Sau khi tập 20 của 'Thương Ngày Nắng Về' lên sóng, rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự bức xúc khi biên kịch để cho nhân vật Khánh bị cưỡng bức.
Thương Ngày Nắng Về hiện đang là bộ phim nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình bởi tuyến đề tài về gia đình vô cùng quen thuộc cùng diễn xuất của dàn diễn viên thực lực.
Với những câu chuyện gần gũi về cuộc sống hôn nhân và tình yêu, Thương Ngày Nắng Về cuốn hút khán giả bởi tình cảm gia đình, vợ chồng hết sức đời thường. Tuy nhiên, bộ phim cũng khiến người xem liên tục "tăng xông" vì loạt chi tiết vô lí, cách xây dựng nhân vật quá đà, khác xa với đời thực. Những tập gần đây, biên kịch liên tục bị "réo tên" vì có nhiều chi tiết gây bức xúc, khiến nhân vật đau khổ một cách quá đáng khiến người xem cảm thấy áp lực, uất ức thay.
Bà mẹ chồng "tác oai tác quái"
Đầu tiên phải kể đến "người châm ngòi" cho mọi bi kịch trong cuộc đời Khánh - bà mẹ chồng tên Hiền nhưng lại không hề hiền. Ngay từ thuở "chân ướt chân ráo" về làm dâu, Khánh đã bị mẹ chồng nhìn bằng nửa mắt con mắt vì xuất thân trong gia đình không mấy khá giả, đã thế còn mang bầu trước.
Tuy nhiên, sự cay nghiệt của bà Hiền chỉ được đẩy lên đỉnh điểm khi con gái bà là Thương đem về một món nợ lên đến hơn chục tỷ đồng. Sau khi bán xong nhà để trả nợ cho con gái, thay vì về quê ở với chồng thì bà Hiền và Thương lại vác sạch đồ sang nhà vợ chồng Khánh ở, chiếm phòng của hai cháu nhỏ. Thử hỏi có người mẹ chồng nào lại "tác oai tác quái" đến như vậy?
Người chị chồng cay nghiệt, mưu mô
Chưa hết, ngoài bà Hiền thì một người nữa khiến khán giả ghét cay ghét đắng đó chính là con gái bà - Thương. Thương từ nhỏ đã được mẹ chiều chuộng nên khi lớn lên xây dựng gia đình cô không hề biết phép tắc hay lễ nghĩa gì.
Dù có chồng đẹp con khôn nhưng Thương vẫn đi ngoại tình để đem về nỗi nhục cho gia đình. Ấy thế mà bà Hiền chẳng buông lời trách móc, hết bán nhà trả nợ cho con bà còn nghe theo âm mưu của con gái muốn tìm cách hãm hại con dâu để chiếm luôn căn nhà.
Sự "máu lạnh" của Thương được đẩy lên đỉnh điểm khi cô thuê người bắt cóc và hãm hiếp em dâu mình. Chi tiết này khiến khán giả thực sự thấy bức xúc vì các biên kịch đã xây dựng loạt nhân vật quá vô lí. Nếu phim là lăng kính phản ánh hiện thực thì liệu có một hiện thực nào lại tàn khốc và cay nghiệt đến như vậy hay không?
Có hay không chuyện chị chồng đã ngoại tình lại còn lên mặt chì chiết em dâu, có hay không chuyện mẹ chồng chấp nhận đánh đổi danh dự của gia đình để biến con dâu thành kẻ lăng loàn? Phải chăng, biên kịch của phim đang cố tình đẩy câu chuyện lên cao trào để thu hút người xem, để nhận về những lời chỉ trích.
Nhân vật Khánh quá cam chịu
Bên cạnh đó, nhân vật Khánh chính là điểm vô lí thứ ba của bộ phim này. Đồng ý rằng Khánh là con dâu nên nhiều khi phải nhún nhường mẹ chồng và chị chồng. Tuy nhiên, sự nhún nhường của Khánh đôi khi quá cam chịu và gần như vô tác dụng đối với người mẹ chồng cay nghiệt. Tại sao Khánh không cứng rắn ngay từ ban đầu, quyết không cho mẹ chồng và chị chồng ở nhờ nhà mình?
Chưa kể đến, biên kịch đã đẩy Khánh rơi vào tận cùng của bi kịch khi để cô bị cưỡng hiếp. Vốn dĩ Khánh đã quá khổ từ lúc về làm dâu nhà Đức, chị chồng thì cay nghiệt, mẹ chồng thì tai quái, chồng thì nhu nhược.
Và hơn hết, mọi thứ có thể là cao trào ở tình tiết Đức chơi tiền ảo và đem về món nợ 240 triệu đúng lúc gia đình đang "rối như canh hẹ", Khánh có thể đâm đơn ly hôn lúc đó để giải thoát cho chính mình thay vì chờ đến khi bị cưỡng hiếp, bị oan ức và ra đi trong nhục nhã.
Ngay sau khi xem xong chi tiết này, không ít người đã lên tiếng bênh vực cho nhân vật Khánh, thậm chí còn có người lên tiếng bỏ xem phim vì quá bức xúc.
Dù là phim gia đình hay phim hình sự thì mục đích cuối cùng làm phim vẫn là để giải trí. Tuy nhiên khi xem Thương Ngày Nắng Về, chẳng những khán giả không được giải trí mà còn "mua bực vào người", đó có phải là mục đích cuối cùng mà đạo diễn hướng đến hay không?
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Comments powered by CComment