Group News: Tin copy

Khi bà Melissa Heightman thành lập phòng khám đầu tiên dành cho bệnh nhân hậu Covid-19 ở Bệnh viện thuộc Đại học University College London (UCLH) vào tháng 5/2020, bà nghĩ phần lớn thời gian sẽ dành để giúp bệnh nhân hồi phục sau khi phải sử dụng máy thở nhiều tuần. 

Với đa số bệnh nhân, bà hy vọng quá trình hồi phục sẽ nhanh chóng.

"Đầu thời gian dịch bệnh, chúng tôi không biết hệ quả kéo dài do Covid-19 gây ra sẽ là gì," Heightman, chuyên gia cố vấn về bệnh đường hô hấp, nói. "Chúng tôi nghĩ nó cũng giống bệnh cúm, bệnh sẽ khỏi hẳn, và ổn thôi."

Bà cũng không ngờ rằng sau một năm, một phần ba số bệnh nhân trong phòng khám vẫn không khỏe lên, và đa phần trong số họ không thể làm việc. Hơn một nửa số người đó chưa từng phải nhập viện do Covid-19.

Gần như ngay sau khi phòng khám mở cửa, bà Heightman bắt đầu nhận được điện thoại từ các trung tâm y tế gia đình gần đó, nơi rơi vào tình trạng hoang mang do bất thình lình phải đối mặt làn sóng bệnh nhân tăng mạnh - đa số còn khá trẻ và không có bệnh nền gì, nay có triệu chứng mãn tính.

Câu chuyện của họ có chung một mẫu số: ban đầu họ chỉ có triệu chứng nhiễm Covid khá nhẹ, nhưng sau đó hàng loạt những triệu chứng bệnh khác bắt đầu xuất hiện.

Thay vì dần giảm bớt, các triệu chứng này tiếp tục hành hạ bệnh nhân nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, khi mà virus corona lẽ ra đã không còn trong cơ thể.

Đó là vấn đề đau đầu mà giới y khoa không ngờ tới. "Những bệnh nhân này ban đầu bị bỏ quên," Heightman giải thích. "Đa số các bệnh viện khó có thể khám cho họ, vì bệnh viện không có quỹ để mở phòng khám dành riêng cho các bệnh nhân hậu Covid-19. Nhưng giờ đây đó là vấn đề chính mà phòng khám của chúng tôi tập trung vào."

Covid-19: Benh nhe van co the de di chung nang, keo dai

Dù Covid-19 ban đầu được coi là bệnh hô hấp, nhưng virus này có khả năng lây nhiễm đến rất nhiều cơ quan nội tạng khác trong cơ thể

Triệu chứng thông thường nhất, theo bà Heightman, khoảng 80% bệnh nhân tại phòng khám của bà gặp phải, đó là sự mệt mỏi đờ dẫn ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến họ thậm chí khó có thể hoàn thành những việc đơn giản nhất hàng ngày.

Nghiên cứu cho thấy triệu chứng mệt mỏi kéo dài có thể xảy ra với ít nhất 62% bệnh nhân mắc Covid-19. Những trường hợp bệnh như vậy được gọi là 'hậu Covid' hoặc triệu chứng cấp tính hậu Covid-19, là trạng thái bệnh sau khi bị nhiễm virus, và nó phổ biến hơn so với những gì chúng ta tưởng.

Giới khoa học cho rằng cứ khoảng 10 bệnh nhân Covid-19 thì sẽ có một người tiếp tục phải chịu triệu chứng 12 tuần sau đó.

Bệnh nhân 'hậu Covid'

Nhưng để hiểu đầy đủ tình trạng mơ hồ và phức tạp này, ta cần phải xem xét tình trạng yếu mệt hậu Covid xảy ra ở hai nhóm bệnh nhân rất khác nhau, gồm những người phải nhập viện do Covid-19 và những người không phải nhập viện. Mỗi nhóm có những nguyên nhân gây triệu chứng hoàn toàn khác nhau.

