Người lớn cần khoảng 7-9 giờ để ngủ vào ban đêm nhưng một số trường hợp bị rối loạn giấc ngủ, có thể nằm li bì trên giường hơn 10 tiếng.
Giấc ngủ sâu là điều cần thiết cho sức khỏe nhưng ngủ quá nhiều dẫn đến một số vấn đề như tiểu đường, bệnh tim và nguy cơ tử vong.
Tại sao mọi người ngủ quá nhiều?
Thời lượng ngủ cần thiết thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời của mỗi người. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động, sức khỏe tổng thể và thói quen sống.
Ví dụ, trong giai đoạn căng thẳng hoặc bệnh tật, bạn thường xuyên muốn ngủ. Mặc dù nhu cầu ngủ khác nhau theo thời gian và từng người, các chuyên gia thường khuyến cáo, người lớn nên ngủ 7-9 giờ mỗi đêm.
Ảnh minh họa: Medicalnewstoday
Nhiều người mắc chứng rối loạn giấc ngủ có các triệu chứng lo lắng, suy giảm sức khỏe và trí nhớ. Họ thấy buồn ngủ suốt cả ngày, tình trạng không đỡ nếu chỉ chợp mắt. Thời gian ngủ vào ban đêm của họ dài bất thường.
Tất nhiên, không phải ai ngủ nhiều cũng có vấn đề bất ổn. Nguyên nhân khác có thể gây ra ngủ nhiều bao gồm uống rượu hoặc thuốc. Các tình trạng sức khỏe khác như trầm cảm cũng khiến mọi người ngủ nhiều hơn.
Các vấn đề sức khỏe liên quan tới ngủ nhiều
Bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu chỉ ra ngủ quá lâu hoặc không đủ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Béo phì: Ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể khiến bạn tăng cân. Một nghiên cứu gần đây ghi nhận những người ngủ 9-10 tiếng mỗi đêm có khả năng bị béo phì cao hơn 21% so với những người ngủ 7-8 tiếng.
Nhức đầu: Đối với một số người, ngủ lâu hơn bình thường vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ sẽ gây đau đầu. Các nhà nghiên cứu đánh giá điều này xảy ra do ảnh hưởng của việc ngủ nhiều đối với một số chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm serotonin. Những người ngủ quá nhiều vào ban ngày dẫn tới mất ngủ vào ban đêm hay thấy mình bị đau đầu vào buổi sáng.
Trầm cảm: Mặc dù mất ngủ thường liên quan đến trầm cảm hơn là ngủ nhiều, nhưng khoảng 15% những người bị trầm cảm ngủ quá nhiều. Điều này dễ làm cho bệnh của họ trở nên tồi tệ hơn bởi thói quen ngủ điều độ rất quan trọng đối với quá trình phục hồi sức khỏe tinh thần.
Bệnh tim: Một khảo sát trên 72.000 phụ nữ ghi nhận những người ngủ 9-11 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 38% so với những người ngủ 8 giờ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được lý do cho mối liên hệ này.
Tử vong: Nhiều thống kê cho thấy những người ngủ từ 9 giờ trở lên mỗi đêm có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với những người ngủ từ 7 đến 8 giờ. Các nhà khoa học phát hiện trầm cảm và tình trạng kinh tế xã hội thấp cũng liên quan đến giấc ngủ dài hơn. Họ suy đoán những yếu tố này có thể tác động đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở người ngủ quá nhiều.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment