Đối với Virginia Mason Franciscan Health, một trung tâm y tế ở bang Washington của Hoa Kỳ, ngày 18/10/2021 là ngày đã được tính toán.
'Mẹ đẻ' vaccine AstraZeneca cảnh báo đại dịch tàn khốc hơn Covid-19
Dùng cánh tay giả để lừa nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19, người đàn ông nhận quả đắng
14 người nhiễm chủng Omicron ở Hà Lan đã tiêm vaccine
Mười tuần trước đó, trung tâm này tuyên bố tất cả nhân viên ở đây sẽ phải tiêm ngừa Covid-19 trước hạn chót là ngày đó để bảo vệ cả những người làm việc tại trung tâm và bệnh nhân của họ.
Đó là một yêu cầu có thể gây rủi ro, nếu xét đến sự thiếu hụt nhân viên y tế và sự chống đối vaccine đang làm rung chuyển những nơi khác trong ngành y tế Hoa Kỳ.
Nhưng khi ngày đó đến, 95% nhân viên đã đáp ứng yêu cầu - những người này hoặc là chích ngừa, hoặc là đã được cho phép miễn tiêm vì có lý do thích hợp. (Số 5% còn lại, trong đó có cả những người mới chích mũi một, hiện đang nghỉ phép).
Charleen Tachibana, nhà quản lý làm việc trọn đời tại Virginia Mason, tin rằng tỷ lệ tiêm chủng cao này một phần là do "chúng tôi có một lịch sử lâu dài về tiêm chủng bắt buộc... nó đã được gần như bình thường hóa".
Nhìn lại thời gian 2004, Virginia Mason lúc đó được cho là cơ sở y tế đầu tiên yêu cầu tất cả nhân viên phải được tiêm phòng cúm mỗi năm.
Ban lãnh đạo đã tổ chức thảo luận nhóm và các hoạt động khác, bao gồm đố vui và một bữa tiệc để khuyến khích thảo luận về yêu cầu này. Cách tiếp cận cà rốt và cây gậy kết hợp đã chứng tỏ là rất thành công, và tỷ lệ tiêm ngừa cúm của nhân viên ở Virginia Mason đã tăng từ 54% lên 98% trong hai năm.
Những bài học rút ra từ kinh nghiệm đó đã giúp ích cho việc triển khai yêu cầu bắt buộc chích ngừa virus corona. Một khía cạnh là đảm bảo nhân viên được chích càng thuận tiện càng tốt. Khía cạnh khác là tập trung nhiều vào việc trao đổi về yêu cầu mới, bao gồm các phiên cung cấp thông tin và tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ.
"Chúng tôi không coi nhẹ lệnh chích ngừa," Tachibana nói. "Khi có bằng chứng khoa học rõ ràng như vậy - khi vaccine đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả cao, hiệu quả cao - là chúng tôi tiến tới."
Như kinh nghiệm của Virginia Mason cho thấy, bắt buộc chích ngừa là một công cụ lợi hại để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng nó cũng có thể bị phản đối mạnh.
Theo một cách nào đó, thái độ đối với việc bắt buộc chích ngừa Covid-19 hiện nay phản ánh xu hướng ở các thế kỷ trước, khiến cho chúng ta cần phải hiểu những bài học lịch sử của tiêm chủng bắt buộc.
Tiền lệ tiêm vaccine bắt buộc
Vào Thế kỷ 17, các đại phu Trung Quốc phát hiện rằng khi một số chế phẩm bệnh đậu mùa được thổi vào mũi thì người hít có thể bị bệnh nhẹ hơn so với nhiễm bệnh tự nhiên, sau đó là miễn dịch.
Cuối cùng, kỹ thuật này lan sang châu Âu và châu Mỹ, nơi người ta thường bôi vật liệu lây nhiễm vào vết đâm trên da.
Khi nó lan rộng trên toàn cầu, cuối cùng một số lãnh đạo đã ra lệnh bắt buộc đối với hình thức tiêm chủng này. Ví dụ, trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ vào năm 1777, Tướng George Washington yêu cầu tất cả binh lính phải được tiêm chủng đậu mùa.
Việc tiêm như thế này đã nhường chỗ cho cách tiến hành chủng ngừa tinh vi hơn, khi bác sĩ người Anh Edward Jenner làm ra vaccine đậu mùa vào năm 1796, dựa trên virus đậu mùa ở bò vốn nhẹ hơn.
