Tim Laurence, một nhà báo, đồng thời là một nhà trị liệu tâm lý, đã viết một bài bình luận rất sâu sắc về chủ đề: Chúng ta thật sự có khả năng giúp đỡ một người vượt qua nỗi thống khổ hay không?
Anh lập luận rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phải thực sự cẩn trọng trong lời nói, bởi những câu nói rỗng tuếch thường trực của chúng ta có thể gây tổn thương người khác nhiều hơn là giúp họ, cho dù bạn thực sự có thiện ý.
Bản thân Tim rất có kinh nghiệm về chuyện này, bởi anh đã phải nếm trải nỗi mất mát to lớn khi còn quá trẻ tuổi. Chúng tôi cho rằng lời khuyên của anh thật đáng để cân nhắc. Mời bạn cùng tìm hiểu.
“Một người đàn ông kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau: Một người phụ nữ mà anh biết đã sống sót sau một vụ tai nạn ô tô kinh hoàng. Giờ đây, cô ấy luôn ở trong trạng thái đau khổ liên miên; chứng liệt hai chi đã cướp đi của cô mọi hi vọng vào cuộc sống.
Có một điều tuy đã nghe đi nghe lại hàng ngàn lần, nhưng lần nào nó cũng gây sốc cho tôi: Người đàn ông nói với cô gái tật nguyền rằng bi kịch này sẽ mang tới những thay đổi tích cực trong cuộc sống của cô. Lời mà anh ta thốt lên “Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của nó”, thật tệ hại đã làm tổn thương tới cảm xúc tinh thần và tâm lý cô gái.
Anh ấy cũng nói rằng, tai nạn này là cần thiết phải xảy ra, và rằng nó sẽ khiến cô trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Đối với người không biết nhiều về “nhân quả”, họ sẽ dễ bị dội khi nghe điều này. Ngay cả đối với một số người tin vào luật nhân quả thì bạn cũng không thể chắc rằng việc cô đang chịu đau khổ là nhân hay là quả, do đó câu nói này có thể gây phá hoại nghiêm trọng tới cuộc sống của người khác.
Sau nhiều năm tiếp xúc với những con người bất hạnh với tư cách là một nhà tư vấn và định hướng, tôi vẫn rất đỗi ngạc nhiên khi câu nói cửa miệng mà người ta vẫn truyền nhau ấy thực ra có thể gây hại rất lớn. Và điều tồi tệ nhất là: chúng ngăn cản chúng ta làm điều cần phải làm khi cuộc sống bị đảo lộn: đau khổ.
Đây là thực tế: Như người thầy yêu quý của tôi từng nói:
Cuộc đời này có những điều mà ta không thể thay đổi. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng mà thôi
Thống khổ là nỗi đau đớn đến tột cùng. Không phải chỉ có cái chết mới dẫn đến nỗi thống khổ. Khi một mối quan hệ tan vỡ, bạn đau khổ. Khi cơ hội tiêu tan, bạn đau khổ. Khi bệnh tật đánh gục bạn, bạn cũng đau khổ.
Bạn không thể làm gì khi mất đứa con thân yêu của mình, khi bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh trầm trọng hay khi bị cô bạn thân thiết nhất phản bội. Điều duy nhất mà bạn có thể làm chỉ là chịu đựng những nỗi đau ấy mà thôi!
Hãy để tôi cắt nghĩa một cách rõ ràng hơn: Nếu bạn từng phải đối mặt với một nghịch cảnh và ai đó nói với bạn rằng hoàn cảnh ấy mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó, không ngẫu nhiên xảy đến, sẽ khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn hoặc bạn sẽ thay đổi được nghịch cảnh nếu bạn có trách nhiệm với nó…thì việc khiến họ biến mất khỏi cuộc đời bạn là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Phải, sự hủy hoại có thể khiến con người trưởng thành hơn lên, nhưng sự thật thường không xảy ra như thế. Cuộc sống của bạn thậm chí sẽ tồi tệ hơn nhiều khi bạn thay thế nỗi đau bằng những lời khuyên và những câu kết luận vô vị.
