằng gỗ bị mòn, mục và cong vênh. Vào mùa mưa bão, địa phương sử dụng nhiều phương thức để gia cố mố trụ Chùa Cầu và phần mái để bảo đảm an toàn.
“Để duy trì và phát triển, Hội An cần giải quyết những vấn đề áp lực đối với đô thị cổ. Nếu không, chính sự phát triển nội tại, sự phát triển về du lịch sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại đô thị này,” ông Thanh thừa nhận.
Giải thích về việc các bãi giữ xe chiếm dụng hết các vỉa hè của người đi bộ, ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch thành phố Hội An, cho rằng từ khi hình thành đến nay, cơ sở hạ tầng tại phố cổ gần như không được đầu tư, nâng cấp, các bãi đỗ xe đều kín nên tận dụng phần vỉa hè để giữ xe gắn máy.
Đáng lo ngại, giai đoạn hậu dịch COVID-19, số lượng du khách đến Hội An tăng lên nhanh chóng. Trung bình, đô thị cổ này đón khoảng 6 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Điều này càng gây ra áp lực lớn về hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường và văn hóa cho nơi này.
Theo Tr.N/NV
Comments powered by CComment