Với nhóm đầu tiên, tình trạng của họ đã quá rõ với các bác sĩ điều trị. Cơ bản là phổi và tim của họ bị tổn hại, hoặc là vì tình trạng lây nhiễm virus cấp tính, hoặc vì hậu quả gây ra bởi bão cytokine, một loại phản ứng viêm nghiêm trọng khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân tự tấn công nội tạng.

Kỹ thuật chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ (MRI) nhanh chóng cho thấy mức độ bị tổn thương, và các loại thuốc như colchicine có thể được dùng để làm giảm tình trạng viêm còn lại trong các cơ quan nội tạng bị tổn thương đó.

Bà Heightman cho biết trong số các bệnh nhân Covid-19 từng phải nhập viện và sau đó bị chứng hậu Covid, hai phần ba bệnh nhân tại UCLH giờ đây đang hồi phục tốt, một phần ba còn lại cũng có cải thiện, nếu xem xét các phim chụp sau sáu tháng.

"Chúng tôi kỳ vọng đa số bệnh nhân sẽ tiến triển đến mức họ sẽ không bị những tổn thương này gây trở ngại, khó khăn cho cuộc sống bình thường," bà nói. "Chúng tôi hy vọng sẽ chỉ có chưa đến 10% số bệnh nhân từng phải nằm phòng cấp cứu một thời gian dài bị những bất thường mãn tính sau này với tim hay phổi."

Nhưng những bệnh nhân không nhập viện với triệu chứng kéo dài lại khó hiểu hơn cả.

Theo bà Heightman, độ tuổi của họ thường là 35 đến 49, và họ có hàng loạt các triệu chứng bí ẩn.

Một số khảo sát với bệnh nhân cho thấy có đến 98 triệu chứng khác nhau, trong khi đó một nghiên cứu quốc tế công bố tháng 7/2021 cho thấy 200 triệu chứng xuất hiện ở 10 hệ cơ quan nội tạng, trong đó có hệ tim mạch, hệ thần kinh, não và hệ hô hấp.

Phổ biến nhất là tình trạng mỏi mệt, sương mù não (tình trạng rối loạn chức năng nhận thức, gây mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn), đau cơ khớp, mất ngủ, đau nửa đầu, đau ngực, ngứa da, thay đổi cảm nhận về mùi vị, rối loạn hệ thần kinh thực vật (tình trạng hiếm gặp, gây hiện tượng nhịp tim tăng bất thường đến khó chịu khi họ vận động cơ thể).

Heightman cho biết trong số các bệnh nhân Covid-19 không phải nhập viện, 50% người mắc chứng hậu Covid ở UCLH đã có tiến triển trong một năm qua ở mức độ nay họ có thể kiểm soát các triệu chứng, nhưng 50% còn lại vẫn chưa khỏe lại.

Hầu hết thông tin ta biết về tiên lượng bệnh lâu dài và các triệu chứng mà nhóm bệnh nhân này gặp phải được thu thập từ một số những phòng khám chuyên môn như trung tâm của bà Heightman từ nhiều nơi trên thế giới, cùng với nỗ lực trong cộng đồng bệnh nhân hậu Covid trên mạng, như Nhóm các bệnh nhân hợp tác nghiên cứu (PLRC).

Một nửa số bệnh nhân của bà Heightman phục hồi tốt, số còn lại không may mắn như vậy.

Một khảo sát gần đây từ PLRC cho ta thấy tình hình xấu hơn. Trong số 3.762 bệnh nhân hậu Covid, 77% vẫn bị mệt mỏi sau sáu tháng, 72% bị mệt mỏi sau khi vận động cơ thể, 55% bị rối loạn chức năng nhận thức, và có 36% bệnh nhân nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

"Chu kỳ kinh nguyệt của tôi ngừng trong ba tháng," Hannah Wei, một thành viên chủ chốt trong nhóm PLRC cho biết, cô cũng bị hậu Covid suốt năm qua.

Ba làn sóng mệt mỏi

Khảo sát cho thấy ở nhiều bệnh nhân hậu Covid, những người trước đây không phải nhập viện để điều trị Covid, các triệu chứng xuất hiện và biến mất trong ba làn sóng riêng biệt.