Tôi đang có một cuộc sống tuyệt vời. Hạnh phúc đến từ những cơ hội mà tôi nắm bắt được và từ sự nỗ lực dựng xây cuộc đời cho riêng mình.
Nhưng bản thân sự mất mát, thay vì giúp tôi trở nên tốt đẹp hơn, nó lại khiến tôi trở thành con người tàn nhẫn theo góc độ nào đó.
Tôi có được nhận thức sâu sắc và đồng cảm với những nỗi đau khổ của người khác, nhưng đổi lại, tôi sống khép mình hơn trước. Tôi sẽ có cái nhìn đầy nghi hoặc về bản tính của con người và mất kiên nhẫn với những ai không hiểu được nỗi đau do sự mất mát gây ra.
Trên hết, tôi bị rơi vào cảm giác tội lỗi của người may mắn thoát nạn và điều ấy sẽ ám ảnh tôi trong suốt phần đời còn lại. Nói tóm lại, nỗi đau của tôi sẽ không bao giờ nguôi ngoai, chỉ là tôi học cách chuyển nó sang công việc.
Vậy đó, để nói rằng những mất mát, bằng cách nào đó, đã xảy ra như là món quà cuộc sống ban tặng cho tôi thì điều ấy chẳng khác nào giẫm đạp lên ký ức về tất cả những gì tôi đánh mất khi còn quá trẻ, tất cả những người bị liên lụy, tất cả những người cùng cảnh ngộ giống như tôi nhưng họ không vượt qua được.
Tôi chỉ đơn giản là sẽ không làm như thế. Tôi sẽ không thừa nhận rằng số mệnh tôi đã được Chúa an bài, chính vì lẽ đó mà tôi có thể thực hiện được những việc như tôi đang làm hiện nay. Và chắc chắn rằng tôi sẽ không tự lừa dối rằng tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua một cách dễ dàng, rằng tôi “thành công” bởi tôi “có trách nhiệm”.
Tôi nghĩ rằng, mọi người thường yêu cầu người khác phải chịu trách nhiệm trong khi họ không muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.
Bạn không phải chịu trách nhiệm vì bị cưỡng hiếp hay với việc mất đi đứa con của mình. Bạn chỉ phải chịu trách nhiệm về những quyết định của bản thân khi đối mặt với những điều đáng sợ kinh hoàng đang ập tới cuộc sống của bạn. Nhưng đừng suy nghĩ rằng có nên đau khổ hay không, chúng ta không thông minh hay mạnh mẽ theo cách đó. Khi thần chết gõ cửa, đừng cố gắng chạy thoát khỏi sự đau khổ. Đây là lý do vì sao tất cả những lời nói vô vị và mong muốn thay đổi tình thế của người khác là rất nguy hiểm: chúng không cho con người ta có quyền đau khổ.
Làm vậy tức là chúng ta đã từ chối quyền làm người của họ. Chính xác là chúng ta đã lấy mất đi của họ một chút tự do khi họ rơi vào trạng thái yếu đuối và tuyệt vọng nhất.
Trớ trêu là, điều duy nhất mà có thể được gọi là “chịu trách nhiệm” khi mất mát chính là đau khổ.
Tôi đã trải qua nhiều nỗi khổ đau trong đời. Có những khi, sự tủi nhục mạnh mẽ đến mức gần như giết chết tôi. Những người đã giúp đỡ – những người duy nhất giúp tôi vượt qua nỗi thống khổ này – chính là những người đã ở đó cùng tôi.