Việc tiêm chủng bắt buộc bắt đầu được áp dụng sau đó vài năm.
Vào năm 1806, Elisa Bonaparte, người cai trị các lãnh thổ Lucca và Piombino thuộc nước Ý ngày nay (và là em gái của Napoleon), bắt buộc trẻ sơ sinh và người lớn phải chích ngừa.
Một cột mốc quan trọng khác xảy ra vào năm 1853, khi Đạo luật tiêm chủng bắt buộc yêu cầu trẻ sơ sinh ở Anh và xứ Wales phải được tiêm phòng đậu mùa.
Mặc dù một số vaccine, như vaccine bại liệt, lúc đầu rất được công chúng tin tưởng, nhưng đã phát sinh một xu hướng đáng chú ý là công chúng quen với lệnh chích ngừa một loại vaccine nào đó theo thời gian, rồi sau đó một số người thấy sợ hãi trước một loại vaccine mới.
"Nước Mỹ đã có bắt buộc chích ngừa từ cuối thập niên 1970," Lee Hampton, bác sĩ nhi khoa và nhà dịch tễ học thuộc Gavi, tức Liên minh Vaccine cho biết.
Ý buộc trẻ em phải được tiêm ngừa một loạt các mầm bệnh, chẳng hạn như viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, sởi, quai bị, rubella và varicella.
Theo Hampton, "bản thân việc chích ngừa bắt buộc... không thực sự gây ra bất kỳ vấn đề gì. Điều gây ra những thay đổi theo thời gian trong những bối cảnh đó là khi nội dung chích ngừa thay đổi."
Ví dụ, xu hướng này đã có với các yêu cầu chích ngừa viêm gan B, bệnh than và tất nhiên giờ đây là Covid-19.Chích ngừa hiện nay là bắt buộc trong một số trường hợp để đi học (chẳng hạn ngừa viêm gan B ở Slovenia), để cấy ghép nội tạng (một số nơi ở Anh bắt buộc phải chích ngừa để được ghép thận) - và trong một trường hợp cực đoan ở Ý, để giành quyền nuôi con. Hình phạt cho việc không tuân thủ thường là biện pháp cải tạo hay phạt tiền.
Việc bắt buộc chích ngừa đặc biệt phổ biến ở các nước thu nhập cao, theo Hampton.
Cũng có xu hướng gắn kết lệnh chích ngừa với kiểu chính phủ, khi "chính quyền càng độc đoán, càng có nhiều khả năng họ bắt buộc tiêm chủng". Điều này có thể không gây ngạc nhiên, bởi vì chính quyền dạng này dễ dàng áp đặt các quy định mới, bao gồm cả những quy định vì lợi ích công chúng (trong trường hợp vaccine).
Chẳng hạn, Gambia bắt buộc tiêm chủng cho trẻ em vào năm 2007, trong thời kỳ chuyên chế (và sau khi mức độ bao phủ tiêm chủng giảm).
Tuy nhiên, tiêm chủng bắt buộc cũng phổ biến ở các nước dân chủ trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như trong đại dịch - bang New York của Mỹ đã tạm thời áp đặt lệnh chích ngừa cúm bắt buộc đối với nhân viên y tế trong đại dịch cúm heo hồi năm 2009.
Di sản của 'phản đối có ý thức'
Qua nhiều thế kỷ, đã xuất hiện sự phản đối về các thành phần được dùng để sản xuất vaccine.
Một số loại vaccine có một ít sản phẩm động vật, như dầu gan cá mập. Vaccine bại liệt trước đây đã sử dụng các tế bào từ thận khỉ. Những thành phần này đã dẫn đến sự chống đối từ những người ăn chay.
Vaccine đậu mùa thời kỳ đầu liên quan đến bạch huyết đậu bò, lấy từ mụn nước trên thân bê. Đối với một bộ phận của của phong trào ăn chay và chống mổ xẻ động vật lan rộng ở Anh vào thời Victoria, điều này thật ghê tởm.
Những người chống vaccine này có nhiều lý do, theo Sylvia Valentine, hiện đang viết luận án tiến sĩ về đề tài này tại Đại học Dundee.
