"Nghị quyết lịch sử" dự kiến được Trung Quốc thông qua sẽ củng cố vị thế đối nội và đối ngoại của ông Tập, khiến cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt hơn.
Các đại biểu dự hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (Hội nghị Trung ương 6) nhiều khả năng sẽ thông qua một "nghị quyết lịch sử" sau cuộc họp kín từ 8/11 đến 11/11 tại Bắc Kinh. Dự thảo "nghị quyết về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm nỗ lực của đảng" đã được Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày khi hội nghị khai mạc hôm qua.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 thường là sự kiện được chú ý nhất trong mỗi nhiệm kỳ 5 năm của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), bởi nó tập trung vào hệ tư tưởng và mục tiêu xây dựng đảng. Hội nghị Trung ương 6 của CCP năm nay càng đặc biệt, khi nghị quyết do ông Tập trình bày sẽ có tác động rất lớn đến chính sách tương lai của Trung Quốc, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.
Trong lịch sử, CCP chỉ mới thông qua hai "nghị quyết lịch sử" của lãnh đạo Mao Trạch Đông năm 1945 và Đặng Tiểu Bình năm 1981. Cả hai nghị quyết này đều chú trọng vào chính sách đối nội và củng cố khả năng lãnh đạo của CCP đối với đất nước.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định "nghị quyết đặc biệt" lần này sẽ mang tính dung hòa hơn giữa đánh giá về quá trình lãnh đạo của CCP trước đây với tầm nhìn hướng tới tương lai của ông Tập. Nghị quyết sẽ không tập trung vào các sai lầm trong quá khứ, mà hướng tới đề cao thành tựu CCP đã đạt được, củng cố sự tự tin của Trung Quốc trên trường quốc tế.
"Mục đích của hội nghị toàn thể lần này dường như là xem xét lại quá trình điều hành của CCP, mở đường cho sự lãnh đạo trong tương lai và định hướng chính sách", Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh của Trung Quốc, nhận định.
Do đó, nhiều chuyên gia đánh giá "nghị quyết lịch sử" sẽ là cơ hội quan trọng để Trung Quốc báo hiệu ý định trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến dự kiến giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nghị quyết này được cho là cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Mỹ - Trung, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì đảo Đài Loan và bất đồng trên nhiều vấn đề khác.
"Câu hỏi là họ sẽ gặp nhau với vị thế ai trên cơ", Chas Freeman, chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung. Ông cho rằng "nghị quyết đặc biệt" của Hội nghị Trung ương 6 sẽ giúp củng cố vị thế trong nước của ông Tập, giúp ông chiếm ưu thế trong chính sách đối ngoại với Biden.
Trong khi đó, chính quyền Biden đang hứng chịu một loạt vấp váp trong nước. Sau 8 tháng nắm quyền, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ giảm xuống 43%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.
Diao Daming, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đánh giá cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, cùng dữ liệu kinh tế ảm đạm trong quý III và Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến mức tín nhiệm của Biden.
Sau khi ứng viên Glenn Youngkin của đảng Cộng hòa đánh bại Terry McAuliffe của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử thống đốc bang Virginia hồi đầu tháng, đảng Dân chủ càng có lý do để lo lắng về nguy cơ đánh mất thế kiểm soát lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau. Nếu đảng Dân chủ để mất thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện, Biden sẽ gặp muôn vàn khó khăn với mọi đề xuất chính sách của mình.
"Nếu được hỏi ai là người nắm giữ lợi thế trước cuộc gặp sắp tới, có lẽ ông Tập đang có vị thế tốt hơn", Freeman đánh giá.
Cuộc gặp dự kiến giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung được cho là khó đạt bất cứ bước đột phá quan trọng nào. Quyết định tái mở cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, đồng thời nới lỏng hạn chế visa, dường như sẽ là những nội dung đáng kể nhất trong chương trình nghị sự.
Sự kiện từng được kỳ vọng có thể giúp tái thiết quan hệ song phương, vốn trở nên gay gắt hơn gần đây xung quanh vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại cạnh tranh giữa hai cường quốc sẽ không hạ nhiệt, thậm chí còn trở nên gay gắt hơn, khi Trung Quốc ngày càng tự tin vào sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự của mình.
"Nghị quyết lịch sử" được cho là sẽ giúp tái khẳng định vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế của Trung Quốc, trao cho Bắc Kinh cơ hội nhấn mạnh và ca ngợi quá trình tăng trưởng kinh tế những thập kỷ qua, cũng như lập trường ngoại giao quyết liệt và tham vọng quân sự tăng cao.
"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy một Trung Quốc quyết đoán trên bình diện quốc tế", Anthony Saich, giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định.
"Nghị quyết mới sẽ là tài liệu nhìn lại thế kỷ qua và xác định ông Tập là lãnh đạo giữa thời điểm lịch sử, khi Trung Quốc vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới theo con đường xã hội chủ nghĩa, con đường mà họ đã chọn để tránh những vấn đề phát sinh từ đường lối phát triển của phương Tây", Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, kết luận.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment