Group News: Tin copy

Suốt bao năm xa cách, mỗi khi nghĩ đến người con trai bị thất lạc, ông Tràng, bà Liên luôn cảm thấy vô cùng đau xót.

Tìm thấy gia đình sau 43 năm lưu lạc

Ngày rời khỏi vòng tay mẹ, đi làm con nuôi của một gia đình khác, anh Đức (tức anh Trần Văn Cảnh) khoảng 5-6 tuổi, không còn nhớ quá nhiều về những chuyện đã từng xảy ra với mình. 

Anh Đức kể hồi đó nhà anh nghèo lắm, ở nhà tranh vách đất, có anh trai tên là Cốm hoặc Đốm, hình như còn có một người em gái. Người mẹ nuôi của anh Đức kể lại, bố ruột anh bị ốm nên mẹ ruột dẫn anh cùng các anh em khác đi xin ở ga Bắc Ninh. Đến đó, mẹ buộc phải bán hoặc cho anh đi. Anh Đức về nhà mẹ nuôi ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách ga Bắc Ninh 12km và sinh sống ở đây trong vòng 10 năm. 

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 1.

Anh Đức (tức anh Cảnh), đi làm con nuôi từ lúc 5-6 tuổi.

Sau này, mẹ nuôi của anh Đức đã giúp anh đi tìm gốc gác. Khi đến một gia đình ở xã Phúc Thành, huyện Kim Thành (Hải Dương), anh Đức đã biết đó không phải gia đình của mình. Thế nhưng vì lưu luyến, mong mỏi nên anh tiếp tục ở lại Hải Dương trong vòng 10 năm. Suốt 10 năm đó, anh Đức không hề biết, bố mẹ ruột của anh đang sống ngay ở xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, cách nơi anh ở có 8km mà thôi. 

Anh Đức sau đó vào Bình Dương làm việc. Ở đây, anh gặp người bạn đời của mình là chị Luyến. Cả hai xây dựng gia đình rồi về quê chị Luyến ở Thái Bình sinh sống.

Gửi tâm tư của mình vào một bức thư, anh Đức nhờ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm kiếm người thân. Gia đình mà chương trình tìm được cực kỳ khớp với thông tin mà anh Đức đưa ra, nhất là khi anh có một người anh sinh đôi tên là Trần Văn Thanh.

Nhưng vì đã một lần nhầm lẫn nên anh Đức vẫn muốn thử ADN cho chắc chắn. Kết quả, anh Đức chính là Trần Văn Cảnh, đã từng thất lạc ở ga Bắc Ninh vào năm 1977. Năm 2020, anh Cảnh đoàn tụ cùng gia đình. 

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 2.

Ông Tràng, bà Liên xúc động nghe con kể về cuộc sống trong những năm xa cách bố mẹ.

"Mỗi bữa cơm no đủ hôm nay, chúng tôi đều nghĩ về con"

Xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là quê của ông Trần Văn Tràng và bà Trần Thị Liên - bố mẹ của anh Đức (tức Trần Văn Cảnh). Năm 1977, họ rời quê hương đi đến vùng đất mới để kiếm sống. Ông Tràng, bà Liên có 5 người con, ngoài anh Cảnh còn có anh Trường, Thanh, Giang, Tí. 

"Tôi đẻ được 5 cháu, ông nhà tôi rất hay bị đau bụng, chữa nhiều mà không khỏi. Ngày đó khi đi đến ga Bắc Ninh thì ông ấy đau quá, cả nhà phải xuống ga để cho ông ấy nằm ở đấy. Tôi và các cháu gặp một bác, bác ấy hỏi thăm: "Mấy mẹ con đi đâu thế này?". Tôi cũng kể: "Nói thật với bác là ông nhà tôi ốm quá, nằm ở trong kia. Mấy mẹ con đi xin tí cơm cho ông ấy ăn chứ ông ấy đau bụng quá"

Nghe vậy bác ấy mới bảo: "Tôi thì không có cháu nào, chị đông con quá, để tôi nuôi giúp một đứa cho đỡ khổ". Lúc bấy giờ bác ấy đưa cho tôi một, hai chục gì đó. Tôi ra hiệu thuốc lấy thuốc cho ông nhà. Bác ấy dặn tôi: "Cứ yên chí, tôi sẽ trông nom cháu, chị cứ quay lại mua thuốc men, chăm sóc chồng đi".

