Group News: Tin copy

Nếu quyết định cấm vận dầu Nga, Âu - Mỹ sẽ vật lộn để đổi nguồn cung, còn thế giới không có cách nào hạ nhiệt sớm giá dầu.

Khi giá dầu tăng lên mức chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008, ngành năng lượng bắt đầu đặt ra một câu hỏi chưa ai nghĩ tới: Thế giới sẽ ứng phó như thế nào nếu phải từ bỏ dầu của Nga?

Cuối tuần qua, giá dầu có lúc lên gần 140 USD mỗi thùng khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phản ứng của phương Tây tiếp tục đe dọa đến nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho kinh tế toàn cầu. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh giá các nguyên liệu thô đã có chuỗi nhiều tuần leo thang, góp phần tăng áp lực lạm phát toàn cầu.

Giá dầu và hàng hóa hôm 7/3 tăng vọt sau tuyên bố cuối tuần của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận về một lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu của Nga. Nếu được áp đặt, quyết định này sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong phản ứng của phương Tây đối với xung đột tại Ukraine. Washington và các đồng minh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống tài chính và giới tinh hoa của Nga, nhưng đến nay vẫn hạn chế đụng đến mảng năng lượng vì sợ giá xăng dầu tăng.

Châu Âu cũng do dự, vì phụ thuộc vào dầu của Nga ở mức độ lớn hơn nhiều so với Mỹ. Giá dầu hôm qua hạ nhiệt phần nào sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nền kinh tế lớn nhất EU vẫn sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên, dầu và than từ Nga.

Một nhà máy lọc dầu ở Belarus. Ảnh: Reuters

Có hai vấn đề cơ bản được đặt ra với kịch bản thiếu dầu Nga, là nguồn cung mới và giá cả. Về nguồn cung, Wall Street Journal cho hay các hãng buôn dầu đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự gián đoạn này.

Trước khủng hoảng Ukraine, xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đáp ứng khoảng 7,5% nhu cầu thế giới. Năm ngoái, khoảng 8% kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Mỹ đến từ Nga trong năm ngoái. Nếu lệnh cấm được áp dụng, các nhà máy lọc dầu nước này sẽ phải tìm nguồn cung thay thế.

Thách thức ở châu Âu và Mỹ có thể được giải quyết bằng cách cải tổ dòng chảy dầu trên khắp thế giới. Châu Âu sẽ mua nhiều dầu thô hơn từ Biển Bắc, Tây Phi và Trung Đông bù vào. Tuy nhiên, Amrita Sen, Chuyên gia tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, thị trường dầu mỏ dịch chuyển khá chậm, nên việc chuyển nguồn cung từ nơi này sang nơi khác cũng không hề đơn giản.

Nguồn cung dầu vốn khan hiếm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, do sản lượng đã bị cắt xuống rất thấp vì đại dịch. Tháng 12/2021, các kho dự trữ dầu thương mại trong OECD chỉ ở mức 2,68 tỷ thùng, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Đây là mức thấp nhất trong bảy năm.

Mỹ và các đồng minh đang giải phóng dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược để điều chỉnh giá. Họ cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế của Nga từ chính những nước bị cấm vận trước đây. Chính quyền Biden đang tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đã khép lại với một thỏa thuận rằng nước này có thể khai thác dầu để xuất khẩu.

Khoảng 800.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày vẫn đang chảy đến châu Âu thông qua đường ống Druzhba. Đường ống từ thời Liên Xô này vận chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Czech. Các nhà phân tích cho biết những quốc gia này sẽ gặp khó khăn lớn nhất nếu có lệnh cấm.

Các nhà máy lọc dầu Trung Âu ở phía nam của đường ống Druzhba có thể nhập khẩu dầu từ đường ống Adria. Đường ống này bắt đầu từ bờ biển Croatia và đã được cải tạo trong những năm gần đây để tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.

Đặc tính dầu Ural của Nga là nặng vừa phải và có lưu huỳnh. Điều này đồng nghĩa nó có thể được thay thế bằng các loại dầu như Arab Medium của Saudi Arabia và hầu hết các loại dầu thô được sản xuất ở Iraq.

