“Không có cách nào là an toàn tuyệt đối để ngừa COVID-19 khi chúng ta đang sống cùng đại dịch, và không có điều gì là chắc chắn cả. Kể cả trẻ em đang khỏe mạnh thì không gì bảo đảm các em không bị nhiễm bệnh.”
Đó là lời nhận xét của Bác Sĩ Priya Soni, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi khoa của bệnh viện Cedars-Sinai Medical Center, trong hội thảo trực tuyến của tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS), bàn luận về việc để trẻ em chích ngừa và sinh hoạt an toàn trong trường học, hôm Thứ Tư, 16 Tháng Hai.
Các chuyên gia được mời dự hội thảo gồm có Bác Sĩ Manisha Newaskar, chuyên gia phổi nhi khoa của trung tâm y tế Standford Children’s Health; Bác Sĩ Jose Luis Perez, giám đốc trung tâm y tế South Central Family Health Center; ông David Roman, giám đốc phát triển và truyền thông thuộc trung tâm South Central Family Health Center.
Bà Sandy Close, giám đốc EMS, và nhà báo Sunita Sohrabji cùng điều phối buổi hội thảo y tế này với sự tham dự của giới truyền thông.
Triệu chứng COVID-19 và chích ngừa đối với trẻ em
Các chuyên gia cho biết, theo số liệu được Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ thông báo hôm 10 Tháng Hai, có 12.3 triệu trẻ em bị nhiễm COVID-19, và có nhiều ca tử vong hơn.
Thêm vào đó, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) cũng cho biết hôm 15 Tháng Hai trẻ em nhập viện cao gấp bốn lần trong đợt bùng phát Omicron vừa rồi so với thời biến thể Delta. Và, trẻ em dưới 5 tuổi, hiện chưa được chuẩn thuận chích ngừa, thì có nguy cơ nhập viện và tử vong cao.
Bác Sĩ Manisha Newaskar cũng liệt kê một số triệu chứng của COVID-19, gần giống với bị cảm cúm, đối với trẻ em, mà cha mẹ nên lưu ý, gồm sốt, ớn lạnh, nghẹt mũi, sổ mũi, viêm họng, ho nhẹ, đau nhức người, người cảm thẩy uể oải, mất vị giác và khứu giác…
Nữ bác sĩ cũng khuyến cáo là cha mẹ nên lập tức đưa con em đến bệnh viện nếu có các triệu chứng như ói, tiêu chảy, chóng mặt, đau tức ngực, thở ngắn, khó thở, đau tức bụng, biểu hiện lú lẫn, hoặc mặt và môi biến sắc sang màu xanh.
“Một số trẻ em nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ thì mau khỏi, nhưng cũng có trường hợp bị nặng hơn. Các ca nghiêm trọng là viêm phổi và suy hô hấp, làm bệnh nhận phải thở máy, thậm chí suy nội tạng, và nặng hơn nữa là tử vong,” Bác Sĩ Newaskar cho biết.
Bác Sĩ Priya Soni cho biết biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, gấp mấy lần biến thể Delta.
“Việc Omicron lây nhanh tức là nếu người trong gia đình bị nhiễm thì những thành viên khác cũng sẽ bị nhiễm, từ trẻ em lây qua người lớn hoặc ngược lại. Vào mùa Đông thì tình hình chuyển biến nặng hơn vì chúng ta ở trong nhà nhiều hơn, và có nhiều buổi tiệc tụ tập mừng lễ dẫn đến việc lây lan mất kiểm soát,” Bác Sĩ Soni nói.
Các bác sĩ đồng loạt khẳng định chích ngừa là giải pháp tốt nhất hiện giờ để ngăn chặn sự lây lan và đề phòng bệnh bị nặng hơn.
“Chúng tôi hiểu là phụ huynh cũng có nhiều nguồn dư luận, một số đồng ý chích vaccine, một số thì phản đối, số khác thì trung dung. Virus này được nghiên cứu nhiều nhất và kỹ lưỡng nhất từ trước đến giờ nên cha mẹ hãy yên tâm. Chúng ta phải tin tưởng khoa học!,” Bác Sĩ Soni cho biết.
Bà cũng nói thêm rằng, theo CDC, có 8 triệu liều vaccine COVID-19 được phân phát cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và đều rất thành công, không có phản ứng phụ đáng lo ngại.
“Phản ứng phụ của vaccine mà nhiều phụ huynh lo ngại không đáng kể so với việc trẻ em bị nhiễm COVID-19 do không chích ngừa,” Bác Sĩ Newaskar nhấn mạnh về độ an toàn và hiệu quả của vaccine.
Bác Sĩ Soni đồng ý và cho biết chích ngừa cho trẻ 5-11 tuổi là nhân tố quan trọng làm giảm số ca nhiễm dương tính ở trường học.
Ngoài ra, Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) thông báo hôm 11 Tháng Hai rằng họ đang tạm hoãn việc chuẩn thuận vaccine Pfizer cho trẻ em dưới 5 tuổi vì cần nhiều dữ liệu xác nhận tính phòng ngừa cao cho độ tuổi này.