Mô thức này bắt đầu với những cơn ho khan và sốt, sau đó nhanh chóng chuyển qua làn sóng thứ hai với triệu chứng mới như rối loạn hệ thần kinh thực vật, và sau đó các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng nhất sau hai tháng và rồi giảm dần.

Một tháng sau khi bị nhiễm, làn sóng triệu chứng thứ ba xuất hiện, với tình trạng ngứa da, đau cơ, các loại dị ứng mới, và đờ đẫn.

"Đây là tình trạng đáng quan ngại nhất, vì làn sóng triệu chứng này chỉ tiếp tục tồi tệ thêm, đạt đỉnh sau khoảng 4 tháng, và sau đó cứ thế tiếp tục," Wei nói.

Covid-19: Benh nhe van co the de di chung nang, keo dai

Nhiều bệnh nhân hậu Covid kéo dài nói họ thấy các triệu chứng xuất hiện rồi biến mất theo từng đợt

Nhưng tại sao Covid-19 tác động như vậy đến bệnh nhân, và bằng cách nào mà một số bệnh nhân bị nhiễm một năm về trước vẫn chưa thể hồi phục?

Một trong những thách thức lớn với bác sĩ trong việc điều trị hậu Covid, đó là có vẻ như có nhiều lý do gây kích thích hoặc nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng bệnh, tùy theo bệnh nhân.

Các đại dịch gần đây đã đem lại một trong những mamh mối quan trọng về việc điều gì có thể là nguyên nhân tiềm ẩn.

Sars-CoV-2, loại virus gây Covid-19, thì không phải là thứ virus quá đặc biệt. Một số nhà nghiên cứu tin rằng hầu hết các đợt bùng phát dịch bệnh lây nhiễm đều khiến cho một số bệnh nhân bị yếu mệt mãn tính, không thể phục hồi trở lại hoàn toàn như trước, và họ có những triệu chứng tương tự như hậu Covid.

Tình trạng này được gọi là "di chứng kéo dài" của dịch bệnh.

Thông qua nghiên cứu những bệnh nhân sống sót từ đợt bùng phát dịch Sars trong những năm 2000 và dịch bệnh Ebola ở Tây Phi trong thập niên vừa rồi, một nhóm nhà khoa học nghĩ họ biết vì sao có tình trạng này.

Di chứng kéo dài

Năm 2004, Harvey Moldofsky, nhà khoa học thần kinh từ Đại học Toronto, nhận được cuộc gọi từ một người bạn cũ.

Một năm trước, dịch Sars đã xảy ra trong thời gian ngắn ở Châu Á đến Canada, khiến 251 người nhiễm bệnh, chủ yếu là nhân viên y tế làm việc ở Toronto. Nhưng hơn 12 tháng sau đó, 50 người trong số họ vẫn ốm mệt, và John Patcai, làm tư vấn ở Bệnh viện Đa khoa Toronto muốn tìm hiểu và giải thích vì sao.

"Đó là điều bí ẩn vì thậm chí không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng viêm phổi vẫn còn, hay là còn virus Sars trong cơ thể, nhưng họ vẫn bị triệu chứng này," Moldofsky cho biết. "Họ thấy yếu người, cực kỳ mệt mỏi, bị đau khắp mình mẩy, và họ hoàn toàn không thể làm việc. Chúng tôi gọi đó là triệu chứng hậu Sars, và vì tôi có quá trình lâu dài nghiên cứu tình trạng mệt mỏi, John nhờ tôi xem thử tình trạng ở những người này."

Moldofsky nhanh chóng xác nhận những người bị tình trạng như trên ngủ rất kém. Ông ngờ rằng cùng với những triệu chứng khác, việc này cho thấy dấu hiệu của tình trạng viêm lan rộng trong não, nhưng lúc đó không có chi phí để nghiên cứu sâu hơn.

