Thông tin diễn viên Thương Tín vừa đột quỵ đã lái xe hơi về quê dấy lên nghi vấn nghệ sĩ dàn dựng đột quỵ để nhận được tiền quyên góp.
Mới đây, hoàn cảnh của diễn viên Thương Tín một lần nữa trở thành đề tài được bàn tán khắp MXH. Nam diễn viên mới đây chia sẻ, mình mới bị nhiễm Covid-19 nhưng phải nhịn đói vì không có tiền, cộng đồng mạng sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, không ít người đã nhắc lại việc ông bị đột quỵ cách đây 8 tháng và được ủng hộ một số tiền không nhỏ: 800 triệu đồng.
Quay về thời điểm tháng 2/2021, diễn viên Thương Tín nhập viện do đột quỵ. Do hoàn cảnh nam diễn viên khó khăn nên Trịnh Kim Chi đã đứng ra kêu gọi các nghệ sĩ và mạnh thường quân quyên góp tiền để trang trải viện phí cũng như giúp đỡ cho cuộc sống sau này của ông. Sau đợt đột quỵ, Thương Tín đã nhận được tổng cộng 800 triệu đồng và được tặng thêm 1 chiếc xe hơi.
Sau khi xuất viện chưa được bao lâu, diễn viên Thương Tín đã có thể tự đi làm lại răng, nhận tiền ủng hộ và đích thân lái xe hơi được tặng về quê. Điều này dấy lên nghi vấn nam diễn viên cùng Trịnh Kim Chi dàn dựng chuyện đột quỵ để xin quyên góp từ thiện.
Ngay sau đó, Trịnh Kim Chi đã lên tiếng giải thích, trong đó nhấn mạnh: "Anh Thương Tín hiện tại vẫn bệnh chứ chưa hoàn toàn bình phục, chị Hoàng Lan vẫn phải nằm trong bệnh viện để điều trị, mọi người ơi. Đừng tàn nhẫn với chúng tôi như vậy".
Bệnh nhân đột quỵ có thể nhanh chóng phục hồi và sinh hoạt bình thường được không?
Theo Healthline, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu trong não bị tổn hại do động mạch bị tắc (được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc động mạch bị vỡ (được gọi là đột quỵ xuất huyết não). Khi điều này xảy ra, vùng não bị ảnh hưởng không nhận đủ máu giàu oxy. Đây là lý do tại sao điều trị nhanh chóng là điều cần thiết để ngăn chặn đột quỵ, khôi phục lưu lượng máu trong não và cứu sống bệnh nhân.
Sau khi xuất viện chưa được bao lâu, diễn viên Thương Tín đã có thể tự đi làm lại răng, nhận tiền ủng hộ và đích thân lái xe hơi được tặng về quê
Các chuyên gia phát ngôn của Premier Health (mạng lưới y tế gồm 3 bệnh viện và 2 trung tâm y tế lớn ở vùng Dayton, Ohio, Mỹ) cho rằng, thời gian mỗi bệnh nhân đột quỵ phục hồi không giống nhau. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng. Một là đột quỵ xảy ra ở đâu trong não và nó bị hư hỏng chức năng nào. Hai là quy trình can thiệp y tế có làm ngưng nhanh cục máu đông hoặc chảy máu gây ra đột quỵ hay không. Ba là tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bị đột quỵ. Bốn là chất lượng và tính toàn diện của phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), tùy vào thời gian cấp cứu mà bệnh nhân đột quỵ có thể nhanh chóng hồi phục và sinh hoạt bình thường hay không. 6 tiếng kể từ khi xảy ra đột quỵ là thời gian vàng có thể cứu sống bệnh nhân mà không để lại di chứng.
"Để càng lâu, di chứng càng nhiều. Nếu bệnh nhân đột quỵ có di chứng thì rất khó điều trị vì tổ chức não bị tổn thương", chuyên gia chia sẻ.
"Hiện nay hai phương pháp điều trị nhồi máu não là tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Thời gian vàng để tiêm thuốc tiêu sợi huyết là < 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng còn lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là < 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng", chuyên gia cho hay.
Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, một người bị đột quỵ phục hồi sức khỏe nhanh nhất sau 3-4 tháng tính từ thời điểm bị đột quỵ. Những người chậm hơn sẽ hồi phục trong năm đầu tiên sau khi bị đột quỵ, hoặc sang năm thứ hai sau mắc chứng bệnh này.
Quay lại thời điểm nam diễn viên Thương Tín, hiện nay các dữ liệu đã chia sẻ đều không có thông tin ông đã tự lái xe hơi sau khi bị bệnh vào thời điểm nào mà chỉ có nhận định chung chung "sau khi xuất viện chưa được bao lâu". Do đó rất khó có thể xác định được nam diễn viên có bị đột quỵ hay chỉ là đưa ra tin đồn nhằm mong nhận được sự quyên góp của mọi người.
3 "NÊN" - 3 "KHÔNG NÊN" khi bị đột quỵ
Theo PGS.TS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran, giảng viên tại Đại học Bắc California) có 3 điều nên và 3 điều không nên làm khi nhận thấy có một người đột quỵ. Cụ thể:
3 "NÊN"
1. Gọi bác sĩ khẩn cấp và báo cho tổng đài là "tôi nghĩ là tôi bị đột quỵ hay ba tôi/má tôi... bị đột quỵ".
2. Ghi ra triệu chứng đầu tiên xảy ra khi nào, trong tình huống nào.
3. Giữ bệnh nhân tỉnh táo, làm hô hấp hồi sức cấp cứu (CPR) nếu bệnh nhân không còn thở.
3 "KHÔNG NÊN"
1. Không thể bệnh nhân lịm đi hay mất tỉnh táo trong lúc gọi cấp cứu khẩn cấp.
2. Không tự tiện cho bệnh nhân uống thuốc, dùng đồ ăn, uống nước hay chích kim vào các đầu ngón tay.
3. Không tự lái xe vào bệnh viện hay tự ý chở bệnh nhân đột quỵ vào bệnh viện.
Theo Kenh14.vn
Comments powered by CComment