Group News: Tin sản xuất

Sài Gòn, ai còn nhớ và ai đã quên? Thời gian rồi sẽ xóa nhòa, nhưng kỷ niệm sẽ mãi còn thôi. Nhưng khi nghĩ về như lúc này đây, một nỗi nhớ thương Sài Gòn làm tôi mềm lòng.

Điểm đến nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên ở Sài Gòn

Khu phố mang hương vị Bắc giữa Sài Gòn

Dân Sài Gòn rụt rè trở lại sau những ngày ‘phong tỏa’

Nửa tháng mười một rồi. Ngoài kia đã lập đông. Nhưng Sài Gòn nắng chi là nắng. Nắng phần phật phố phường. Nắng lem lém lên khẩu trang bịt kín mặt người.

La Sai Gon thoi

Lật giở ký ức Sài Gòn mùa bão covi chưa kịp cũ những đau thương. Nghe tiếng còi xe cấp cứu mấy hôm nay lại í ới mà lòng bâng khuâng. Nửa năm qua, bao người bạn , bao đồng bào thành phố tôi đã ra đi mãi mãi.

Ai còn nhớ và ai đã quên? Thời gian rồi sẽ xóa nhòa, nhưng kỷ niệm sẽ mãi còn thôi. Nhưng khi nghĩ về như lúc này đây, một nỗi nhớ thương Sài Gòn làm tôi mềm lòng.

Sáng thứ bảy, con trai nghỉ dạy, tôi gù nó: Mẹ muốn thăm phố, con chở mẹ đi một vòng nhé? Không biết Sài Gòn sau gần tháng " mở cửa" nó ra làm sao.

Hai mẹ con chạy môtô lơn tơn trên những con đường quen thuộc. Tôi muốn tìm lại không khí sinh học nhộn nhịp hè phố Sài gòn của những ngày bình yên cũ. Tìm lại nếp sống đáng yêu của vỉa hè Sài gòn. Là những thứ tạo nên sắc màu văn hóa đáng yêu của Sài Gòn.

Phố như người vừa trở dậy sao một cơn trọng bịnh. Những ngôi nhà hai bên đường phố chủ yếu vẫn khép mắt mệt mỏi. Lác đác một vài nhà mở cửa kinh doanh như những con mắt mở rụt rè. Bùng binh Điện Biên Phủ không còn cảnh xe, người quắn quíu. Chỉ có những hàng cây hai bên đường vẫn vô tư xanh, điểm những mảng lá đỏ vàng như níu mùa thu muộn.

Mẹ con tôi rẽ vào con đường có ngôi nhà cũ. Quầy báo nhỏ đầu phố chợ Văn Thánh không còn. Nhớ ngày trước, sáng đi chợ là sà vào mua mấy tờ báo. Có khi cuối tuần thong thả còn ngồi lên chiếc ghế nhựa nhỏ cạnh chị, đọc ké đầu báo mà mình không mua , tỉ tê trò chuyện bâng quơ với chị. Bây giờ chị đang ở đâu?

La Sai Gon thoi

Lướt vào đường Nguyễn Du, góc đường nơi gánh xôi của bà cụ nổi tiếng cũng không thấy. Tôi lại chợt thấy trống vắng. Nhớ dáng lưng cong cong của bà. Nhớ tay gói xôi thoăn thoắt của chị con gái bà. Nhớ cả câu: "Cứ cầm ăn đi con, bữa khác trả." Khi trên đường đến cơ quan , rề xuống mua gói xôi mà quên bóp. Giờ này bà ở đâu?

Lượn đến chợ Bến Thành, góc cửa Tây, đường Lê Thánh Tôn. Chỗ ngồi cạnh gốc cây của bác sửa giày dép cũng trống huơ. Đã ba mươi năm, đây là địa chỉ quen thuộc, mỗi khi tôi cần chỉnh trang lại mớ giày dép yêu của tôi, khi chúng sụt sịt, lở quai long đế. Một thoáng se lòng: Bác có bình an không mà chỗ ngồi trống vắng thế này bác ơi?

Chạy xuống bùng binh Cây Gõ, trời đã sâm sẩm. Nơi góc đường, lối quẹo đường 3/2. Cái xe bánh mì đêm của một chú Khách nói tiếng lơ lớ cũng đâu rồi. Bếp than đỏ lửa, những chiếc bánh mì giòn tan, thơm lừng mùi pate, mùi thịt mùi ngò tiêu hấp dẫn. Đến nỗi cô bạn đồng nghiệp , có hôm được phân công nhiệm vụ mãi hướng Hóc Môn, vậy mà 12giờ khuya, xong việc vẫn quay xe lôi cả tôi về đó để mua bánh mì với lí do bạn trai cổ chỉ khoái bánh mì của chú đó. Chú bán bánh mì khuya có bị dịch thổi số phận bay đi đâu không?

Trở đầu xe về đến bùng binh Hồ con Rùa. Những quán cà fe lên đèn uể oải. Hình ảnh những lần đu đưa cùng bạn bè bàn công chuyện hay chỉ là tụ tập tán gẫu lại day dứt. Lại nhớ nụ cười hiền của một người bạn đã bị Covi cuốn đi mãi mãi...