Tôi khóc nhiều lắm. Thằng Cảnh thì cứ quay lại nhìn tôi khóc, gọi: "Mẹ ơi, mẹ ơi". Rồi bác ấy vừa dỗ, vừa bế nó đi. Tôi thì thương con đứt ruột mà không biết làm thế nào được, đành chịu vậy", bà Liên kể lại ngày xa con.

 
Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 3.

Anh Thanh (bên trái ảnh) và anh Cảnh (bên phải ảnh) là hai anh em sinh đôi.

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 4.

Cả hai xúc động khi được gặp lại nhau.

Ông Tràng ốm đau như vậy nhưng vẫn gắng gượng cùng vợ con lên rừng làm thuê, rồi về quê làm ruộng. Ngoài 70 tuổi, ông vẫn còn đủ sức đánh con ốc, cái tép ngoài sông hàng ngày. Ông được như vậy là nhờ người vợ tần tảo, nhờ các con lớn lên đều có hiếu và chuyên tâm làm ăn. Nhưng trên hết, ông bà đều nói là nhờ vào viên thuốc kịp thời cứu ông ở ga Bắc Ninh năm xưa. 

Ông Tràng còn được sống khỏe mạnh bên vợ con, có một phần hy sinh của đứa con trai tên Cảnh. Cũng chính điều đó luôn khiến cho ông bà đau xót, mỗi bữa cơm no đủ hôm nay, ông bà đều nghĩ về con.

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 5.

Bà Liên rơi nước mắt khi kể lại cái ngày phải đành đoạn cho con.

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 6.

43 năm sau bà mới lại được ôm con trong lòng.

Anh em sinh đôi ly tán trong buổi chiều buồn, hơn 40 năm sau mới gặp lại, nghe mẹ kể lý do - Ảnh 7.

Anh Đức gặp lại bố mẹ.

"Tôi cứ nghĩ chẳng biết con mình về nhà người ta rồi có được chiều chuộng không? Họ đối xử với cháu thế nào, có được học hành đến nơi đến chốn không?... Nghĩ đến con là đau xót lắm. Nếu cháu nghĩ đi thì sẽ thông cảm cho bố cho mẹ, còn nghĩ lại chắc nó sẽ giận", ông Tràng trăn trở. 

Chập choạng tối hôm cho anh Cảnh đi, cả nhà ông Tràng còn lại 6 người dắt nhau lên tàu, đến Lạng Sơn rồi Lào Cai làm thuê. Khi lên Lào Cai, hai con của ông bà là anh Giang và anh Thanh cũng đi làm con nuôi nhưng vẫn giữ liên lạc. Hai năm sau, ông Tràng, bà Liên quay lại ga Bắc Ninh, đi bộ hết xã này đến xã khác tìm con mà không thấy. Người ta nói, gia đình nhận nuôi anh Cảnh đã rời đi miền Nam.

Ông bà về quê cùng anh Trường, 3 người con ở lại Sapa làm quán ăn, xưởng mộc. Ai cũng có cuộc sống ổn định, và họ luôn đau đáu nghĩ đến việc đi tìm lại người anh/em thất lạc của mình. Năm 2019, anh Trường đã gọi 3 người em về quê chục ngày để cùng đi tìm anh Cảnh một lần cho ra. Những nỗ lực của gia đình đã được đền đáp, sau hơn 40 năm xa cách, cả nhà lại được bên nhau trong vòng tay ấm áp và những giọt nước mắt mừng vui. 

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.