'Dấu vết gene virus sót lại trong cơ thể bệnh nhân'

Nhưng sau đó đã có một bước đột phá xảy ra.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc cho biết họ phát hiện những mảnh chất liệu gene virus Sars tồn tại trong các tế bào não khác nhau của bệnh nhân bị chứng hậu bệnh Sars.

Với Moldofsky, phát hiện này giải thích phần lớn tình trạng ốm yếu của họ. "Chúng tôi biết có kết nối trực tiếp từ mũi lên não, gọi là dây thần kinh khứu giác, và đây có lẽ là cách virus trực tiếp đi lên vòng tuần hoàn não," ông giải thích. "Tôi tin rằng những mảnh virus này can thiệp vào quy trình não vận hành, và giải thích tình trạng chất lượng giấc ngủ kém và nhiều vấn đề khác."

Amy Proal, nhà nghiên cứu vi sinh ở Tổ chức Nghiên cứu PolyBio chuyên nghiên cứu nguyên nhân các bệnh viêm mãn tính, tin rằng có một lượng nhỏ mầm bệnh còn sót lại mà hệ miễn dịch không thể chạm tới.

Chúng nằm ở những khu vực hốc ngách xa trong cơ thể, còn gọi là nơi khu trú hoặc khu vực bảo tồn giải phẫu học, và ít nhất đó cũng là một phần nguyên nhân gây ra hàng loạt triệu chứng hậu nhiễm bệnh.

Tình trạng này bao gồm cả hậu Covid kéo dài, nhưng một số những căn bệnh bí ẩn khiến nhà khoa học khó hiểu trong nhiều thập niên, ví dụ như bệnh Lyme mãn tính, và bệnh ME/CFS (Viêm cơ não myalgic / Hội chứng mệt mỏi mãn tính), một tình trạng từ lâu đã biết nguồn lây dù một số nhà khoa học cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác, có một số điểm tương tự với hậu Covid kéo dài.

"Việc một số người gặp các triệu chứng bệnh mãn tính sau khi dịch bệnh bùng phát không phải điều gì mới," bà giải thích.

"Nếu virus Sars-CoV-2 không gây ra tình trạng này, thì có lẽ là đó là mầm bệnh duy nhất kể từ khi các trận dịch bệnh được ghi chép lại đầy đủ không gây tình trạng mãn tính. Có rất nhiều nghiên cứu không được cộng đồng y khoa chú ý, cho thấy những cơ quan nội tạng bị nhiễm bệnh vẫn còn mầm bệnh trong nội tạng, và tiếp tục gây ra tiến triển bệnh. Một số virus cực kỳ hướng thần kinh, nghĩa là chúng có thể chui sâu vào các dây thần kinh, khu trú ở đó, và có bằng chứng cho thấy Sars-CoV-2 có khả năng này."

Proal cho biết trong quá khứ, nhiều bác sĩ đã nhanh chóng quy các triệu chứng hậu nhiễm bệnh vào nhóm yếu tố tâm lý, thay vì cho rằng các triệu chứng ngầm do mầm bệnh gây ra vẫn có thể gây hại đến phần nào đó trong cơ thể.

Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, sau các đợt bùng phát dịch Ebola, Zika và nay là Covid-19 đã gây ra hậu quả bệnh mãn tính kéo dài với nhiều bệnh nhân, dẫn việc ngày càng cởi mở hơn khi tìm hiểu vấn đề này.

Covid-19: Benh nhe van co the de di chung nang, keo dai

Dịch Ebola bùng phát ở Guinea, Tây Phi, xuất phát từ một người nhiễm virus trong đợt bùng phát 5 năm trước đó

Cụ thể hơn, bệnh Ebola đã giúp các nhà khoa học hiểu thêm rất nhiều về khả năng tồn tại kéo dài của virus trong cơ thể, trong nhiều tháng hoặc có khi nhiều năm.

Từ năm 2013, Georgios Pollakis, nhà nghiên cứu vi sinh từ Đại học Liverpoopl, đã làm việc với nhiều bệnh viện khắp Tây Phi, theo dõi các ca bệnh Ebola kéo dài, bệnh nhân bị đau, mệt và hàng loạt các triệu chứng thần kinh khác như nhức đầu, chóng mặt.

