Group News: Tin copy

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu có khả năng Việt Nam sẽ mở rộng điều tra một số cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, sau khi công an Việt Nam bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, hình tư liệu

Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, hình tư liệu

Thứ trưởng Tô Anh Dũng là quan chức cao nhất của Bộ Ngoại giao bị bắt tạm giam cho tới hôm 27/9, và bị Đảng Cộng sản phê phán là một trong những người đã "làm sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch Covid-19 bùng phát".

Ngày 27/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam thông báo đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, để điều tra tội Nhận hối lộ.

Hiện chưa có thông báo gì từ nhà chức trách Việt Nam về khả năng "mở rộng điều tra" ra các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Các Đại sứ quán Việt Nam thuộc vào những đầu mối chính tập hợp danh sách người có nhu cầu về nước trong các 'chuyến bay giải cứu' vừa qua.

Ngày 26/7, bình luận về vụ án này với BBC News Tiếng Việt, từ Hà Nội, tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng: "Đây chỉ mới điều tra những người đang ở Việt Nam, còn số cán bộ, nhà ngoại giao Việt Nam đang ở nước ngoài mà dính dáng vụ này thì chưa bị sờ đến."

"Vụ việc xảy ra ở hàng chục nước, vậy các nhân viên của đại sứ quán cũng khó tránh việc liên quan," ông Hợp nói thêm. 

Vai trò điều tra của Bộ Công an

Còn luật sư Phùng Thanh Sơn - Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp - ngày 26/9, nhận định với BBC rằng Bộ Công an có thẩm quyền điều tra vai trò của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'.

"Theo Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài thì Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận."

"Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia nơi đặt trụ sở của cơ quan đại diện. Thành viên cơ quan đại diện ở nước ngoài bắt buộc phải là công dân Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam."

"Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 quy định: 'Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này'."

"Do đó, nếu các cơ quan này có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì các cơ quan tố tụng của Việt Nam có quyền điều tra, truy tố trách nhiệm của những người có liên quan làm việc ở các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài," theo luật sư Phùng Thanh Sơn.

Trong trường hợp những đối tượng bị điều tra, truy tố trốn ở nước ngoài thì Bộ Công an Việt Nam có thể yêu cầu nước sở tại dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (Điều 491 Bộ luật tố tụng hình sự của VN), luật sư Phùng Thanh Sơn cho biết thêm.

Cục Lãnh sự
Dư luận quan tâm liệu 'vụ án Cục Lãnh sự' sẽ còn tiếp tục điều tra đến đâu

Nghi ngờ tiêu cực

Tháng 2/2022, trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Hoàng Hùng, một trong những quản trị viên của trang 'Tôi và Sứ quán', trang web thường ghi nhận các phản ánh về khúc mắc, tiêu cực liên quan đến hoạt động lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho biết:

"Các chuyến bay hồi hương có mục đích là giúp đỡ những người Việt đang bị khó khăn ở nước ngoài trở về nước."

Những người Việt Nam tại nước ngoài có nhu cầu về nước, viết đơn đăng ký lên cơ quan đại diện Việt Nam, sau đó họ sẽ xét duyệt theo các mức ưu tiên. Khi được phía cơ quan đại diện chấp nhận, họ sẽ gửi email và chỉ định ra một phòng vé máy bay để trả tiền."

"Thế nhưng phần lớn là không nhận được trả lời của cơ quan đại diện Việt Nam cho phép về nước."

"Những người có nhu cầu về nước phải thông qua các phòng vé, để mua vé về Việt Nam với giá rất cao. Thông thường là khoảng 4.000 đô la Mỹ và có giai đoạn là 8.000 đô la Mỹ cho chuyến bay một chiều từ Czech về Việt Nam. Phía các phòng vé sẽ lo mọi khoản giấy tờ, kể cả việc lo chạy giấy trên các cơ quan đại diện Việt Nam. Còn cụ thể họ chia chác tiền như thế nào thì tôi không biết cụ thể."

Thông thường, đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y Tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé.

Ngày 4/6/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an nói: "Để chứng minh cho trục lợi chính sách, theo các cán bộ điều tra, mỗi chuyến bay combo, khi trừ chi phí ra có những chuyến có thể lợi nhuận 2 tỷ đồng/chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay.”

Diễn biến mới nhất

Ngày 27/9, Ban Bí thư ra quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh do liên quan bê bối vụ 'chuyến bay giải cứu'.

Sau khi Ban Bí thư công bố kỷ luật, Bộ Công an cùng ngày 27/9 cho biết đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Quang Linh theo điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ông Dũng và Linh bị nghi ngờ liên đới việc chỉ đạo, tham mưu, đề xuất tổ chức các chuyến bay và trình phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19.

Trước đó, ông Tô Anh Dũng đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc "Nhận hối lộ" vào ngày 14/4.

Đến nay đã có 19 người bị xử lý hình sự, gồm nhiều cán bộ, quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Các cán bộ Nhà nước này đều bị bắt với cáo buộc "Nhận hối lộ", riêng ông Bùi Huy Hoàng - cán bộ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bị điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bốn người bị khởi tố tội "Đưa hối lộ" đều là giám đốc các công ty, gồm: bà Nguyễn Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình; Nguyễn Thị Tường Vi - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam, Nguyễn Thị Dung Hạnh - 50 tuổi - Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19 và ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Giám đốc CTCP Du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hoàng Long Luxury.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.