Tôi còn sống trên đời này là vì họ đã lựa chọn dành tình yêu cho tôi. Họ yêu thương tôi trong sự im lặng, trong sự sẵn sàng chịu đau khổ và sát cánh bên tôi. Họ yêu tôi trong nỗi khát khao cùng tôi chịu đựng đau đớn, chịu đựng sự hủy hoại, dù chỉ trong một tuần, một giờ đồng hồ, thậm chí chỉ trong vài phút giây ngắn ngủi. Hầu hết mọi người đều không hiểu điều đó có sức mạnh to lớn đến nhường nào.
Sự hàn gắn và biến đổi sẽ diễn ra, nhưng không phải đối với người không chấp nhận thương tổn. Bởi vì bản thân sự đau khổ không phải là một chướng ngại. Những chướng ngại sẽ đến sau đó. Những lựa chọn như: sống ra sao, làm thế nào để chịu đựng những mất mát, làm sao sắp xếp lại những mảnh vỡ cuộc sống… Bạn sẽ trả lời những câu hỏi này khi trải qua sự đau khổ.
Tuy nhiên, nền văn hóa của chúng ta lại xem đau khổ như một vấn nạn cần giải quyết hay một căn bệnh hiểm nghèo cần được chữa trị. Chúng ta đã làm mọi điều có thể để tránh nó, phớt lờ hoặc biến đổi nó. Bởi vậy nên giờ đây, chúng ta phải đối mặt với bi kịch, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy rằng bạn không còn được bao quanh bởi con người nữa, thay vào đó là những lời nói vô vị tầm thường.
Vậy chúng ta nên làm gì thay vì nói rằng “mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó”?
Vũ khí có tính sát thương mạnh nhất chính là những lời khuyên. Thế giới của con người khốn khổ ấy sẽ vỡ tan cùng với chúng. Cho phép ai đó bước vào cuộc sống của họ là một việc làm rất rủi ro. Việc cố gắng thay đổi tình thế, suy nghĩ tích cực hoặc thổi bay những muộn phiền sẽ chỉ khắc sâu thêm sự khủng hoảng trong tâm trí họ.
Bạn đừng làm vậy, thay vào đó, điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm là chấp nhận, và thực lòng nói với người ấy rằng: “Tôi hiểu nỗi khổ mà bạn đang gánh chịu. Hãy để tôi ngồi lại cùng bạn”.
Nhưng bạn cần phân biệt rõ rằng “cùng bạn” và “vì bạn” mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. “Vì bạn” ngụ ý rằng bạn định làm một điều gì đó để giảm bớt nỗi đau của họ. Nhưng không, điều bạn thực sự cần làm là ở bên người bạn yêu thương, chia sẻ nỗi đau cùng họ và làm mọi chuyện khác nữa. Những việc tưởng chừng vô nghĩa ấy có thể có một sức mạnh thần kỳ.
Đối với họ, không có gì quý giá hơn sự chấp nhận từ bạn. Và điều ấy không yêu cầu kiến thức hay kĩ năng đặc biệt nào cả, chỉ cần bạn sẵn lòng có mặt và ở lại bên họ khi họ cần mà thôi!
Hãy ở lại, và đừng rời đi khi bạn cảm thấy không thoải mái hay thấy mình vô dụng. Bởi đó mới chính là lúc người ấy cần bạn nhất.
Chúng ta hiếm khi cho phép mình bước vào màn đêm tăm tối và đầy sợ hãi – nơi nảy sinh sự cứu rỗi và chữa lành các vết thương. Nhưng vết thương sẽ được chữa lành khi có ai đó sẵn sàng bước vào nơi nguy hiểm ấy cùng bạn. Tất cả những con người khốn khổ trên trái đất này đều cần có ai đó ở bên họ.
Hãy là một trong số ấy! Có lẽ bạn không biết rằng sự có mặt của bạn cần thiết tới mức nào. Và có những giây phút bạn thấy mình cần có ai đó ở bên, hãy tìm họ. Tôi chắc rằng họ luôn ở đó và sẵn sàng sát cánh cùng bạn.
Haily biên dịch
Comments powered by CComment