Bác Sĩ Soni cũng nói thêm về liều lượng vaccine và lý do khiến FDA còn phân vân việc quyết định cho trẻ em dưới 5 tuổi, cụ thể là cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, chích ngừa.
“Thuốc ngừa của Pfizer cho trẻ từ 5 đến11 tuổi chứa 10 mcg lượng vaccine, trong khi đó, lượng vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi mà Pfizer thông báo là 3 mcg. Đối với trẻ em 6 tháng tuổi thì liều thấp này chấp nhận được nhưng lại hơi thấp đối với lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi,” bà cho biết thêm.
Biện pháp phòng ngừa COVID-19 an toàn
Bác Sĩ Jose Luis Perez cho biết việc truyền đạt kiến thức về COVID-19 và vaccine cho người dân rất quan trọng trong việc chiến đấu với đại dịch. Đặc biệt, giới truyền thông đóng vai trò lớn trong việc truyền tải các thông tin bổ ích đến đại chúng.
Một số phụ huynh dẫn con có triệu chứng và bị dương tính COVID-19 đến trung tâm South Central Family Health Center cũng được bác sĩ cho lời khuyên là uống thuốc ho, thuốc trị sốt, và phải uống thật nhiều nước vì bệnh này giống như cảm cúm.
Ngoài ra, ông cho biết thêm, trẻ em bị béo phì, tiểu đường, ung thư, và có các bệnh nền nghiêm trọng, thì khi nhiễm COVID-19 sẽ bị nặng hơn trẻ em khác.
Thêm vào đó, Bác Sĩ Perez cũng nói rằng COVID-19 và việc cách ly gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em và học sinh.
“Tôi nghĩ tốt nhất là cho con em đi học, nhưng phải bảo đảm tuân thủ các bước phòng dịch an toàn. Nếu trẻ em ở nhà một thời gian lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và cũng tạo gánh nặng cho cha mẹ khi phải nghỉ làm ở nhà trông con,” vị bác sĩ cho hay.
Ông David Roman cho biết ông bất đắc dĩ phải gửi con ở nhà trẻ mặc dù tin tưởng các giáo viên và phụ huynh các bé khác chích ngừa đầy đủ, nhưng vợ chồng ông cũng luôn lo sợ.
“Bé trai nhà tôi dưới 5 tuổi nên chưa thể chích ngừa nên mỗi lần bé đi học về thì chúng tôi luôn lo không biết bé có tiếp xúc với ai bị nhiễm không,” ông David bày tỏ.
Ông tiếp: “Kinh nghiệm của tôi và người thân là cho trẻ em đi học là điều tốt để các em có thể giao tiếp với các bạn đồng trang lứa để phát triển bình thường, nhưng chúng ta phải nói chuyện nghiêm túc với nhà trẻ, trường học, và các phụ huynh để giữ an toàn cho con em chúng ta.”
Các bác sĩ nhấn mạnh những biện pháp phòng ngừa COVID-19 ở trường học là có máy thông khí tốt, sử dụng chai diệt khuẩn (sanitizer), và quan trọng nhất là đeo khẩu trang và chích ngừa.
Về vấn đề khẩu trang, Bác Sĩ Perez nói đến một nghiên cứu so sánh các loại khẩu trang làm bằng chất liệu vải hay loại y tế N95 và KN95.
“Nếu một người tiếp xúc với người nhiễm bệnh trong khoảng cách 6-foot thì có thể bị lây bệnh 50%. Nếu đeo khẩu trang y tế thì chỉ có 20% lây bệnh, và nếu đeo N95 và KN95 thì chỉ còn 5%,” ông cho biết.
Bác Sĩ Newaskar tiếp lời: “Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục cho học sinh đeo khẩu trang cho đến khi tất cả các em chích ngừa đầy đủ để bảo đảm an toàn.”
Sau đó, Bác Sĩ Soni cũng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xét nghiệm COVID-19 đối với trẻ sau khi cách ly nếu bị dương tính.
“Cách thức xét nghiệm cho người lớn và trẻ em giống nhau. Nếu trẻ em bị dương tính thì nếu thử xét nghiệm sau năm đến 10 ngày để cho ra âm tính thì cũng không chính xác cho lắm vì nếu một lượng nhỏ virus còn đó thì sẽ cho ra kết quả dương tính, mặc dù tính lây lan không còn sau khoảng thời gian cách ly,” bà cho hay.
Bác Sĩ Perez cũng bổ xung thêm là đa số người bị nhiễm virus có triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ năm đến bảy ngày sau khi người đó tiếp xúc với người bị dương tính.
Ông cũng nói nếu ngày đầu mà thử nghiệm dương tính thì ngày thứ năm thử lại sẽ có người âm tính hoặc dương tính nên cũng tùy theo trường hợp và cơ địa mỗi người.
Cuối buổi hội thảo, các chuyên gia đều nhấn mạnh cha mẹ nên thảo luận với bác sĩ gia đình để đưa con em đi chích ngừa càng sớm càng tốt để bảo vệ chính các em và mọi người.
Theo NV
Comments powered by CComment