Vậy người trẻ sống chung với bệnh tiểu đường cần đặc biệt lưu ý điều gì?
Khoảng vài năm trở lại đây, tiểu đường được xem là căn bệnh ngày càng trẻ hóa và tỷ lệ người mắc bệnh cũng tăng cao hơn. Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, nhiều người băn khoăn không biết nên ăn uống hay tập luyện như thế nào để hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.
Theo PGS.TS Vũ Bích Nga (Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp của Bệnh viện Đại học Y) cho biết: "Thực đơn của người trẻ mắc bệnh tiểu đường so với người già thực ra không có gì khác nhau lắm. Cái chính là chúng ta vẫn cần phải ăn đủ các thành phần gồm protit, lipid, glucid để cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thể. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung thêm các vitamin khoáng chất từ rau, hoa quả. Ngoài ra, cần phải tránh không để cơ thể bị thừa cân, béo phì".
Một số lưu ý khi ăn uống mà người mắc bệnh tiểu đường cần nhớ
Những loại thức ăn chứa đường là thứ mà người bệnh tiểu đường không nên ăn vì dễ làm tăng đường máu sau ăn. Lúc luyện tập, hoạt động thể lực cần ăn tăng nhiều để tránh gây hạ đường huyết. Hoặc nếu ăn như bình thường thì phải giảm bớt thuốc đi để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Đồng thời phải học cách sống chung với bệnh. Đặc biệt đối với người trẻ cần phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm túc, không nên chủ quan rồi ăn vài lần xả láng sẽ khiến biến chứng tiểu đường đến sớm ngay từ khi còn trẻ.
Bị tiểu đường có tập thể dục được không?
Tất cả các môn thể dục thể thao người bị tiểu đường đều có thể tham gia được. Đối với người già thì hạn chế hơn, nhất là người có biến chứng về tim mạch hay đục thủy tinh thể.
Đối với người trẻ, đa phần là những người chưa có bệnh lý gì, nếu yêu thích môn thể thao nào có thể tập môn thể thao đó. Tuy nhiên, trước khi tập không nên để bụng đói quá. Hãy để sẵn một chút đồ ăn trong túi áo như sữa có đường, bánh kẹo, hoa quả ngọt để ăn trước khi tập. Bạn có thể tập sau bữa ăn từ 1 - 2 tiếng chứ đừng tập sau 4 - 5 tiếng vì lúc đó thức ăn đã được tiêu hóa hết.
"Nếu có điều kiện tốt hơn, trước khi tập bạn nên thử đường máu. Trong trường hợp đường máu cao quá, trên 15 mmol/L thì không nên tập, hoặc đường máu thấp quá, khoảng dưới 7 mmol/L thì cũng không nên tập. Ngoài ra, với cường độ tập cũng không nên tập quá lâu, vài ba tiếng là không nên. Mỗi lần tập chỉ nên tập khoảng từ 30 - 45 phút với các bài tập như bơi, đánh cầu lông, đi bộ, nhảy dây…" - PGS.TS Vũ Bích Nga chia sẻ.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Comments powered by CComment