Người sống ở đời, theo lẽ thường, có vay thì có trả. Thiếu nợ mà không hoàn trả chính là tự gieo nghiệp vào thân, nhân quả tuần hoàn, sớm muộn đều phải hoàn trả không sai chạy dù chỉ một ly, sớm thì quả báo đến trong đời này, muộn thì những đời sau phải hoàn trả nốt.
Ảnh: Freepik.
Trong kinh điển nhà Phật có câu: “Vì sao kiếp này thân trâu ngựa, ấy bởi đời trước nợ người trả không hết”. Đó chính là báo ứng theo luật nhân quả mà kẻ thiếu nợ phải chịu. Có rất nhiều câu chuyện trong lịch sử đã minh chứng rằng lục đạo luân hồi không phải là hư cấu bịa đặt. Rất nhiều câu chuyện kể về những người vì thiếu nợ mà phải chuyển sinh thành súc vật để hoàn trả.
Sau đây là một số câu chuyện như vậy.
Câu chuyện 1: Lão đầy tớ hóa gà để trả nợ cũ
Kỷ Hiểu Lam, học giả nổi tiếng đời nhà Thanh, trong cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” do ông biên soạn, đã kể lại một câu chuyện như sau:
Trong làng có một người tên là Triệu Tam, cùng với mẹ là người ở cho nhà họ Quách. Sau khi mẹ Triệu Tam qua đời hơn một năm, vào một buổi tối nọ, ông có một giấc mộng mà như không phải mộng, trong đó mẹ ông nói: “Ngày mai tuyết rơi lớn, bên dưới tường nhà sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh; chủ nhân nhất định sẽ thưởng cho con, nhưng con chớ có ăn. Mẹ từng lấy trộm 300 đồng của chủ nhân, Diêm Vương nay phán ta chuyển sinh thành gà để trả nợ. Mẹ đã đẻ đủ trứng trong đời này và đã trả hết số nợ, nên giờ có thể đi được rồi”.
Hôm sau, quả đúng như lời nói, có một con gà chết cóng dưới bức tường nhà. Chủ nhân thưởng cho Triệu Tam, nhưng Triệu Tam nhất quyết không ăn, mà khóc lóc mang gà mái đi chôn. Chủ nhân cảm thấy kỳ quái, mới gặng hỏi. Không còn cách nào khác, Triệu Tam đành đem sự thật kể lại với chủ nhân.
Câu chuyện trên là có thật đã được ghi chép lại. Trên thế giới này, la, ngựa được con người dùng để cưỡi; trâu, dê bị con người giết mổ để lấy thịt. Khó mà biết được nguyên nhân kiếp trước là gì. Những người gian manh xảo trá, trộm cắp của người khác sẽ đều có hậu hoạ về sau, chẳng qua là người ta chẳng mấy khi suy nghĩ về điều này mà thôi.
Câu chuyện thứ 2: Chiếm đất của chị dâu, chết rồi biến thành heo
Ở một vùng của tỉnh Sơn Đông, có ông viên ngoại họ Vương tích cóp được gia sản kha khá, nhưng chẳng may mất sớm.
Bởi Vương viên ngoại chỉ có hai cô con gái không có con trai, nên vợ con ông bị người trong họ ức hiếp. Em trai của Vương viên ngoại lấy lý do này khác để chiếm đoạt phần lớn ruộng đất của anh trai, đến cả căn nhà mà người chị dâu đang ở cũng bị y chiếm mất. Vợ của Vương viên ngoại là Lưu Thị đành trú lại trên một khoảng sân nhỏ cũ kỹ ở ven thôn, mùa hè mưa rơi, mùa đông gió rét, trải qua những tháng ngày rất gian khổ.
Em trai của Vương viên ngoại khoảng nửa năm sau cũng chết. Lúc này con heo mà Lưu Thị nuôi bấy lâu cũng vừa đẻ được vài con. Lưu Thị chỉ giữ lại một con trong đó, những con khác đều đem đến chợ bán đi. Lúc con heo này lớn đến khoảng hơn 50 cân, chuẩn bị xuất chuồng (chính là mang đi giết thịt). Một ngày nọ, Lưu Thị thấy con heo đang khóc, trông rất kỳ lạ, nghĩ đến cảnh ngộ của mình, cũng không cầm được nước mắt mà rơi lệ.