Bất ngờ trước nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân Ebola có lượng kháng thể tăng cao trở lại trong thời gian một năm sau khi nhiễm bệnh, Pollakis và nhiều người khác đã phát hiện vật liệu gene của virus trong các vị trí ẩn trong cơ thể, từ mắt đến hạch bạch huyết, và thậm chí trong chất dịch cơ thể như sữa mẹ và tinh dịch.

Dù trước đây các nhà khoa học cho rằng dấu vết của virus như trên có thể nhẹ thôi, nhưng hậu Ebola cho thấy virus vẫn có thể hoạt động trong những khu vực ẩn chứa trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Đầu năm nay, một phân tích về gene mới được xuất bản dưới dạng bản in trước, cho thấy đợt bùng phát bệnh ở Guinea thậm chí khởi nguồn từ một bệnh nhân Ebola đã từng nhiễm bệnh trong khoảng 2014-2016. Người này lây bệnh cho bạn tình sau khi virus ngủ đông trong những xét nghiệm được thực hiện ít nhất là trong 5 năm.

Pollakis tin rằng triệu chứng của cả hậu Ebola và hậu Covid xảy ra vì cơ thể không hoàn toàn tẩy sạch được virus. Thay vào đó, các chất liệu gene còn sót lại của virus vẫn ẩn ở nơi khu trú, có thể gây viêm nhiễm nội tại ở khu vực đó. Qua thời gian virus trở lại mạch máu, kích thích phản ứng miễn dịch cùng với nhiều triệu chứng khác.

Ông chỉ ra rằng Sars-CoV-2 cho thấy có khả năng lây nhiễm đến hàng loạt các cơ quan trong cơ thể, từ não đến tinh hoàn.

"Với Covid-19, người ta có thể tìm thấy virus trong tinh dịch sau thời gian dài," ông giải thích. "Vì vậy chúng tôi nghi ngờ, nó có thể nằm trong những khu vực ưu tiên miễn dịch này."

'Virus có thể kích hoạt hệ miễn dịch tấn công nội tạng cơ thể bệnh nhân'

Nhưng những mảnh vật liệu tinh ranh của Sars-CoV-2 có vẻ như không phải nguyên nhân duy nhất gây tình trạng hậu Covid.

Sự xuất hiện bất thần của các dị ứng mới mà bệnh nhân trước đây không có, cũng như tình trạng đau cơ khớp nhiều người gặp phải cho thấy virus có thể kích thích phản ứng tự miễn dịch trong một số ca bệnh.

"Chúng tôi nghĩ rằng ở một số bệnh nhân, có điều gì đó về Covid kích hoạt hệ miễn dịch tấn công chính nội tạng cơ thể, tương tự như những bệnh tự miễn dịch như bệnh lupus, viêm thấp khớp, và nhiều dạng xơ cứng khác," bà Heightman nói.

Điều này có thể giúp giải thích số lượng phụ nữ bị hậu Covid khá nhiều. Heightman cho biết 66% bệnh nhân của phòng khám UCLH là phụ nữ, và tình trạng chênh lệch về giới như vậy cũng xảy ra với ME/CFS.

Phụ nữ cũng dễ bị các bệnh tự miễn dịch hơn. Nhóm PRLC hiện đang làm việc với nhiều nhóm nghiên cứu để xác định những bệnh nhân hậu Covid có kháng thể tự miễn dịch - là loại kháng thể tấn công chính protein trong cơ thể - có thể đây là nguyên nhân của một số triệu chứng.

Phản ứng tự miễn dịch trong thời gian mới nhiễm virus có thể có liên hệ với một thuyết khá thịnh hành khác, giải thích một số những triệu chứng hậu Covid còn kỳ quặc hơn, như tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật hoặc máu đông.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Covid-19 là bệnh nội mô, nghĩa là tình trạng viêm xảy ra để chống lại virus cuối cùng lại gây tổn hại đến nội mô mạch máu, một lớp màng mỏng giữa máu và cơ quan nội tạng.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen cho rằng ở một số bệnh nhân Covid, cơ thể có thể tấn công chính cấu trúc mạch máu bên trong.

