Con đường đến Khu bảo tồn động vật hoang dã Newhaven là cánh cổng phân cách đột ngột giữa hai thế giới.
Một đầu con đường là thị trấn Alice Springs, dân số 25.000 người, đủ để được xếp là đô thị ở Vùng xa xôi nước Úc.
Đầu bên kia là các khối núi sa mạc đá đỏ, hồ muối và thảo nguyên cỏ spinifex lẻ loi thuộc sa mạc Great Sandy, sa mạc lớn thứ hai nước Úc, trải rộng hơn 280.000 km2.
Mới đó bạn còn ở trong thành phố, dùng chung mặt đường với các đoàn tàu hỏa dài 50m dọc Cao tốc Stuart. Rồi xe cộ thưa thớt đi, và con đường qua sa mạc Tanami thu hẹp lại và biến thành cát. Bất thình lình, hoặc có vẻ, bạn đang ở sâu trong sa mạc ngay giữa lục địa.
Cuộc sống du mục
Mở cửa cho du khách tự lái xe vào lễ Phục sinh, và trong giai đoạn từ tháng 5 đến cuối tháng 9, Khu bảo tồn động vật hoang dã Newhaven nổi tiếng với các loài chim và vẻ đẹp khắc khổ của cảnh quan sa mạc.
Đó cũng là hình ảnh một thời của nước Úc nội địa.
Người định cư da trắng đã đến Sa mạc Miền Trung và Sa mạc Miền Tây ở trong nội địa nước Úc - Đại và Tiểu Sa mạc Sandy cùng các sa mạc Tanami, Simpson và Victoria - từ thế kỷ 19. Trước khi họ đến, dân Úc bản địa sống chan hòa với đất đai và động vật hoang dã vốn đa dạng hơn nhiều chúng ta nghĩ.
Đây là vùng đất Warlpir, và nó trải dài hàng trăm cây số qua sa mạc Tanami và Đại Sandy.
Warlpir là một trong những đất nước và nhóm ngôn ngữ lớn nhất trong các thổ dân.
Cùng với Pintup, hàng xóm của họ ở phía tây, Warlpir là một trong những sắc dân cuối cùng ở Úc tiếp xúc với người Úc da trắng và lưu lại lối sống bán du mục truyền thống vốn giúp họ sống sót giữa sa mạc.
Bà Alice Ellis là người phụ nữ Warlpir thuộc thế hệ cuối cùng còn nhớ được cuộc sống khi đó như thế nào.
Khi còn nhỏ, bà chơi đùa trong các cồn cát ở những vùng đất phía bắc và phía tây, di chuyển theo mùa từ vũng nước này sang vũng khác.
Bà và gia đình liên lạc với các nhóm khác bằng lửa. Khi còn nhỏ, bà nhớ lại, bà và các anh chị em sẽ bỏ chạy bất cứ khi nào thấy đàn ông da trắng ngồi xe đi đến.
Trong quá trình mà người Warlpir gọi là yidakimani, tức 'đọc hiểu vùng đất', gần như ngay khi biết đi, Ellis đã học cách giải thích và theo dõi dấu chân thú có túi - bao gồm chuột túi wallaby chân đen, chuột cống túi (bettong) và chuột đất (bilby) - chỉ có ở Úc.
Họ cũng săn mèo hoang, chim và bò sát. Kỳ nhông goanna, một trong những loài bò sát ăn thịt lớn nhất nước Úc, có thể dài tới 2,5m, vẫn luôn là con mồi yêu thích của bà.
Khủng hoảng tuyệt chủng
Ellis đem kiến thức tường tận về thế giới tự nhiên vào công việc của bà tại Newhaven, khu bảo tồn rộng 2.600 km2 do Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Úc (AWC) điều hành.
Là nhân viên kiểm lâm, bà là người nắm giữ bí mật sa mạc. Vai trò của bà là chăm sóc đất nước và bảo vệ đất đai khỏi các loài gây hại xâm lấn mà người định cư châu Âu đưa vào, các loài gây hại như mèo hoang, cáo và thỏ vốn gây ra sự hủy diệt khủng khiếp trên sa mạc của Úc.
Úc có tỷ lệ tuyệt chủng động vật có vú tồi tệ nhất thế giới: một phần ba tổng mức tuyệt chủng động vật có vú toàn cầu trong 5 thế kỷ qua là ở Úc, và hầu hết là ở những vùng khô cằn của đất nước.
