Group News: Tin copy

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18-20/8, theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

 
Chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị tổng bí thư của ông Tô Lâm là tới Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình

Chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị tổng bí thư của ông Tô Lâm là tới Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước và tổng bí thư.

Vào tháng 7, ông Tô Lâm đã có chuyến công du nước ngoài tới Lào và Campuchia, nhưng lúc bấy giờ ông chưa làm tổng bí thư.

Chuyến thăm tới Trung Quốc được cho là để khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa hai nước được coi là "anh em đồng chí cộng sản".

Là láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam có nền chính trị với nhiều điểm tương đồng, là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington DC (Mỹ), nhận định với BBC vào ngày 15/8:

"Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Trung Quốc và duy trì mối quan hệ hòa hảo nhất có thể mà không phải hy sinh chủ quyền hoặc lợi ích quốc gia là thực tế của việc ở gần kề một gã hàng xóm khổng lồ, đôi khi hung hãn như Trung Quốc.

"Điều đó không có nghĩa là ông Tô Lâm hay giới lãnh đạo Việt Nam ngả về phía Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào. Ngược lại, họ tìm cách tăng cường và đa dạng hóa mối quan hệ với càng nhiều đối tác bên ngoài càng tốt để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều sẽ làm hạn chế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế."

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát từ Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 15/8 rằng trọng tâm chính của chuyến công du sẽ là "thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, thảo luận sâu hơn về cách giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa người dân hai nước".

Làm sâu sắc quan hệ Việt - Trung

Ở nhiệm kỳ tổng bí thư đầu tiên vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc. Nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2016, ông Trọng thăm Lào đầu tiên và ở nhiệm kỳ cuối, ông cũng đến Trung Quốc vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022.

Việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên, chỉ sau chưa đầy hai tuần được bổ nhiệm lên vị trí tổng bí thư, có thể cho thấy rằng ông Tô Lâm muốn gửi thông điệp rằng Việt Nam luôn ưu tiên Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao, với tư cách là người anh em cộng sản và quốc gia láng giềng, mà phía Trung Quốc gọi là quan hệ "vừa là anh em vừa là đồng chí" (đồng chí gia huynh đệ).

Nhận định với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng ông Tô Lâm là một nhà lãnh đạo thực dụng và ông ấy đã cam kết tiếp nối di sản của ông Trọng. Vì thế ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại tương tự.

Về phía mình, Trung Quốc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong công tác ngoại giao với các nước láng giềng (phương châm ngoại giao thân - thành - huệ - dung). Tuy nhiên, Trung Quốc có yêu sách hung hăng trên Biển Đông nên đây là vấn đề hai nước cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Bích Trần, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 15/8 sau khi có thông tin chính thức chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, rằng:

"Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là đối tác ngang hàng của ông Tập Cận Bình trong suốt 12 năm. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo đã góp phần củng cố quan hệ giữa hai Đảng. Tương tự như ông Tập, ông Lâm hiện nắm giữ cả hai vị trí then chốt là tổng bí thư và chủ tịch nước.

"Điều này sẽ tăng tần suất tương tác giữa hai nhà lãnh đạo trên trường quốc tế. Việc ông Lâm sớm có cuộc gặp với ông Tập là bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo, góp phần duy trì và phát triển quan hệ song phương," theo bà Bích.

Ông Wen-Ti Sung (Tống Văn Địch), nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Atlantic kiêm Giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định với BBC Tiếng Trung rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm là để củng cố quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.

"Trung Quốc đã tận dụng mọi biện pháp để củng cố quan hệ Việt-Trung sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời bằng việc cho bốn ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, gửi lời chia buồn tới Việt Nam. Trong đó, họ cử cả Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, nhân vật số 4, đến Việt Nam để viếng ông Trọng.

"Rõ ràng là Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội khi mà sự thay đổi lãnh đạo ở Việt Nam có thể khiến Việt Nam quay trở lại quỹ đạo Trung Quốc, đặc biệt là hiện nay Việt Nam có thể có thêm lý do để thực hiện việc đi dây chiến lược và cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh ông Trump có thể quay lại làm tổng thống, tạo nên một viễn cảnh khó lường."

Lá phiếu chính trị cho ông Tô Lâm

Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam luôn phải giữ tâm thế cẩn trọng. Theo cách gọi của Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích chính trị Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), là "sự bạo ngược của địa lý" khi Việt Nam không thể tự chọn láng giềng cho mình.

Trong quan hệ song phương, các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước có thể kể ra các sự kiện như Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).

Do đó, lâu nay Việt Nam luôn giữ chủ trương ngoại giao cây tre và duy trì chính sách quốc phòng "Bốn không": không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Ông Wen-Ti Sung nói với BBC Tiếng Trung rằng, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước sẽ cho Trung Quốc một dịp để hâm nóng quan hệ với nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Việt Nam là ông Tô Lâm, người có hồ sơ lãnh đạo khá mỏng, nếu xét theo các chuẩn mực của lãnh đạo tối cao.

"Nghi thức tiếp đón cấp nhà nước có thể coi như là một lá phiếu tín nhiệm của Trung Quốc và giúp củng cố vị thế chính trị của ông Tô Lâm, điều mà ông ta có lẽ rất mong muốn," ông Sung nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Wen-Ti Sung, Trung Quốc cũng mong muốn xây dựng mặt trận thống nhất với Việt Nam để giảm bớt căng thẳng trong tranh chấp giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Greg Poling thì nói rằng ông Tô Lâm sẽ đến New York vào tháng tới để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ gặp Tổng thống Joe Biden.

“Điều này chắc chắn khiến Bắc Kinh khó chịu, nhưng tôi không nghĩ Hà Nội sẽ bận tâm. Dù gì đi nữa thì mọi việc liên quan đến Hoa Kỳ và Việt Nam có quan hệ sâu sắc hơn cũng sẽ làm Trung Quốc tức giận nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi mối quan hệ với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.”

“Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam và ve vãn các lãnh đạo của Việt Nam theo các kênh quan hệ giữa hai đảng, cùng lúc họ vẫn sử dụng biện pháp cưỡng bức và đe dọa vũ lực để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

“Nói tóm lại, đó là một chiến lược 'tự hủy', chỉ làm tăng thêm sự ngờ vực đối với Bắc Kinh và từ đó thôi thúc Việt Nam tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với các đối tác bên ngoài mà những đối tác này có thể là chống lại Trung Quốc,” ông Poling nhận định.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.