Group News: Tin copy

Người Mỹ lo sợ đất nước của họ đang chao đảo mất kiểm soát sau vụ ông Donald Trump bị ám sát hụt, với lo ngại đang gia tăng rằng cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 có thể gây ra nhiều bạo lực chính trị hơn, theo một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos công bố hôm 16/7.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump được lực lượng Mật vụ đưa ra khỏi sân khấu sau khi ông bị thương trong một vụ nổ súng, tại một sự kiện vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania, ngày 13 tháng 7 năm 2024.

Ông Trump suýt mất mạng hôm 13/7 khi một viên đạn sượt qua vành tai của ông trong lúc ông đang phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania. Một người tham dự thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.

Vụ nổ súng gợi lại kí ức về những thời kì chính trị hỗn loạn như những năm 1960, khi Tổng thống Đảng Dân chủ John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, sau đó là vụ sát hại ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Robert F. Kennedy năm 1968.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos, kéo dài trong hai ngày và kết thúc hôm 16/7, được thực hiện trực tuyến, khảo sát 1.202 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc, trong đó có 992 cử tri có ghi danh bỏ phiếu.

Kết quả cho thấy 80% cử tri – với tỉ lệ tương đương giữa những người theo Đảng Dân chủ và những người theo Đảng Cộng hòa - nói họ đồng ý với nhận định rằng "đất nước đang chao đảo mất kiểm soát." Chỉ có 5% số người được hỏi nói việc một người nào đó trong đảng chính trị của họ thực hiện bạo lực để đạt được mục tiêu chính trị là điều có thể chấp nhận được.

Một số cử tri người Việt trong những cuộc phỏng vấn với VOA bày tỏ quan điểm tán đồng với kết quả của cuộc khảo sát, lo ngại bạo lực chính trị đang làm trầm trọng thêm sự chia rẽ đảng phái vốn đã sâu sắc tại Mỹ.

Khi hay tin về vụ mưu sát cựu Tổng thống Trump, ông Lê Phát Minh, cử tri ở thành phố Houston thuộc bang Texas, nói ông “rất sốc và tức giận.” Nhiều bạn bè và người quen của ông trong những ngày qua cũng chia sẻ cảm xúc tương tự khi họ nói chuyện với ông, ông cho biết.

“Họ không thể chấp nhận. Bạo lực chính trị hầu như không có ai chấp nhận hết,” ông nói. “Vì hành động đó giống như ở mấy nước Phi Châu vậy. Họ không thể chấp nhận, tôi cũng không thể chấp nhận.”

Ông quy trách nhiệm cho những luận điệu và diễn ngôn mô tả ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ đã khiến tay súng Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, trở nên cực đoan.

Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ việc và đến nay vẫn chưa có chỉ dấu nào rõ ràng về động cơ của hung thủ.

Vụ ám sát hụt ông Trump đã chiếm lĩnh sự chú ý của truyền thông và khơi lên những cuộc tranh luận giữa một số người theo Cơ đốc giáo bảo thủ ủng hộ ông rằng ông được Chúa che chở.

Trong cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos, 65% những người ghi danh theo Đảng Cộng hòa cho biết ông Trump sống sót là nhờ "sự quan phòng thần thánh hoặc ý Chúa." 11% những người theo Đảng Dân chủ tán đồng.

Đối với ông Lưu Anh Dũng, một cử tri ở thành phố Las Vegas thuộc bang Nevada, vụ ám sát hụt khiến ông hết sức bàng hoàng. Nhưng trên hết ông cảm thấy mừng và nhẹ nhõm vì điều xấu nhất đã không xảy đến.

“Tôi là người Công giáo, tôi phải nói là nhờ ơn chúa, nhờ ơn trên cho ông Trump đã được thoát nạn trong đường dây kẽ tóc thôi,” ông nói. “Nếu mà ông ấy không xoay cái đầu qua thì cái viên đạn bay vào óc rồi.”

Dù lo ngại về bạo lực chính trị, ông nói ông nhận thấy mấy ngày qua có nỗ lực từ cả hai phía đối lập chính trị để hạ giảm những lời lẽ gay gắt nhắm vào nhau, chẳng hạn như việc ban vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã tạm thời dừng những quảng cáo chính trị công kích ông Trump sau vụ nổ súng.

“Và phía bên ông Trump cũng vậy, trong đại hội đảng những người lên nói chuyện họ cũng nói về ông Trump thôi chứ cũng nói ít về ông Biden, không có mạnh bạo như trước đó thì tôi thấy đó là một điều cũng mừng,” ông nói thêm.

Khoảng 67% số người được hỏi trong cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho biết họ lo ngại về các hành vi bạo lực nhắm vào cộng đồng của mình vì niềm tin chính trị của họ. Đa số của cả hai đảng trong cuộc khảo sát cho biết họ lo ngại người Mỹ có thể dùng đến bạo lực thay vì đến với nhau một cách hòa bình để giải quyết bất đồng.

Khoảng 84% cử tri trong cuộc thăm dò cho biết họ lo ngại những người cực đoan sẽ thực hiện hành vi bạo lực sau cuộc bầu cử.

Lo sợ bạo lực chính trị đã trở nên lớn hơn ở Mỹ sau khi hàng ngàn người ủng hộ ông Trump tấn công Điện Capitol trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, trong nỗ lực lật ngược thất bại của Trump trước Biden trong cuộc bầu cử vài tháng trước đó. Bốn người chết vào ngày xảy ra vụ tấn công, và một thành viên của lực lượng Cảnh sát Điện Capitol chống trả những người bạo loạn tử vong vào ngày hôm sau.

Về phần mình, ông Minh và ông Dũng nói bạo lực chính trị ít có nguy cơ xảy ra sau bầu cử sắp tới vì nếu ông Trump thắng cử, ông đã có sự chuẩn bị và kinh nghiệm từ nhiệm kì trước để ứng phó bạo loạn.

Họ bác bỏ những lo ngại về một sự kiện tương tự như vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 nếu ông Biden tái đắc cử.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.