Covid-19 đánh thức virus bất hoạt trong cơ thể

Nhưng ở một nhóm nhỏ bệnh nhân khác, hiện tượng lạ lùng hơn có thể xảy ra.

Một số nghiên cứu cho thấy virus herpes zoter được kích hoạt lại - đây là virus nổi tiếng gây bệnh thủy đậu - cũng như virus Epstein-Barr, và virus cự bào cytomegalovirus - gây nhiễm trùng - với bệnh nhân bị Covid-19 cấp tính. Đây là các virus tồn tại trong cơ thể suốt đời ở tình trạng bất hoạt trong tế bào.

Một số nghiên cứu cho rằng Covid-19 có thể kích hoạt các virus đã ngủ đông trong cơ thể nhiều năm, thậm chí hàng thập niên, dẫn đến các triệu chứng bệnh mãn tính.

"Một trong số những thứ mà Sars-CoV-2 gây ra là, đó lànó làm mòn khả năng ra ra hiệu cho interferon, và các tế bào interferon là một phần của hệ miễn dịch kiểm soát virus," Proal cho biết.

"Vì vậy, nếu bạn đã có virus Epstein-Barr ngủ đông trong cơ thể, thì nó có thể được kích hoạt lại, gây nhiễm ở thần kinh hay cơ quan nội tạng mới. Có thể nó sẽ chui vào hệ thần kinh trung ương, kết quả là gây ra triệu chứng mãn tính."

Covid-19: Benh nhe van co the de di chung nang, keo dai

Các liệu pháp dựa trên tập thể dục trong một phòng khám ở Ba Lan được sử dụng để giúp bệnh nhân hồi phục hậu Covid

Nhưng sự phức tạp của hậu Covid, với nhiều triệu chứng và các khả năng gây ra tình trạng như trên, đã gây ra thách thức lớn với y bác sĩ khi họ cố gắng tìm cách điều trị cho bệnh nhân.

Trong khi các chính phủ cố gắng xoay sở nguồn quỹ để nghiên cứu sâu hơn căn bệnh này, thì vào tháng Hai, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức Khỏe và Cơ quan Nghiên cứu và Sáng tạo Anh Quốc đã trao cho các nhà khoa học ở Đại học Birmingham 2,2 triệu bảng Anh để nghiên cứu về hậu Covid - với các thử nghiệm lâm sàng tìm hiểu những cách chữa trị khác nhau cho tương lai.

Với bác sĩ và bệnh nhân thì sự trì hoãn này khó mà chấp nhận được. "Bạn cảm thấy chút tuyệt vọng vì với cả bác sĩ và bệnh nhân Covid, chúng tôi không có thời gian, chúng tôi cần câu trả lời ngay bây giờ," Heightman cho biết. "Có những bệnh nhân vẫn đang tuyệt vọng thử mọi cách chữa trĩ."

Ví dụ về các loại thuốc thay thế đang được thử nghiệm rộng rãi như quercetin - một loại màu thực vật tự nhiên có trong trà xanh, hành củ và nhiều loại quả mọng - đến chất niacin, một loại trong nhóm Vitamin B với tính năng chống oxy hóa.

Hiện vẫn chưa có nhiều căn cứ nền tảng cho những liệu pháp này, nhưng như Heightman chỉ ra, bệnh nhân tìm đến các chất này vì bác sĩ không có mấy lựa chọn nào khác.

Vì lý do đó mà một số chuyên gia cho rằng bệnh nhân nên được chữa trị dựa trên những gì ta đã biết từ những căn bệnh tương tự khác.

Con đường điều trị

Với hậu Covid, và những triệu chứng hậu nhiễm khác, thì mệt mỏi, đau và đờ đẫn là một số các triệu chứng dai dẳng và khổ sở nhất.