Đến tối, Lưu Thị ở trong mộng mơ thấy em chồng, người đã chiếm đoạt nhà cửa của mình, nói với nàng rằng bản thân chính là con heo kia, xin nàng đừng bán nó cho đồ tể. Lưu Thị nói rằng trong nhà mình không còn thứ gì, cuộc sống vô cùng khổ cực, chỉ có thể bán con heo đi. Nhưng dù sao cũng là em trai của chồng, mặc dù đã đối xử với nàng không tốt, Lưu Thị cũng rất không nỡ làm vậy.
Sáng sớm hôm sau, hai cậu con trai của em chồng bất ngờ đến nhà, nói rằng muốn trả lại đất đai đã chiếm, chỉ xin được chuộc lại con heo kia. Hóa ra em chồng của Lưu Thị tối qua đã báo mộng cho hai cậu con trai, cầu xin chúng đến cứu mình. Lưu Thị nhận lời, đưa con heo cho hai cháu mang đi. Bản thân lại dọn về căn nhà cũ.
Vài ngày sau, con heo cũng chết. Lưu Thị ở trong mộng thấy em chồng đến khấu tạ, nói rằng mình sắp chuyển sinh, bởi nợ nghiệp đã hoàn trả xong, nên sẽ được chuyển sinh đến một gia đình sung túc, lần này đến để từ biệt Lưu Thị. Cũng bởi vì chuyện này, hai cậu con của em chồng thường xuyên giúp đỡ nàng để chuộc lại lỗi lầm của cha mình.
Câu chuyện 3: Làm chuyện dối lòng quỵt nợ người, chết rồi hóa thân trâu
Vào thời Nam Tống, vùng Kiến Dương, Phúc Kiến, có một tăng nhân pháp danh Sư Dật, thường mượn danh nhà chùa để vay tiền rồi quỵt nợ.
Một lần, ông ta mượn của huyện lại Lưu Hòa mười xâu tiền đồng (một xâu là một nghìn tiền đồng, mười xâu là mười nghìn tiền đồng). Lưu Hòa nhiều lần đòi nợ, hòa thượng Sư Dật vẫn không chịu trả. Lưu Hòa tức giận nói: “Thế tạm bỏ qua cho ông vậy, đợi kiếp sau ông sẽ phải hoàn trả đủ số cho tôi”. Từ đó về sau, Lưu Hòa không còn nhắc đến chuyện đòi nợ nữa.
Năm năm sau, hòa thượng Sư Dật qua đời. Hai năm sau, một đêm nọ, mẹ của Lưu Hòa mơ thấy hòa thượng Sư Dật đến trước mặt, cúi đầu nói với bà: “Năm xưa tôi nợ con trai bà mười xâu tiền, hôm nay tôi đến trả đây”. Nói xong liền bỏ đi.
Sau khi mẹ Lưu Hòa tỉnh dậy, bà đã kể với con về giấc mơ này và nói: “Đây là chuyện gì vậy?”.
Rạng sáng, người hầu đến báo: “Đêm qua canh ba, con trâu trắng đã sinh một con nghé ạ!”. Lúc này, mẹ con Lưu Hòa mới vỡ lẽ, hòa thượng Sư Dật khi sống nợ tiền không hoàn trả, sau khi chết chuyển sinh đến nhà làm trâu trả nợ.
Học giả thời nhà Thanh là Kỷ Hiểu Lam, từng nói rằng gia súc có thể giúp ích cho con người trong việc đồng áng, mang lại lợi ích rất lớn cho con người. Món nợ mà hòa thượng Sư Dật thiếu trong đời trước đã được hoàn trả thông qua làm kiếp trâu lao động nặng nhọc. Dân gian thường nói, thiếu nợ không hoàn trả, đời sau dù có làm trâu làm ngựa cũng phải trả cho xong. Hóa ra câu nói dân gian không phải chỉ là lời bông đùa, mà là thật sự có căn cứ.
Theo Epochtimes
Comments powered by CComment