Group News: Tin copy

Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước đã tới Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội để dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Bàn thờ di ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng tại lễ viếng

Bàn thờ di ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng tại lễ viếng

Nhiều người dân đã xuất hiện gần khu vực này từ sáng sớm, chờ được vào viếng ông Nguyễn Phú Trọng. Theo lịch do ban tổ chức lễ tang thông báo thì cuối giờ chiều ngày 25/7 người dân mới có thể vào viếng.

Lễ viếng sẽ kéo dài từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7, địa điểm là tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

Hai địa điểm viếng chính thức khác là Hội trường Thống Nhất, tức Dinh Độc Lập, ở TP HCM và ở quê nhà ông Trọng tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Dòng người đến viếng 

Toàn bộ các thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam có tên trong Ban Lễ tang. Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng Ban Lễ tang.

Khoảng hơn 7 giờ, lễ viếng bắt đầu.

Vào viếng đầu tiên là đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dẫn đầu là ông Tô Lâm. Sau đó tiếp tới đoàn lãnh đạo khác như đoàn Chủ tịch nước, đoàn Thủ tướng Chính phủ, đoàn Chủ tịch Quốc hội,...

Tới gần 8 giờ, các đoàn ngoại giao bắt đầu viếng.

Đến sớm nhất là Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández, tầm gần 8 giờ sáng nay 25/7.

Sau đó lần lượt lãnh đạo từ Indonesia, Hàn Quốc, Úc… vào viếng.

Khoảng 10 giờ sáng, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen dẫn đầu đoàn Campuchia vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong thư chia buồn mới đây, ông Hun Sen gọi người quá cố là “đồng chí Nguyễn Phú Trọng” (theo bản dịch của VTV).

Hồi tháng 2, khi ông Hun Sen trở thành chủ tịch Thượng viện Campuchia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gửi thư chúc mừng và gọi ông Hun Sen là “đồng chí”.

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen dẫn đầu đoàn Campuchia vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen dẫn đầu đoàn Campuchia vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo thông tin từ Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lẽ ra sẽ dừng lại ở Việt Nam để dự tang lễ vào ngày 26/7 khi bắt đầu chuyến công du châu Á, nhưng giờ đây ông dự kiến sẽ đến viếng vào cuối tuần.

Hôm qua ngày 24/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres và đại sứ các nước đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phái đoàn thường trực Việt Nam ở New York, báo Vnexpress đưa tin.

Trước đó, hôm 20/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh dù lúc bấy giờ chưa tổ chức tang lễ.

Tới ngày 24/7, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Trung Quốc thông báo ông Vương Hỗ Ninh - Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc - dẫn đầu đoàn đến Việt Nam dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Vương Hỗ Ninh đi với tư cách là "đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình", báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Hôm 23/7, Giáo hoàng Francis cũng gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Văn Thưởng tới dự lễ viếng

Ông Nguyễn Tấn Dũng (hàng sau đầu tiên từ trái qua) và ông Võ Văn Thưởng (hàng sau thứ hai từ trái qua) tới dự lễ viếng

Nhiều cựu lãnh đạo cũng đã có mặt từ sớm để viếng ông Nguyễn Phú Trọng. Có thể thấy cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng là người điều hành chính phủ trong giai đoạn ông Trọng mới lên làm tổng bí thư. Giới quan sát đánh giá, trong thời kỳ đầu ông Trọng mới lên lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền lực tập trung vào phía chính phủ.

Đại sứ Mỹ Ted Osius kể lại trong hồi ký của ông rằng, hồi mới nhận nhiệm vụ ở Hà Nội (vào năm 2014), ông đã được nghe hầu hết các nhà quan sát đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng đang lên và ông Trọng sẽ dần biến mất sau Đại hội 12 của Đảng vào tháng 1 năm 2016.

Tuy nhiên, tại Đại hội Đảng 12, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải rời chính trường và ông Trọng bắt đầu củng cố vị trí của một tổng bí thư đầy quyền lực, trong một Đảng Cộng sản ngày càng thâu tóm quyền lực hơn.

Lễ viếng ông Trọng cũng là lần đầu tiên cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xuất hiện lại trước công chúng kể từ khi ông mất chức vào ngày 21/3.

Ông Thưởng từng được coi là “hạt giống đỏ”, do có học vấn và quá trình làm việc khá giống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngoài các lãnh đạo, bạn đồng môn của ông Nguyễn Phú Trọng cũng vào viếng từ sớm.

Khoảng hơn 8 giờ sáng, đoàn cựu sinh viên lớp văn khóa 8 (1963-1967) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Ngô Thị Mận, phu nhân ông Nguyễn Phú Trọng, tại lễ viếng.

Bà Ngô Thị Mận, phu nhân ông Nguyễn Phú Trọng

Sổ tang và thắp nến trực tuyến

Người dân chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội

Người dân chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, từ hôm 24/7, người dân "có thể gửi lời chia buồn, tri ân, chia sẻ ký ức" về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên ứng dụng VNeID thông qua tính năng Sổ tang điện tử.

Theo đó, ngoài các tính năng thường thấy trên ứng dụng như Thẻ Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Thẻ Bảo hiểm y tế,… người dân có thể nhấn nút Gửi lời chia buồn để viết nội dung lời chia buồn.

Các trang báo trong nước như Vnexpress, Tuổi Trẻ cũng có mục viết sổ tang gửi tới ông Nguyễn Phú Trọng.

Trên báo Tuổi Trẻ, tính tới thời điểm 13 giờ ngày 25/7, có hàng trăm lời chia sẻ trong chức năng sổ tang. Cùng thời điểm, báo VnExpress có tới gần 6.000 lời chia sẻ.

Trên Vnexpress có cả chức năng “thắp nến”, tương tự chức năng like trên các nền tảng xã hội, dưới những lời chia sẻ.

An táng ở nghĩa trang Mai Dịch

Nghĩa trang Mai Dịch, nằm tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nghĩa trang Mai Dịch, nằm tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lễ an táng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra vào 15 giờ ngày 26/7 tại nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Nghĩa trang Mai Dịch nằm ở Cầu Giấy, Hà Nội, là nơi chôn cất nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Lê Khả Phiêu, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn... Trong thời gian gần đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít lãnh đạo đã không chọn an táng tại nghĩa trang này.

Tính từ năm 1995, có 13 lãnh đạo Việt Nam được tổ chức quốc tang. Trong số 13 người này, tính cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ có 4 người được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Ngoài ông Trọng thì ba người còn lại được an táng tại Mai Dịch là cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (năm 1999), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 2000) và cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (năm 2020).

Theo thông tin lan truyền trên mạng, phần mộ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nằm gần mộ của ông Lê Khả Phiêu và ông Lê Duẩn.

Các lãnh đạo còn lại, có thể là do di nguyện của cá nhân hoặc mong muốn của gia đình, mà lựa chọn địa điểm an táng khác, thường là ở quê nhà.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chôn cất tại Vũng Chùa ở tỉnh Quảng Bình, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang được chôn cất tại quê nhà ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cố Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại quê nhà ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.