Giới chức y tế Israel vừa thông báo, nước này sẽ sớm triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và nhân viên y tế.
- Soán ngôi Paris, Tel Aviv của Israel trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới
- Không quân Israel tập không kích cơ sở hạt nhân Iran
- Ca Covid-19 Bồ Đào Nha tăng kỷ lục vì Omicron
Như vậy, Israel có thể là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt việc tiêm mũi vaccine thứ tư. Tuy nhiên, quyết định này hiện đang đối mặt với quan điểm trái chiều của các chuyên gia y tế quốc tế, khi chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của mũi tiêm thứ tư.
Giới chức y tế Israel cho rằng, việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư là cần thiết, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Ủy ban chuyên gia về đại dịch của Israel đã xem xét kết quả nghiên cứu khoa học, cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu sau vài tháng kể từ khi tiêm mũi vaccine thứ ba.
Do đó, một số chuyên gia cho rằng những người đã tiêm mũi thứ ba cần tiêm thêm mũi thứ tư sau 4 tháng, bởi trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan, những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong. Trong tuần này, Israel đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Omicron.

Ông Wolf Mitch - Người dân Israel cho biết: "Thật sự thì tôi cảm thấy không vui khi biết rằng tiêm ba mũi vẫn chưa đủ, nhưng tôi hơn 60 tuổi rồi, tôi thuộc nhóm có nguy cơ, nên tôi sẽ đi tiêm thôi vì không muốn nhiễm virus".
Tuy nhiên, quyết định này của Israel cũng vấp phải một số quan điểm trái chiều của giới chuyên gia.
Giáo sư Lawrence Young - Đại học Warwick, Anh cho rằng: "Hiện tôi chưa thấy có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ sự cần thiết, giá trị và hiệu quả của việc tiêm liều vaccine COVID-19 thứ tư. Hệ miễn dịch sẽ suy giảm theo thời gian, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhất thiết phải tiêm liều vaccine thứ tư".
Theo thống kê, khoảng 45% dân số Israel đã tiêm mũi vaccine thứ ba, còn hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của mũi tiêm thứ tư vaccine ngừa COVID-19.
Israel đã xác nhận vài trăm ca nhiễm Omicron, nhưng các quan chức nói rằng biến thể mới đã xuất hiện nhiều hơn ở nước này và có thể vượt Delta trở thành chủng trội trong vòng 2-3 tuần.
Do lo ngại về một đợt bùng phát Omicron lớn trong mùa đông, khi các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân bị cúm hoặc các bệnh hô hấp khác, ban cố vấn Israel đề xuất tiêm liều thứ tư cho người trên 60 tuổi, sau khi tiêm mũi thứ ba ít nhất 4 tháng.
Ban cố vấn không đề xuất tiêm mũi thứ tư rộng rãi vào giai đoạn này, nhưng khuyến nghị nên rút ngắn khoảng cách giữa liều thứ hai và thứ ba xuống 3 tháng, thay vì 5 tháng.
Dù có những nghiên cứu sơ bộ cho thấy Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước, các quan chức Israel cho rằng đợi đến khi có thông tin rõ ràng hơn có thể là đã quá muộn để bảo vệ nhóm dễ tổn thương nhất.
"Chúng tôi có thể ngồi đây, chờ đợi những nghiên cứu từ nước ngoài, nhưng cảm thấy mình không được phép làm vậy", tiến sĩ Tal Brosh, một thành viên ban cố vấn, nói.
Israel bắt đầu chương trình tiêm chủng với vaccine Pfizer vào tháng 12 năm ngoái và đạt tỷ lệ lớn dân số tiêm chủng trước khi nhiều quốc gia giàu khác bắt đầu cuộc đua. Tới mùa xuân năm nay, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho hầu hết dân số. Thủ tướng Bennett tự hào với quyết định tiêm mũi thứ ba cho người dân ngay từ cuối tháng 7, cho rằng nó đã ngăn chặn thành công làn sóng Delta và giúp nền kinh tế, trường học mở cửa.
Sự xuất hiện của Omicron đe dọa đảo ngược những thành tựu đó, buộc Israel siết hạn chế, nhanh chóng thắt chặt kiểm soát biên giới và cấm hầu hết công dân nước ngoài nhập cảnh.
"Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới được tiêm mũi thứ ba và giờ chúng tôi tiếp tục dẫn đầu với mũi thứ 4", Thủ tướng Bennett nói.
Tổng hợp
Comments powered by CComment