Các nhà nghiên cứu Mỹ đã khám phá ra một dạng tương tác mới giữa vắc-xin Covid-19 và việc nhiễm bệnh, giúp đẩy lùi mối lo tái nhiễm hoặc tái nhiễm sẽ nặng.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Trường Y khoa Lewis Katz thuộc Đại học Temple (Mỹ), vừa công bố trên tạp chí JCI Insight.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tình trạng "nhiễm đột phá", tức nhiễm xuyên miễn dịch ở người từng tiêm chủng trước đó, sẽ tạo nên "siêu kháng thể" mạnh mẽ và lâu dài hơn những người chỉ tiêm đơn thuần, giúp họ bớt lo chuyện tái nhiễm sau này, dù xuất hiện biến chủng mới.
Biểu đồ với màu đỏ tượng trưng cho người đã nhiễm trước tiêm, màu xanh cho người chưa nhiễm. Ở nhóm ảnh trái, người đã nhiễm cho phản ứng kháng thể ở mức "đỉnh" từ sau mũi 1. Cột bên phải là các đồ thị biểu hiện khả năng "đè nén" SARS-CoV-2 bằng phản ứng trung hòa, với đường màu đỏ luôn tiệm cận 100% chỉ sau mũi 1
Trong nghiên cứu mới, giáo sư Steven G. Kelsen cùng nhóm cộng sự ở Khoa Phẫu thuật và Y học lồng ngực - Trường Y khoa Lewis Katz đã so sánh tác động của việc tiêm vắc-xin mRNA BNT162b2 (được biết đến với cái tên phổ biến "vắc-xin Pfizer") đối với những người mắc Covid-19 trước khi tiêm và những người không bệnh.
Kết quả cho thấy những trường hợp tiêm ngừa sau nhiễm SARS-CoV-2 cho phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn rất nhiều. Khả năng miễn dịch dường như đạt tới "đỉnh" nên khi tiêm liều thứ 2, thậm chí các nhà khoa học không phát hiện phản ứng tăng thêm đáng kể.
Sau một thời gian, kháng thể ở những người chưa nhiễm giảm dần sau 2 mũi tiêm đầu như nhiều nghiên cứu trước đó đã quan sát, nhưng "siêu kháng thể" ở những người đã nhiễm trước tiêm vẫn mạnh mẽ và có độ bền vượt trội.
Trước đó, đã có nhiều mối lo ngại trong cộng đồng về tình huống tái nhiễm Covid-19, sợ nhiễm lần nữa sẽ nặng, nhất là khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh liên tục đột biến. Nhưng rõ ràng với khả năng tạo "siêu kháng thể" bất kể nhiễm trước hay sau tiêm này, các "cựu F0" có thể bớt lo lắng bởi khả năng miễn dịch cao đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm bệnh thấp và nguy cơ trở nặng cũng thấp nếu có nhiễm.
Tờ Medical Xpress cho biết giáo sư Kelsen và các cộng sự đang có kế hoạch điều chỉnh xét nghiệm kháng thể của họ để phân biệt người có kháng thể vì nhiễm Omicron hay các biến chủng khác.
Ngoài ra, các nghiên cứu như trên còn nhằm mục đích tìm hiểu thời gian bảo vệ của từng mũi vắc-xin trong các tình huống, để biết khi nào mới thực sự cần những liều nhắc lại. Bởi lẽ, nỗi lo về việc có hay không nguy cơ phải tiêm nhắc lại nhiều lần và gần nhau cũng là điều mà nhiều chính phủ và người dân khắp thế giới quan tâm.
Theo Người lao động
Comments powered by CComment