"Một số giáo phái không tuân thủ tin rằng cơ thể con người không nên bị ô uế với chất liệu động vật," Valentine giải thích. "Phong trào chống mổ xẻ động vật cũng có liên quan đến những người chống vaccine và nhiều người phản đối cũng 'chống' rất nhiều thứ khác, bao gồm cả sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống của họ. Những người chống mổ xẻ động vật sẽ phản đối các phương pháp dùng để sản xuất bạch huyết bê, vốn thành thật mà nói khá ghê rợn và liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ động vật."
Mô nhím cũng khiến một số người theo đạo Hồi lo lắng về việc những vaccine nào đó có phải là halal (tức là tuân theo những điều kiêng kỵ theo luật Hồi giáo) hay không - ví dụ, nếu họ sử dụng chất gelatine lấy từ lợn làm chất ổn định.
Điều này đã gây khó khăn cho việc tiêm phòng sởi ở Indonesia hồi năm 2018.
Gần đây, các giáo sĩ Hồi giáo ở Indonesia tuyên bố vaccine Covid-19 là chấp nhận được và các nhà sản xuất vaccine Covid-19 nói rằng sản phẩm của họ không có thành phần từ lợn.
Một số quan chức Do Thái cũng khẳng định vaccine không phải dạng uống có chứa các thành phần có nguồn gốc từ lợn rằng là không có vấn đề gì.
Một thành phần gây phản ứng khác là các dòng tế bào bào thai nhi từ các vụ phá thai hợp pháp nhiều thập kỷ trước. Những dòng tế bào này tiếp tục được sử dụng trong thử nghiệm một số vaccine và phát triển các vaccine khác. Bất chấp điều này, Tòa thánh Vatican đã tuyên bố vaccine ngừa virus corona 'chấp nhận được về mặt đạo đức'.
Mặc dù có bất đồng giữa các tôn giáo và các cá nhân, nhất là ở những nơi tôn giáo phi tập trung hóa cao - như Kitô giáo Phúc âm ở Mỹ - không tôn giáo chính thống nào cấm việc tiêm vaccine.
Thật ra, xuyên suốt lịch sử, các chức sắc tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích và thực hiện tiêm chủng. Suy cho cùng, bảo vệ sức khỏe tín đồ cũng là lợi ích của họ.
Cùng với những người phản đối vì lý do tôn giáo, các nhà hoạt động công đoàn có lịch sử lâu nay chống vaccine.
Dưới thời Victoria, một số công ty Anh áp đặt lệnh bắt tiêm vaccine đậu mùa - vốn đặc biệt ảnh hưởng tới dân lao động và đặc biệt bị họ chống đối.
Công đoàn là nơi chống đối vaccine có tổ chức quan trọng (hồi năm 2004, các y tá thuộc công đoàn đã thách thức lệnh bắt tiêm vaccine cúm tại Trung tâm y tế Virginia Mason).
Từ năm 1898, Anh đã cho phép phản đối có ý thức đối với tiêm chủng bắt buộc. Mãi đến năm 1907, mới bắt đầu dễ dàng cho miễn tiêm vaccine với một số trường hợp, và cuối cùng việc miễn trừ mở ra áp dụng cho một phần tư tất cả các ca sinh.
Tuy nhóm thiểu số chống vaccine ngày nay rất lớn tiếng, nhưng "phong trào chống tiêm chủng thời Victoria rộng lớn hơn nhiều", Nadja Durbach, nhà sử học tại Đại học Utah cho biết.
"Nó cũng chính thống hơn so với phong trào chống tiêm chủng ngày nay. Có nhiều điều chưa biết về khoa học tiêm chủng và vì thiếu vệ sinh, nên việc tiêm chủng thời đó dễ dàng gây nhiễm trùng."
Vẫn có sự tương đồng giữa phong trào chống vaccine hiện đại và trong lịch sử.
Thỉnh thoảng hình nộm chống vaccine thậm chí còn tiếp tục bị đốt ở một số nơi, chẳng hạn như ở Utah, Mỹ, hồi tháng 5 năm nay.