"Khi tôi thực sự khốn khổ với hậu Covid mùa hè năm ngoái, có những ngày tôi không biết mình đang làm gì nữa," Wei nhớ lại. "Tôi khổ sở tìm cách suy nghĩ thông suốt, và có một khoảng thời gian trong tháng Chín lúc tôi nhận ra mình không nhớ được gì nhiều thời gia trong hè. Với tôi tình trạng đó khá đáng sợ, vì thường thì tôi có trí nhớ rất tốt."

Kiểu mất trí nhớ và nhầm lẫn này thường thấy ở ME/CFS, và trong tám năng qua các nhà khoa học đã nghiên cứu căn bệnh đi tới kết luận là một trong số những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này là vì viêm thần kinh, do các tế bào miễn dịch trong não gọi là microglia gây ra.

Với người khỏe mạnh, vi tế bào đóng vai trò then chốt giúp tế bào thần kinh hoạt động bình thường, nhưng chúng rất dễ bị tổn thương.

Tình trạng viêm trong máu, dù là do phản ứng tự miễn dịch do nhiễm bệnh gây ra, hay là do virus vẫn còn quanh quẩn trong cơ thể, có thể làm các tế bào này được bơm ra khỏi các phân tử viêm nhiễm, sau đó nhanh chóng lan lên não.

Nghiên cứu dựa trên hình do các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiến hành cho thấy viêm thần kinh mãn tính ở hàng loạt bệnh nhân ME/CFS, tương tự như tình trạng gián đoạn vi tế bào, được cho là có xảy ra ở một số rối loạn tâm thần như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.

Do vậy, Valeria Mondelli, nhà nghiên cứu miễn dịch từ trường Kings College London, đang kêu gọi thử nghiệm các loại thuốc chống viêm cho bệnh nhân hậu Covid.

"Thậm chí thuốc chống viêm như minocyline, một loại kháng sinh có vẻ hiệu quả với bệnh nhân bị viêm nặng hơn trong máu - hoặc các chất ức chế cytokine, có thể cũng là lựa chọn chữa trị tiềm năng," bà nhận định.

David Kaufman, bác sĩ chuyên về ME/CFS đã điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân ở Mountain View, California trong tám năm qua, nhận thấy các bác sĩ điều trị hậu Covid nên tìm những bằng chứng về tình trạng rối loạn chức năng trong hệ vi sinh, vốn có thể khiến bệnh nhân dễ gặp phải các vấn đề lâu dài do Sars-CoV-2 gây ra.

Trong khi ME/CFS được coi là loại bệnh mà người bệnh khó có thể khỏi, Kaufman có tỷ lệ chữa trị thành công cao khác thường, tuyên bố khoảng 15-20% bệnh nhân của ông khỏi bệnh hoàn toàn, dù tuyên bố này chỉ có tính tham khảo.

Ông cho biết kết quả này một phần là vì ông kiên trì tìm và điều trị những triệu chứng như rò rỉ ruột làm tăng tính thẩm thấu ở niêm mạc ruột, đây là nguyên nhân khiến những người nhạy cảm về mặt di truyền dễ bị tình trạng tự miễn dịch xảy ra nhằm chống lại tác nhân từ bên ngoài, như nhiễm virus.

Đó là vì ruột cho phép chất độc và vi khuẩn đi vào máu, gây ra hàng loạt các vấn đề từ gây viêm mãn tính đến triệu chứng kích hoạt tế bào mast - là tình trạng bệnh thường xảy ra khi có phản ứng dị ứng. Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi bị nhiễm bệnh.

"80% bệnh nhân ME/CFS tôi xét nghiệm có một lượng nhỏ vi khuẩn trong ruột phát triển quá mức," Kaufman nói. "Vì ruột là cơ quan miễn dịch lớn, tình trạng này dẫn đến vấn đề tự miễn dịch."

Covid-19: Benh nhe van co the de di chung nang, keo dai

Hiện có ít nghiên cứu xem liệu vaccine chống Covid-19 có thể giúp giảm triệu chứng do hậu Covid gây ra hay không

Một số nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng sự mất cân bằng vi sinh ở bệnh nhân hậu Covid có thể dẫn đến triệu chứng viêm mãi không thuyên giảm.

