Qua gần một năm là chủ nhân Nhà Trắng, cho dù có những thách thức đầy phức tạp, nhưng chính quyền của ông J.Biden đã cho thấy có một sự thay đổi đáng kể về chính sách đối ngoại để nước Mỹ không còn “biệt lập” với cộng đồng quốc tế, nhất là các đồng minh chiến lược của mình.
Bế tắc ở quốc hội chấm dứt, ông Biden thắng lớn
Biden và dân Mỹ ‘nhận’ 2 món quà Giáng Sinh sớm ngày Thứ Sáu
Ông Biden xin lỗi thế giới vì Mỹ thời ông Trump rút khỏi hiệp định khí hậu
Trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ từ đầu năm 2021, một câu hỏi lớn được dư luận trong nước và thế giới hết sức quan tâm đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden là tiếp tục “biệt lập” với nguyên tắc “nước Mỹ trước tiên” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump hay “dung hòa” với chủ nghĩa đa phương làm nền tảng?
Qua gần một năm là chủ nhân Nhà Trắng, cho dù có những thách thức đầy phức tạp, nhưng chính quyền của ông J.Biden đã cho thấy có một sự thay đổi đáng kể về chính sách đối ngoại để nước Mỹ không còn “biệt lập” với cộng đồng quốc tế, nhất là các đồng minh chiến lược của mình. Trong đó, nổi lên mấy sự kiện đáng chú ý sau đây:
Một là, tái khẳng định quan hệ đối tác vững mạnh với LHQ. Như tại cuộc gặp với TTK-LHQ Antonia Guterres ngày 21/9, Nhà trắng ra thông cáo cho hay: “Tổng thống Mỹ J.Biden tái khẳng định những thách thức toàn cầu phức tạp chỉ có thể được giải quyết bằng các giải pháp toàn cầu thực sự, một cách tiếp cận được phản ánh trong tầm nhìn của Tổng thống về việc xây dựng trở lại tốt hơn và ông nhấn mạnh vai trò duy nhất của LHQ trong việc mang lại sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh cho tất cả mọi người".
Với mục tiêu đó, Mỹ đã thúc đẩy nhanh chóng tiến trình quay trở lại nhiều tổ chức của LHQ như: WHO, Hội đồng Nhân quyền…Còn tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ngày 1/11 vừa qua tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ J.Biden đã có bình luận về quyết định trước đây của chính quyền Donald Trump về việc rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông J.Biden nói: "Tôi nghĩ mình không nên đưa ra lời xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn."
Ông cũng tin rằng, Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005 và nhấn mạnh:: "Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không chỉ là giả thuyết, nó đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của mọi người. Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch, quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và cơ hội trên thế giới. Mỗi ngày trì hoãn, cái giá vì không hành động sẽ tăng lên. Hãy để đây là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời cho lịch sử, tại Glasgow này"!
Hai là, quay trở lại hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết các bất đồng song phương trước đây, hay những thách thức đang trổi dậy ở nhiều khu vực nhất là ở Trung Đông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương…
Vì thế, Washington đã chủ trương cùng các đồng minh châu Âu theo đuổi giải pháp ngoại giao về hạt nhân Iran. Hiện nay, chính quyền Tổng thống J.Biden đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo) với Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và Đức) mà theo đó Tehran sẽ phải hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bở các biện pháp trừng phạt kinh tế…
Mặt khác, nhiều chính sách kinh tế mang nguyên tắc “nước Mỹ trước tiên” vốn gây bất đồng sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương thì nay đã được thay đổi một cách đáng kể. Trong đó phải nói đến việc Mỹ tháo bỏ các “rào cản” để mở đường cho Nga và Đức hoàn thành đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Bắc 2”.
Hay ngày 30/10 vừa qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận trong tranh chấp về thuế của Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Mức thuế này được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra năm 2018.
Đánh giá các sự kiện này, ngày 8/11 trong cuộc phỏng vấn của CNN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ: “Tổng thống J.Biden về cơ bản đã đi theo một hướng khác với các chính sách của cựu Tổng thống Trump và công khai từ bỏ nguyên tắc ‘nước Mỹ trước tiên’. Trên thực tế, ông J.Biden cho rằng nguyên tắc ‘nước Mỹ trước tiên’ đã đặt nước Mỹ ở cuối cùng.”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ còn nói thêm rằng nguyên tắc của Tổng thống J.Biden trong chính sách đối ngoại là “ngoại giao đa phương” và tính đến lợi ích của các đồng minh.
Trái ngược với ý tưởng về cách tiếp cận theo chủ nghĩa “biệt lập” của ông Trump dựa trên lợi ích quốc gia và không can thiệp vào các quá trình chung toàn thế giới, ông Sullivan nhắc lại việc Tổng thống J.Biden đã thành công trong việc giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm giữa Boeing và Airbus, tạo ra bối cảnh cho sự hợp tác trong tương lai giữa Mỹ và EU nhằm để đối đầu với những thách thức mới nổi lên tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương…
Những diễn biến trên cho thấy, Thông điệp liên bang ngày 4-2-2021, Tổng thống Mỹ J.Biden đã đề ra đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ giai đoạn 2021 - 2025 là dựa trên phương châm “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ” ngày càng rõ nét. Đường lối đối ngoại mới này được dự báo sẽ có nhiều khác biệt so với chính sách đối ngoại “biệt lập” mà chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng trong giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, đây được coi là sự trở lại của nền tảng ngoại giao đa phương truyền thống mà các chính quyền Mỹ đã từng áp dụng trong giai đoạn 1945 - 2016.
Tuyết Minh
Comments powered by CComment