Nhưng có một khác biệt, đó là bầu không khí đôi khi giống lễ hội của các cuộc biểu tình dưới thời Victoria. Như Durbach đã viết, "một cuộc biểu tình chống vaccine phổ biến thường có việc chở tù nhân phản đối tiêm chủng mới ra tù, thường vẫn còn mặc áo tù, diễu khắp nơi trên một chiếc xe đẩy được trang hoàng với ruy băng, biểu ngữ và có dàn kèn đồng hỗ trợ".
Gây áp lực hay kích thích?
Tiêm chủng đậu mùa bắt buộc kết thúc ở Anh vào năm 1947, chuyển sang giữa xu hướng lớn mạnh hơn, đó là tiêm chủng tùy chọn (chẳng hạn như ngừa bạch hầu) kết hợp với việc đưa trọng tâm vào hoạt động giáo dục và thuyết phục.
Tuy nhiên, như hiện chúng ta đang chứng kiến với Covid-19, và cũng như trước đây với đậu mùa, lệnh chích ngừa bắt buộc làm tăng số người đi chích. Ví dụ, khi Pháp bắt buộc chích ngừa 11 loại ở trẻ em để ngừa các bệnh có khả năng gây tử vong cho trẻ sinh sau năm 2018, số lượng trẻ được tiêm chủng đầy đủ tăng đáng kể so với những năm trước.
Khi được lựa chọn cẩn thận, thì điều rõ ràng không phải bàn cãi, đó là tiêm chủng bắt buộc có thể cứu mạng người.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ít có khả năng tử vong hơn rất nhiều (tỷ lệ tử vong khoảng 13,6% so với 22,4%) tại các bệnh viện nơi nhân viên y tế có tỷ lệ tiêm phòng cúm cao hơn so với những nơi có tỷ lệ thấp, mặc dù bệnh nhân có khả năng nhiễm như nhau.
Một nghiên cứu khác của châu Âu phát hiện ra rằng ở các quốc gia tiêm chủng sởi bắt buộc và không có miễn trừ nếu không có các lý do y tế, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn 86% so với các quốc gia không bắt buộc.
Tình trạng căng thẳng phổ biến có thể xảy ra giữa việc bắt buộc tiêm chủng và tiêm chủng tự nguyện. Việc bắt buộc thì có thể làm tăng sự thù địch, trong lúc để người dân tự nguyện tiêm có thể sẽ làm tăng mức độ lây truyền.
Một số chuyên gia y tế lo lắng về việc bắt buộc tiêm chủng vì những chính sách này có thể làm giảm niềm tin vào giới chức y tế trong dài hạn. Chẳng hạn như lệnh buộc chích ngừa đã dẫn đến các cuộc bạo loạn ở Brazil và có thể đã góp phần vào các phong trào chống vaccine ồn ào trên khắp châu u.
Tại Pháp, một trong những điểm nóng về chần chừ chích ngừa trên thế giới, Bộ Y tế đã cố gắng giảm tác dụng chia rẽ của lệnh bắt buộc chích ngừa bằng cách tích hợp chúng trong nỗ lực lớn hơn để xây dựng lòng tin.
Điều này đã dẫn đến việc cải thiện được tỷ lệ tiêm vaccine, mặc dù một lượng thiểu số đáng kể vẫn còn cảm thấy do dự trong việc chích ngừa - điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục quan sát thái độ và tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở y tế và công chúng.
Lệnh bắt buộc chích ngừa nên là 'điều nên được sử dụng hạn chế', với mức độ thực thi tối thiểu có thể, theo Hampton. Các điều kiện để áp dụng nó bao gồm "sự hiện hữu của một căn bệnh đe dọa tính mạng, nhất là căn bệnh đe dọa tính mạng rất dễ lây lan, và sự can thiệp an toàn và hiệu quả để giảm lây truyền. Đó thường là một sự kết hợp khá tốt."
"Có điểm tốt là các loại vaccine Covid-19 mà chúng ta có thì xét một cách cân bằng là thực sự, thực sự an toàn," ông nói thêm. Ông vẫn lạc quan rằng việc bắt buộc tiêm chủng tiếp tục là cách hữu ích để bảo vệ người dân, bất chấp sự phản đối.
"Nếu áp dụng cẩn thận và hợp lý, cái lợi từ lệnh buộc chích ngừa đó sẽ lớn hơn hại," ông nói.
Liệu điều đó có đủ để thuyết phục những người hoài nghi vẫn còn phải chờ xem.
Theo BBC
Comments powered by CComment