Sau cú sụt giá kỷ lục, xuống còn 1,03 USD hôm thứ Hai, đến sáng ngày thứ Ba (27/09), đồng bảng (pound sterling-GBP) đã phục hồi ở mức 1,08 USD, nhưng lo ngại về viễn cảnh của đồng tiền Anh vẫn còn.
Chi tiêu gia đình ở Anh đang chịu sức ép từ đủ phía: giá năng lượng, lạm phát và nguy cơ phải trả lãi suất ngân hàng cho tín dụng địa ốc tăng lên
Chính sách cắt giảm thuế của Bộ trưởng Tài chính Anh, Kwasi Kwarteng tung ra tuần trước tưởng như chỉ tác động đến các vấn đề kinh tế nội địa, nhưng phản ứng của thị trường tiền tệ quốc tế, thị trường trái phiếu và phản ứng của các quốc gia khác khiến đồng bảng tụt dốc thảm hại.
Nói ngắn gọn thì các thị trường, kể cả thị trường châu Á sáng thứ Hai vừa qua, đã không tin tưởng vào kế hoạch chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng qua cách giảm thuế của ông Kwarteng, nhân vật chủ chốt trong tân chính phủ của nữ Thủ tướng Liz Truss.
Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, cựu Chủ tịch Đại học Harvard vừa lên tiếng phê phán kế hoạch ‘mini-budget’ (ngân sách sơ bộ) của tân chính phủ Anh là “thiếu trách nhiệm”.
Theo ông Summers, Anh Quốc có nguy cơ để thâm hụt ngân sách tăng lên như bong bóng, và đổ thêm dầu vào khủng hoảng đồng bảng.
Ông lo rằng “tiền Anh có nguy cơ rớt xuống dưới 1 đô la Mỹ và 1 euro vào cuối năm nay”.
Một mặt, giáo sư Summers cảnh báo về nguy cơ "lây lan" của hiện tượng mất giá đồng tiền Anh sang các nền kinh tế khác, mặt khác, ông tin rằng "thị trường sẽ không đầu hàng dễ dàng", theo CNBC.
Trước mắt, đồng bảng tạm thời “hồi sức” nhờ một số tác động nhất thời.
Đầu tiên, bảng xuống là vì giá đô la Mỹ lên cao kỷ lục trong chuỗi biến động cả ở thị trường tài chính Wall Street, chứ không hoàn toàn vì “lỗi của chính phủ Anh”.
Đồng đô la lên giá còn vì các nhà kinh doanh dầu khí chờ tin có hay không các biện pháp trừng phạt mới đánh vào kinh tế Nga, theo bản tin kinh tế của Reuters hôm 26/07.
Một phát biểu của Ngân hàng Trung ương Anh cũng vào tối hôm qua 26/09 nói họ sẽ có biện pháp thích ứng, tăng lãi suất “tới mức cao như cần thiết để chống lạm phát” phần nào trấn an được thị trường.
Việc bán đồng bảng xảy ra vì sự thiếu vắng niềm tin vào nền minh tế Anh.
Nhưng cũng có chuyện nhà đầu tư bán tháo trái phiếu của chính phủ Anh để bỏ tiền vào đồng bảng với hy vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ nâng tỷ giá.
Một số ngân hàng Anh đã tuyên bố rút lại hoặc không phát hành tiếp các gói tín dụng địa ốc (mortgage products) cho khách hàng mới, để chờ lãi suất gốc Ngân hàng Trung ương Anh Quốc công bố, dự kiến có thể đầu tháng 11, hoặc sớm hơn.
Một số nhà quan sát tin rằng lãi suất cơ bản vào mùa xuân năm 2023 ở Anh sẽ lên tới 5,8-6%.
Sang ngày 27/09, có tin Bộ trưởng Kwarteng sẽ họp khẩn với các giới chức ngân hàng để tìm cách đối phó với tình hình.
Ông Summers cho rằng chính phủ Anh phải đảo ngược một chính sách thì mới giành lại được niềm tin của thị trường.
Chi tiêu sinh hoạt sẽ khó hơn?
Nhìn chung, tình hình kinh tế Anh không tệ như các nước Nam Âu nhưng chỉ một vài động tác vội vã của tân chính phủ có thể khiến thị trường biến động mạnh, và hiệu ứng xã hội, kinh tế khó lường.
Đồng nội tế mất giá sẽ giúp cho xuất khẩu, nhưng Anh lại là nền kinh tế nhập nhiều hơn xuất.
Ví dụ, như BBC News liệt kê ra, đồng bảng sụt giá khiến tiền chi vào nhập khẩu khí đốt, dầu lửa, thực phẩm tăng lên, tác động trực tiếp đến giá sinh hoạt và năng lượng ở Anh vốn đang chịu sức ép vì khủng hoảng Nga-Ukraine.
Người Anh về hưu sống ở Pháp, Tây Ban Nha...cũng sẽ gặp khó khăn vì lương hưu của họ được trả bằng bảng sẽ mất giá khi đổi ra euro.
Với hàng chục triệu hộ gia đình tại Anh, các biện pháp chống lạm phát bằng tăng lãi suất sẽ lại gây ra những khó khăn mới.
Nếu lãi suất ngân hàng tăng như dự báo, một ước tính Pantheon Macroeconomics được BBC News trích dẫn nói tiền trả khi vay để mua nhà (tín dụng địa ốc) theo hợp đồng hai năm của một gia đình tại Anh - tính trung bình - có thể sẽ tăng từ 863 bảng lên 1.490 bảng/tháng vào năm sau.
Điều an ủi duy nhất là đồng nội tệ mất giá thì du lịch tại Anh có thể thu hút khách nước ngoài, từ Anh, châu Âu nhiều hơn.
Comments powered by CComment