Tôi bảo con dừng xe , vào một cửa hiệu , mua chút lễ rồi rẽ vào đường Chu Văn An, Bình Thạnh, thắp nén nhang cho Thầy Triệu Tuân. Từ bữa nghe tin thầy qua đời vì nhiễm dương mà không thể tới viếng thầy được.

Nước mắt đã chảy trong lòng, khóc cho bạn bè, khóc cho những số phận vô danh của đồng bào thành phố tôi. Một nỗi buồn se lạnh trong gió chiều phương Nam, vô hình trì nặng vòng xe mẹ con tôi. Bao giờ Sài Gòn trở lại bình yên. Bao giờ hè phố Sài Gòn lại nhộn nhịp đáng yêu như xưa.

Những số phận con người tôi gặp trên những con phố quen mong hãy bình an nhé. Mong những người còn sống và những linh hồn xấu số còn thương Sài Gòn thì về. Sài Gòn vẫn đó, thân thương với cung cách sống ấm áp của những cần lao xung quanh ta. Nét sống đẹp tạo nên phong cách Sài Gòn. Nét đẹp văn hóa mà ai du nhập vào Sài Gòn cũng được nếm trải và ngấm vào tính cách mình lúc nào không hay. Ai còn thương Sài Gòn thì quay về nhé. Lấp đầy những khoảng trống yêu thương do cơn bão tràn qua.

La Sai Gon thoi

Bữa hổm, trong một trang mạng mà tôi là thành viên. Có mem chia sẻ câu chuyện của một bạn trẻ. Bạn ý trên đường đi làm, qua đường Vạn kiếp, Bình Thạnh. Thấy bên vệ đường có xe bán dừa dạo. Cậu bán hàng, tay thoăn thoắt chặt dừa cho khách. Chả ngẩng đầu lên nhìn cô gái, trả lời :" Bữa nào ghé trả cũng được"; Khi cô gaí mua hai trái dừa, bối rối phát hiện mình quên bóp ở nhà. Cái tình huống này là điều bình thường trên phố Sài gòn. Nhất là những phụ nữ hay mua bán như chúng tôi. Nhưng vấn đề là với số tiền nhỏ đó dễ vô tình quên lắm . Mà người bán dạo thì rày đây mai đó, biết tìm đâu mà trả. Nhưng người Sài gòn là vậy. Họ quan niệm đơn giản: Giàu nơi bạc trăm bạc triệu, tính toán chi ba chục đồng lẻ. Nhưng ai cũng hiểu: một trái dừa chỉ lời vài ngàn , hai trái dừa 14 ngàn là phải bán gần chục quả dừa mới có. Bữa đó, ai cũng xúm vào comment vui vẻ. Ai cũng kể một câu chuyện tương tự mình trải qua. Tôi cũng nhảy vào góp chuyện của mình. và một không khí vui vẻ lan cả gr. Ai cũng như xích lại gần nhau, ai cũng thấy tình thương mến thương và tự hào về một điều giản dị: Đó là Sài gòn thôi.

Tôi nhớ hồi mới vào Sài Gòn. Nhà tôi ở phố Bùi Viện , quận 1. Dạo đó con trai mới bốn tuổi, tôi đón mẹ vào trông nhà và đưa đón cháu đi nhà trẻ cho tôi đi làm. Chỉ mấy bữa sau, mẹ đi ra chợ Thái Bình. Chiều về, mẹ hồ hởi khoe: Ngoài chợ ai cũng mời mẹ mua hàng, mẹ bảo không có tiền, cô bác cứ đưa hàng rồi bảo: " Khi nào có thì đưa". Mắt mẹ lúc ấy ánh lên hạnh phúc vì thấy được người ta tin cậy. Tôi ôm lấy mẹ và bảo: _ Là vì họ nhìn mẹ thấy phúc hậu, họ tin tưởng mẹ. Mẹ tôi vui lắm, tôi nói thêm: Là người ở trong này vậy đó mẹ. Họ mưu sinh cũng không dễ dàng gì nhưng họ sống hào sảng, không tính toán lắm đâu.

Ba mươi năm Sài gòn là quê. Cái câu:" khi nào có thì đưa" " khi nào có ghé trả" đã trở nên quen thuộc với tôi cũng như ai gắn bó mảnh đất này. Từ khi nào đã trở thành thương hiệu, thành đặc sản tốt đẹp của phong cách người Sài Gòn. Người Sài gòn giản dị gieo niềm tin vào lòng người, cho cái tốt có chỗ sinh sôi.

Tôi ngẫm một điều: Khi mình được tin cậy, sẽ là ánh sáng dẫn mình tự tin đi vào phía tốt đẹp. Khi con người biết đặt niềm tin vào người khác. Thì con người đó nhất định không phải là con người keo kiệt, ích kỷ, tính toán so đo. Chính cách cư xử hào sảng đó lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày, sẽ là sự cảm hóa rất lớn cho mỗi thành viên cộng đồng.

Một nghĩa cử từ câu nói quen thuộc của người Sài Gòn:" Khi nào có ghé trả" lại mang một thông điệp nhân văn của lối sống đẹp. Ba mươi năm sống Sài Gòn đủ để ngấm vào cách sống của tôi nét đẹp đó. Tôi được hưởng từ người xung quanh tôi. Và chính tôi cũng cư xử với mọi người theo phong cách đó. Với quan niệm bình thường: LÀ SÀI GÒN THÔI!

Hoa Mai


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.