Còn về giá, ngay cả khi một lệnh cấm chỉ mới là thảo thuận thì giá dầu đã rất cao và ít khả năng giảm trong ngắn hạn. Giá dầu Brent có lúc chạm mức 139,13 USD mỗi thùng trong phiên 7/3 - cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, dầu WTI cũng tăng 3,2%, ở mức 119,40 USD mỗi thùng.

"Sự biến động của giá cả cùng với cung và cầu, là điều mà chúng ta sẽ phải sống chung một thời gian ngắn ", John Kerry - Cố vấn khí hậu của Tổng thống Mỹ phát biểu trong một sự kiện về năng lượng hôm 7/3. CEO của Exxon Mobil, Hess và TotalEnergies cũng thừa nhận không có cách hạ nhiệt ngay lập tức giá dầu.

CEO Exxon Darren Woods cho biết các cú sốc thị trường phản ánh tính liên kết của hệ thống năng lượng toàn cầu. Vì vậy, việc loại bỏ bất kỳ nguồn cung cấp nào cũng tạo tác động trên toàn thế giới. "Thị trường năng lượng toàn cầu đã rung chuyển và mọi người ở khắp nơi đang lo lắng về sự sẵn có và khả năng chịu đựng của ngành năng lượng", ông nói.

Ông John Hess, CEO Hess cho rằng Mỹvà các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác cần nhanh chóng giải phóng kho dự trữ khẩn cấp. Tuần trước, Mỹ và các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) quyết định sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược. Theo ông, kế hoạch này là không đủ.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thì không muốn can thiệp vào nguồn cung và giá cả có nguồn gốc biến động từ xung đột địa chính trị. Hôm 2/3, OPEC + thống nhất kế hoạch tăng sản lượng từng bước, bỏ qua các yêu cầu tăng sản lượng nhanh chóng để hạ giá của Mỹ. Trong sự kiện hôm 7/3, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết liên minh này thường đứng ngoài địa chính trị và không để xung đột ảnh hưởng đến các quyết định.

Ông nhắc đến cuộc chiến Iraq-Iran những năm 1980, khi đại biểu của hai nước OPEC này vẫn ngồi cạnh nhau để thảo luận về điều phối thị trường dầu tại OPEC. "Hai quốc gia đó đã ngồi xuống, và chúng tôi cùng đưa ra quyết định, rồi họ quay trở lại chiến trường của mình", ông kể.

Các nhà phân tích cho rằng lập trường OPEC có thể thay đổi nếu Saudi Arabia và UAE - những quốc gia có khả năng bơm thêm dầu - lo ngại giá dầu 130 USD mỗi thùng sẽ làm giảm nhu cầu.

Bất chấp những thách thức này, cuộc thảo luận công khai về lệnh cấm dầu Nga đang báo hiệu sự sẵn sàng của các nhà hoạch định chính sách Washington trong việc chấp nhận để chi phí năng lượng tăng cao. "Tính toán chính trị ở đây là bất kỳ tổn thất nào cũng là tốt hơn đưa tiền cho Moskva", Paul Horsnell - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Standard Chartered bình luận.

Và nếu thật sự bị cấm vận, dầu Nga cũng khó tìm khách hàng thay thế Âu - Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẵn sàng mua dầu Nga với giá hời, nhưng cũng chỉ giới hạn về lượng. Các chuyến hàng từ các cảng của Nga đến Ấn Độ rất khó khăn về mặt logistics và một số nhà máy ở khu vực này cũng không đủ khả năng để lọc được dầu Ural.

Trung Quốc thì chưa bao giờ nhập khẩu quá 500.000 thùng Ural mỗi ngày. Nếu mua của Nga tất cả lượng dầu xuất sang châu Âu, họ sẽ phải nhập thêm 2,7 triệu thùng mỗi ngày. Điều này rất phi thực tế.

Một vài nhà máy lọc dầu của Nga đã đóng cửa những ngày gần đây do đầy kho chứa. Dầu thô Sokol của Nga được chào bán với mức chiết khấu tới 14 USD mỗi thùng so với dầu Brent hôm 7/3, cho thấy sự khó khăn trong việc tìm người mua.

Theo VietNamNet


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.