Group News: Tin copy

Sau 52 năm kể từ ngày công chiếu "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", NSND Lâm Tới và NSND Đoàn Dũng đã trở thành người thiên cổ, NSND Trà Giang có cuộc sống bình yên ở tuổi 82 với niềm đam mê hội họa.

Chiến tranh Việt Nam: Bản tin cuối cùng dang dở từ Sài Gòn

Ra mắt vào tháng 7/1973, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là một trong những bộ phim tiêu biểu nhất của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm do đạo diễn Hải Ninh thực hiện, dựa trên kịch bản của nhà văn - nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ.

Vào thập niên 1960, khi cuộc chiến đang leo thang khốc liệt, đạo diễn Hải Ninh và nhà văn Hoàng Tích Chỉ đã không quản gian nan, nhiều lần đạp xe băng rừng, vượt suối để vào Vĩnh Linh - vùng đất nằm ngay bên giới tuyến.

Suốt 5 năm trời "đi đêm, nghỉ ngày" để tránh bom đạn, 2 người nghệ sĩ đã cùng nhau viết nên một kịch bản giàu tính nhân văn và đậm chất sử thi - Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - được xem là một trong những tượng đài của điện ảnh Việt Nam.

Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực và xúc động đời sống, tinh thần chiến đấu của người dân hai bên giới tuyến - điều tưởng chừng bất khả thi trong bối cảnh đất nước bị chia cắt.

Bộ phim đã được trao Giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 8 và giành Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2. 

Sau hơn nửa thế kỷ, những gương mặt đã góp phần làm nên thành công của bộ phim kinh điển này - người còn, kẻ mất - nhưng dấu ấn của họ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của biết bao thế hệ khán giả.

NSND Trà Giang - chị Dịu bất khuất, kiên cường

NSND Trà Giang là một tên tuổi lẫy lừng gắn với nhiều bộ phim cách mạng, trong đó không thể không nhắc đến Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Trong phim, bà hóa thân vào nhân vật Dịu - người phụ nữ có chồng tập kết ra Bắc. Ở lại quê nhà, Dịu không chỉ gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình, chuẩn bị đón đứa con chào đời mà còn âm thầm lãnh đạo phong trào cách mạng của người dân địa phương, chống lại sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù.

Dù phải đối mặt với những cuộc bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man cùng những lời dụ dỗ ngọt ngào, Dịu và những người dân kiên cường vẫn không hề nao núng.

Khi bác Thuận - Bí thư chi bộ bị địch sát hại, Dịu đã thay bác tiếp tục giữ vững ngọn lửa đấu tranh. Với tình yêu quê hương là "vũ khí" duy nhất, chị Dịu trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

NSND Trà Giang từng chia sẻ rằng, dù đã đóng một số phim trước đó, bà vẫn còn cảm xúc của một cô sinh viên mới ra trường. Chứng kiến những câu chuyện tại vĩ tuyến 17, bà thấy trong mình dâng lên tình cảm lớn lao dành cho đất nước

Trong chương trình Cine - Ký ức phim Việt gần đây, NSND Trà Giang tiết lộ rằng, để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật Dịu, bà đã nhiều lần gặp gỡ nguyên mẫu ngoài đời là chị Hoàng Thị Thảo.

Trà Giang đã được chính chị Thảo - lúc bấy giờ là Bí thư chi bộ kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà - Gio Linh - kể cho nghe về hoàn cảnh gia đình đầy đau xót của mình.

Theo đó, cha chị mất, mẹ bị giặc bắn, anh trai bị tù đày… chị Thảo vẫn đứng lên cầm súng gia nhập đội du kích để hoạt động cách mạng.

Nghe chị Thảo kể lại cuộc đời đầy hy sinh và mất mát, Trà Giang đã không kìm được nước mắt. Bóng dáng người phụ nữ kiên trung ấy đã in sâu vào ký ức của bà và là nguồn cảm hứng lớn để bà "sống" cùng nhân vật Dịu.

Trong ký ức của nghệ sĩ, quá trình làm phim vô cùng khốc liệt.

Bà kể: "Chúng tôi vừa quay phim, vừa sinh hoạt như những người lính nơi chiến trường, nhiều khi thời gian nằm dưới hầm nhiều hơn trên mặt đất".

Thậm chí, khi đã thực hiện được một số cảnh quay tại vĩ tuyến 17, do tình hình chiến sự quá khốc liệt, NSND Trà Giang và đoàn phim buộc phải chuyển ra Hà Nội để hoàn thành những cảnh quay còn lại.