Nhưng dù người ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đề nghị sử dụng các loại thuốc như prebiotics hay thuốc kháng viêm cho bệnh nhân hậu Covid như một phần trong khám điều trị lâm sàng, thì một số triệu chứng đơn lẻ có thể dễ điều trị hơn một số triệu chứng khác.

Heightman cho rằng bệnh nhân hậu Covid bị xuất hiện dị ứng phản hồi khá tốt với thuốc chống dị ứng anti-histamines, trong khi Amy Kontorovich, bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Mount Sinai chuyên về điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, đã phát triển chương trình vật lý trị liệu mới có tên gọi Liệu pháp Điều hòa Tự Động (ACT) cho thấy khả năng giảm triệu chứng mỏi mệt ở một số bệnh nhân hậu Covid, và từ đó đã được 53 trung tâm điều trị vật lý trị liệu ở New York ứng dụng.

Kontorovich giải thích rằng chương trình ACT bắt đầu với hàng loạt bài tập vận động, trước khi tiến đến những bài tập thể dục aerobic khác nhau giúp tăng dần cường độ, nhưng không bao giờ cho phép bệnh nhân vượt quá 85% nhịp tim tối đa của họ.

Cách này lấy cảm hứng từ một chương trình trị liệu tương tự, đã cho thấy hiệu quả khi điều trị một dạng rối loạn hệ thần kinh thực vật tên là POTS.

"Có vẻ như nó lên chương trình để tái cài đặt hệ thần kinh thực vật" bà giải thích. "Một trong những xu hướng thú vị tôi nhìn thấy ở rất nhiều bệnh nhân hậu Covid mà tôi điều trị, đó là trước đây họ rất tích cực hoạt động, và trong thời gian mắc bệnh cấp tính thì họ hoặc là chỉ nằm trên giường hoặc là vận động rất ít. Thời gian không vận động có thể là yếu tố góp phần gây ra mô thức rối loạn hệ thần kinh thực vật hậu Covid, vì chúng tôi biết điều đó có thể xảy với tình trạng giảm vận động."

ACT không phải thuốc chữa bách bệnh - Kontorovich chỉ ra một số bệnh nhân với triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật nghiêm trọng thường không thể hoàn thành phác đồ điều trị, vì họ cảm thấy quá mệt - nhưng kết quả ban đầu của bà cho thấy chương trình có thể có ích cho bệnh nhân nào có thể hoàn thành liệu trình.

Heightman cho biết thêm rất nhiều bệnh nhân hậu Covid đơn giản là sẽ khỏe hơn theo thời gian, khi cơ thể họ dần hồi phục và được chữa lành.

Vì virus SARS-CoV-2 chỉ mới hiện diện khoảng hơn một năm rưỡi, vẫn còn quá sớm để biết những triệu chứng mãn tính này sẽ kéo dài bao lâu. "Tôi không muốn ai bị di chứng hậu Covid cảm thấy hoảng sợ nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ hết, bởi vì phần đa nhiều người khỏe hơn trong năm đầu tiên," bà chia sẻ.

Tuy nhiên với những ai vẫn tiếp tục khổ sở vì bệnh, hy vọng rằng hàng triệu đô la đổ vào các quỹ nghiên cứu sẽ đem lại một số khả năng điều trị khả thi, nếu không hậu Covid sẽ để lại hệ quả kinh tế xã hội không thể nào bù đắp được.

"Nếu ta không tìm ra câu trả lời, thì điều đó có nghĩa là hàng triệu người sẽ không còn có thể làm việc như trước đây nữa," Kaufman cho biết.

Một phần rất lớn trong số bệnh nhân bị hậu Covid là nhân viên y tế. Đó là những người được đào tạo, năng nổ, làm việc hiệu quả và giờ đây không thể làm việc. Tác động căn bệnh gây ra sẽ rất lớn."

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.