Không ai biết chắc, nhưng có chừng một chục loài, có lẽ nhiều hơn, vốn từng sống bên cạnh Ellis và tổ tiên của bà, đã biến mất vĩnh viễn. Mèo hoang hầu như đã tuyệt chủng. Các loài khác đã rút về nơi khác, bị làn sóng mèo hoang đẩy ra rìa bên ngoài phạm vi sinh sống trước đây của chúng và đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Bà Alice Ellis là người phụ nữ Warlpir thuộc thế hệ cuối cùng còn nhớ được cuộc sống thời xưa của người dân bản địa là như thế nào
Ellis biết rất rõ về nhiều loài trong số các loại động vật này.
Khi còn trẻ, Ellis và gia đình thường đi săn mala, một loài thú có túi nhảy nhỏ mà câu chuyện hình thành của chúng bắt đầu gần Newhaven; các điểm thiêng của mala vẫn còn nhưng bản thân mala đã biến mất khỏi nơi này vào những năm 1980.
Có loài chuột đất lớn, chuột 'greater bilby', còn được gọi là 'Thỏ Phục sinh Úc' nhờ đôi tai lớn, chiếm vị trí là một trong những loài thú có túi được yêu mến nhất nước Úc. Hoặc chuột cống túi bettong đào hang sâu và lật đất, vốn được các nhà khoa học ngưỡng mộ, những người gọi chúng là kỹ sư hệ sinh thái vĩ đại của Úc.
Tất cả những điều này quan trọng vì nhiều lý do, trong đó ít nhất là lý do này: 86% trong số 315 loài có vú trên cạn còn sống sót của Úc không có ở bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất.
Năm 2006, khi quy mô cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ở nước Úc nội địa khô cằn trở nên rõ ràng, AWC bắt đầu một thí nghiệm: họ muốn xem liệu đất đai ở những nơi như Newhaven có thể trở lại trạng thái ban đầu hay không.
Ellis, và các kiểm lâm viên Warlpir khác, dẫn đầu thí nghiệm này.
Trong nhiều tháng, Ellis và các đồng nghiệp theo dõi mèo hoang trong một khu vực được quây rào rộng 94,5 km2 nằm gần trụ sở khu bảo tồn và khu cắm trại ở ngay giữa Newhaven.
Có nhiều cách theo dõi mèo hoang và các loài hoang dã khác, nhưng không có cách nào hiệu quả bằng cách để dân bản địa làm.
Theo truyền thống 'đọc vùng đất' của người Warlpir, Ellis và những người khác hiểu hành vi của mèo. Họ biết nơi tìm ra và theo dõi dấu chân mèo, sau đó giải thích dấu vết đó có nghĩa là gì. Có bao nhiêu con mèo ở đó? Chúng đi theo hướng nào? Chúng đi qua hồi nào? "Dân bản địa theo dõi tốt hơn nhiều so với bẫy hay máy ảnh," John Kanowski, giám đốc khoa học của AWC, cho biết.
Đưa động vật trở lại
Với việc mèo hoang không còn nữa, một chương trình tham vọng để đưa lại động vật có vú vào nơi này đã khởi động.
"Bảo tồn không chỉ là rào quanh một vùng đất và nói rằng 'đây là hệ sinh thái chúng tôi bảo tồn'," Kanowski nói. "Sẽ không đạt được gì nếu những loài quan trọng không xuất hiện trở lại. Việc đưa các loài trở lại hoàn thành quá trình bảo tồn ở một vùng cụ thể."
Chuột túi wallaby chân đen, chuột túi phascogale đuôi đỏ, chuột túi woylie và chuột túi mulgara đuôi bàn chải tất cả đều trở lại.
Và vâng, mala và bettong đào hang cũng trở lại nơi thuộc về chúng, nhiều thập kỷ sau khi sa mạc không còn nghe thấy tiếng kêu của chúng.
Đáng chú ý, các nhà khoa học hy vọng bettong thậm chí có thể trở lại những chiếc hang mà tổ tiên chúng đã đào gần nửa thế kỷ trước.
Chuột đất lớn, 'greater bilby', còn được gọi là 'Thỏ Phục sinh Úc', nhờ đôi tai lớn và chiếm vị trí là một trong những loài thú có túi được yêu mến nhất nước Úc.
Bất chấp tất cả những thành công như vậy, có một mối nguy là những hiểu biết truyền thống của dân sa mạc - vốn giúp làm nên điều thần kỳ đó - có thể sớm bị mất đi.