Những thước phim chân thực tái hiện cuộc chiến đấu ở vĩ tuyến 17 đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Năm 1973, tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, bộ phim đã giành được giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Thế giới, và NSND Trà Giang cũng vinh dự nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc.

Mặc dù là một gương mặt sáng giá của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang đã sớm nói lời chia tay với nghệ thuật sau khi tham gia 17 bộ phim, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả yêu mến bà.

Sau khi rời xa màn ảnh, NSND Trà Giang trở về trường Điện ảnh để truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất cho thế hệ sau. Từ khi nghỉ hưu vào năm 1998, bà lại tìm thấy niềm đam mê mới với hội họa.

Nhiều năm qua, "chị Dịu" Trà Giang sống một mình trong căn hộ chung cư tại TPHCM, nơi bà có không gian riêng để sinh hoạt và vẽ tranh.

"Hội họa đối với tôi cũng là một cách thiền. Và tôi nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, hội họa có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ chơi đùa với sắc màu…

Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngưng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn đọng. Và đấy cũng là một phương pháp tu tập", NSND Trà Giang chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Dù tuổi đã cao, vẻ đẹp thần thái của cô Dịu ngày nào vẫn còn in đậm trên gương mặt của nữ nghệ sĩ gạo cội - mỹ nhân của dòng phim cách mạng một thời.

Nữ nghệ sĩ tâm sự, mặc dù cả thời trẻ, bà đã "cháy" hết mình cho những vai diễn, nhiều năm qua, bà luôn thấy nhớ nghề. Nhiều lúc, Trà Giang cũng muốn nhận lời tham gia một bộ phim, nhưng vì đã có tuổi nên đành gác lại

NSND Lâm Tới vai Trần Sùng phản diện ấn tượng

NSND Lâm Tới tên thật là Lâm Thanh Tòng, sinh ra tại làng Mỹ Hội, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Xuất thân từ gia đình nghèo, ông sớm tham gia cách mạng và sau đó tập kết ra Bắc, theo học khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam cùng Trà Giang, Thế Anh, Trần Phương…

Tốt nghiệp loại ưu trường Điện ảnh năm 1964, vai diễn đầu tiên của Lâm Tới là trong bộ phim Hai người lính.

Với khả năng diễn xuất đa dạng, Lâm Tới có thể hóa thân vào cả vai chính diện và phản diện một cách đầy thuyết phục.

Vai Trần Sùng trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - một tên ác ôn tàn bạo - được xem là dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Vai diễn quá ấn tượng đến mức sau này, nhiều người gọi ông là "Trần Sùng" ngoài đời thực.

Sau thành công của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Lâm Tới tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ qua loạt vai diễn trong phim điện ảnh như: Tám Quyện trong Mùa gió chướng, Ba Đô ở Cánh đồng hoang (đều của đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Sến) hay Thiếu tá Cần phim Cho cả ngày mai (đạo diễn Long Vân)...

Với những đóng góp to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, NSND Lâm Tới đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND vào năm 1997.

Năm 1999, ông trở lại màn ảnh trong bộ phim Đồng tiền xương máu với vai một giám đốc cương trực, tài giỏi.

Đây cũng là vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp của ông. Năm 2000, NSND Lâm Tới qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp và người hâm mộ.

NSND Đoàn Dũng với vai dân quân Vệ đáng nhớ

NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1939 tại Hà Nội.

Trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, nghệ sĩ vào vai Vệ - một dân quân - bị tên ác ôn Trần Sùng khống chế. Nhân vật của ông là hiện thân của sự bất lực, đau đớn - một người đàn ông lạc lối giữa những đòn roi và áp bức.

Đoàn Dũng đã thể hiện nhân vật bằng ánh mắt say khướt, giọng lè nhè và vẻ hung tợn ẩn chứa sự tuyệt vọng.

Sau Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, ông tham gia nhiều bộ phim và cũng để lại ấn tượng: Em bé Hà Nội, Bức tường không xâyTiếng gọi phía trước, Cha và con…

Năm 1997, ông được Nhà nước phong danh hiệu NSND. Vai Hai Dư trong phim Cỏ biếc là tác phẩm cuối cùng của ông. Ngày 17/9/2018, NSND Đoàn Dũng qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất, khép lại hành trình nghệ thuật đầy đam mê và cống hiến.

Theo DTO


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.