Min Naing nhảy khỏi tàu hàng vì không muốn quay lại Myanmar, được giải cứu sau khi trôi dạt trên biển 23 giờ.
"Tôi vừa bơi vừa cầu nguyện. Cuối cùng, tôi từ bỏ, chỉ chờ chết", Min Naing, thủy thủ người Myanmar, tâm sự khi được cứu hôm 2/11. Người đàn ông 27 tuổi nhảy khỏi tàu chở hàng Paovosa Wisdom VII xuống vùng biển gần Gisborne, New Zealand, tối 1/11 với hy vọng được xin tị nạn.
Thời tiết ban đầu đẹp nhưng nhanh chóng thay đổi sau khi Min Naing nhảy xuống biển. Sóng lớn cuốn anh ra xa bờ. "Nhiệt độ nước khoảng 15 độ C, giống như nước đá", anh nói.
Min Naing mặc đồ chống nước nhưng nước biển vẫn ngấm vào trong sau nhiều giờ trôi dạt. "Trời ngày càng lạnh hơn, tới lúc tôi không động đậy được nữa và chỉ nổi trên mặt nước", thủy thủ người Myanmar nhớ lại.
Lực lượng cứu hộ trên xuồng hoa tiêu Rere Moana phát hiện Min Naing chiều tối 2/11. Anh hét lên cầu cứu và họ đã tới giúp. "Tôi vừa khóc vừa cười, không biết phải làm gì nữa. Tôi vô cùng hạnh phúc khi họ cứu mình", Min Naing nói.
Thủy thủ Myanmar nhập viện vì bị hạ thân nhiệt và được xét nghiệm nCoV. Darren Paki, giám đốc cảnh sát khu vực, cho biết tình trạng sức khỏe của Min Naing ổn định và thủy thủ này đang cách ly theo quy định, dù kết quả xét nghiệm âm tính.
"Sống sót là điều phi thường vì anh ấy đã ngâm nước suốt 12 tiếng. Anh ấy thật may mắn vì được phát hiện. Thời tiết xấu đi nhanh chóng từ chiều 2/11", ông nói.
Min Naing cho biết sẽ phải quay lại Myanmar sau khi kết thúc hợp đồng, nhưng không muốn về nước bởi gia đình đang lẩn trốn. Họ thuộc nhóm dân tộc thiểu số người Hindu,trong khi đa số người dân Myanmar theo đạo Phật. Gia đình Min Naing đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự.
Myanmar chìm trong bạo lực và bất ổn từ khi quân đội đảo chính hồi tháng hai. Nhiều người được cho là bị lực lượng an ninh đánh đập, bắt giữ vì tham gia biểu tình.
Đại diện cộng đồng người Myanmar tại Auckland đang hỗ trợ Min Naing và liên lạc với gia đình anh để báo tin.
Cơ quan Nhập cư New Zealand không bình luận về thông tin nhận được đơn xin tị nạn của Min Naing. "Các yêu cầu tị nạn rất nhạy cảm, thường đưa ra khi người xin tị nạn sợ bị ngược đãi hoặc sợ phải quay về quê hương", Jock Gilray, quyền tổng giám đốc Hoạt động Biên giới và Thị thực, cơ quan hỗ trợ người xin thị thực của chính phủ New Zealand, cho hay.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment