Group News: Tin copy

Nhật Bản sẽ khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh do lo ngại biến thể Omicron.

Nhật Bản ngừng cho phép người nước ngoài nhập cảnh do biến thể Omicron - Ảnh 1.
 Người Nhật vui vẻ hóa trang đi chơi và chụp ảnh với các trang trí Giáng sinh. Nhật Bản vừa quyết định ngừng nhập cảnh với người nước ngoài do biến thể Omicron - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, thông báo do Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố ngày 29-11, chỉ vài tuần sau khi nước này nới lỏng các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt. 

"Chúng tôi sẽ ngừng các trường hợp nhập cảnh (mới) của người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu từ ngày 30-11", Thủ tướng Kishida xác nhận trước các phóng viên.

Đồng thời Nhật Bản sẽ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly tại khu vực cách ly do Chính phủ chỉ định trong các trường hợp người Nhật và người sinh sống tại Nhật quay về từ 14 quốc gia, khu vực đã xác nhận có lây nhiễm của biến thể Omicron, bên cạnh 9 quốc gia hiện đang là đối tượng chỉ định cách ly như Nam Phi. 

Đây là biện pháp tạm thời, chưa từng xảy ra được đặt ra nhằm đảm bảo sự an toàn của quốc gia cho đến khi có được thông tin rõ ràng hơn về biến chủng Omicron, theo Chính phủ Nhật.

Như vậy, kế hoạch cho phép một số doanh nhân và sinh viên nhập cảnh vào Nhật Bản áp dụng từ ngày 8-11 nay bị tạm ngừng. 

Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia đưa ra biện pháp đóng cửa biên giới mạnh mẽ nhất để phản ứng với biến thể Omicron.

Từ ngày 26-11, nhiều quốc gia trên thế giới đã lần lượt công bố lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài đến từ một số nước khu vực nam châu Phi. Cho đến nay, theo Đài CNN, có ít nhất 44 quốc gia trên thế giới đã đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại với các nước châu Phi.

Có nước cấm 7 nước là Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Eswatini và Botswana; có nước chủ động phòng ngừa, cấm trong phạm vi rộng hơn. 

 Một số nước đơn giản là tiếp tục duy trì chính sách đóng cửa biên giới đã có từ trước.

Người nước ngoài bị cấm nhập cảnh nhưng công dân và thường trú nhân vẫn có thể lên máy bay về nước.

Đưa ra lệnh cấm biên với một số nước châu Phi có Mỹ; Canada, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu và châu Âu như Anh, Thổ Nhĩ Kỹ; nhiều nước châu Á như Bangladesh, Úc, Thái Lan, Indonesia, Singapore; các nước Trung Đông như Jordan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Oman; các nước châu Phi như Ai Cập, Morocco… 

Các nước cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát khác nhau với người về từ vùng dịch. Hiện tại, Mỹ không áp dụng thêm bất cứ biện pháp kiểm soát đặc biệt nào riêng với biến thể Omicron so với các biện pháp hiện tại. Cụ thể, để nhập cảnh Mỹ, khách cần tiêm 2 mũi vắc xin và giấy xác nhận âm tính; trừ các trường hợp ngoại lệ với trẻ em và người không tiêm được vắc xin vì lý do y tế.

Tại Canada, người đã đến các nước nam châu Phi (gồm Nam Phi, Mozambique, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini) trong vòng 14 ngày trước đó phải làm xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh và đồng ý cách ly cho đến khi có kết quả âm tính.

Jordan, quốc gia Trung Đông, cho biết công dân và người thân của họ đến từ các nước nam châu Phi chỉ được nhập cảnh tại sân bay quốc tế Queen Alia và phải thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bắt buộc như xét nghiệm PCR, ký cam kết cách ly và trả trước chi phí cách ly 14 ngày.

Theo Đài CNN, bất chấp các lệnh cấm biên được ban hành nhanh chóng, biến thể mới đã xuất hiện ở trên một chục quốc gia như Úc, Anh, Đức, Hà Lan, Canada, Ý, Cộng hòa Czech… Đa số các trường hợp đều là người trở về từ vùng dịch. Việc phát hiện thêm các ca nhiễm chỉ là vấn đề thời gian. 

Ngày 28-11, Bộ Y tế Pháp cho biết họ đã phát hiện 8 trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron. Nhà chức trách cho biết đang tiếp tục kiểm tra để xác nhận liệu các trường hợp này có phải thực sự nhiễm biến thể Omicron hay không. Những người đã tiếp xúc với họ hiện đã bị cách ly.

Theo Tuổi trẻ Online


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.