Theo Tiến sĩ Rachel Paltridge, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm làm việc với dân bản địa khắp Trung Úc, "mọi người không đi bộ theo dõi như họ từng làm. Trở lại 20 năm trước khi tôi mới bắt đầu, vẫn còn thế hệ người già lớn lên nơi hoang dã và tất cả đều ra ngoài săn tìm thức ăn."
Chỉ ở Newhaven, và trong cộng đồng Pintup nhỏ Kiwirrkurra cách vài trăm km trên sa mạc về phía tây, Paltridge nói, mới có những kỹ năng và tập quán theo dõi này.
Ellis biết rằng thời gian của bà chỉ còn ngắn ngủi. "Chúng tôi sẽ không sống mãi mãi," bà nói. "Nếu chúng tôi không truyền lại những gì chúng tôi biết, chúng tôi sẽ mất tất cả mọi thứ và sẽ không còn gì cho con cháu chúng tôi."
Thế hệ mới
Cùng lúc với thế hệ mới mala và bettong đào hang đang trở lại những nơi chúng từng cư trú, một thế hệ phụ nữ Warlpir mới đang giúp đưa chúng đến đó. Đó là con gái của Ellis, Christine, người đã thả vài con mala và bettong tái hòa nhập ở Newhaven.
Ngay khi cô còn là một cô bé lớn lên trong sa mạc, những người sống trong cộng đồng của Christine đã gọi cô là murturna, nghĩa là 'bà cụ non' trong tiếng Warlpir.
Trong khi những đứa trẻ khác chơi đùa, Christine ngồi dưới chân người lớn hoặc đi cùng họ khi họ theo dấu và đi săn thú. Cô cùng họ đi tìm cà chua và khoai tây trong bụi, học những cách làm xưa trong quá trình đó.
Cô cũng học được tầm quan trọng của lửa. "Không có vùng đất lành mạnh nếu không có lửa," cô nói khi quẹt một que diêm và thắp sáng một vùng.
"Khi mọi người theo truyền thống sống trên đất liền," Steve Eldridge, chuyên gia về lửa ở địa phương, nói, "họ đã dùng lửa như một trong những công cụ chính để kích thích tăng trưởng, vốn đem đến thức ăn - kangaroo, đại loại như vậy. Bởi vì họ là dân du mục, họ liên tục di chuyển qua các cảnh quan, luôn luôn đốt lửa, do đó kết quả là bức tranh nhiều mảng các độ tuổi lửa [khi một vùng đất nào đó bị đốt cháy lần trước]. Đa số thực vật và động vật bản địa thích ứng với chế độ đó. Khi có bức tranh nhiều mảng này, chỉ cần có nó sẽ chặn được những vụ cháy rừng lớn, nhanh, bùng phát."
Không chỉ ở Newhaven. Việc nối lại các tập quán truyền thống về lửa ở đây nằm trong xu hướng toàn quốc là hướng tới khôi phục sức khỏe hệ sinh thái thông qua các tập quán quản lý đất đai bản địa.
Khi lửa thực hiện phần việc của nó, đất tự tái sinh và cuộc sống động vật và thực vật trở lại. Newhaven là nơi có 23 hệ sinh thái sa mạc trải trên 261.501 hectare đất đai khô cằn, và mỗi hệ sinh thái có câu chuyện của riêng nó.
Ở một số nơi, cây hồng huyết (bloowood) và khuynh diệp ghost gum một lần nữa làm nơi trú ẩn cho động vật bản địa trở về; gần đó, gió trong những cây sồi sa mạc nghe như sóng vỗ ở một bờ biển xa xôi.
Tiếng thì thầm khắp nơi của vẹt yến phụng xanh lá nhạt xua đuổi chim săn mồi, hình dáng thay đổi như sinh vật đơn lẻ bay loạn xạ trên trời.
Ở phía tây của khu bảo tồn, hồ muối mà dân Warlpir gọi là Yunkanjini (và các nhà thám hiểm đặt tên là Hồ Bennett) vừa là địa điểm linh thiêng vừa là nơi rộng lớn xinh đẹp với màu sắc thay đổi theo ánh sáng.
"Đây là hình dáng sa mạc khi tôi còn nhỏ," Alice nói. "Vùng đất này đã khỏe mạnh trở lại."
Theo BBC
Comments powered by CComment