Nằm ở phía đông của nước Đức, cách thành phố Dresden không xa, khoảng 4000 cây cần sa được trồng trong nhà kính từ tháng 10/2021 dưới sự quản lý của công ty Demecan, có trụ sở tại Berlin. Khoảng 70 nhân viên đang làm việc trên mảnh đất rộng gần 30 000 m2, gồm cơ sở sản xuất cần sa, văn phòng và phòng thí nghiệm, đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào cuối tháng này (01/2022). Đây là vụ thu hoạch với quy mô lớn và hợp pháp đầu tiên trên lãnh thổ Đức. Lá cây sẽ được xử lý và chế biến thành bột cần sa, dùng cho mục đích y tế hợp pháp. Demecan là một trong 3 công ty tại Đức được cấp phép hoạt động bởi Viện nghiên cứu thuốc và thiết bị y tế liên bang. Hai công ty còn lại vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở sản xuất. Cụ thể vào năm 2017, chính phủ Đức cho phép hợp thức hoá sử dụng cần sa (hay còn được gọi là cannabis) cho mục đích y tế. Theo đó, các sản phẩm thuốc có chứa cần sa được phép bán ở hiệu thuốc dưới sự kê đơn của bác sỹ.
Giám đốc điều hành của Demecan, ông Constantin von der Groeben cho biết, công ty vốn đã có thị trường cho cần sa y tế, tuy nhiên, việc cần sa sử dụng cho mục đích giải trí được hợp pháp hoá sẽ mở ra những đường chân trời mới rộng lớn hơn, mang lại nguồn thu cao hơn gấp 10 lần 100 lần so với lợi nhuận từ cần sa y tế. Ông nhận định trên AP như sau :
Đây quả thực là một điều khá mới mẻ. Cơ sở sản xuất cần sa hợp pháp của chúng tôi hiện là cơ sở duy nhất tại Đức, hay nói đúng hơn là một trong những cơ sở duy nhất trồng cần sa làm thuốc. Những cây cần sa mà chúng tôi đang trồng tại đây sẽ là lô hàng cần sa đầu tiên dành cho sử dụng trong y tế. Vào năm nay, cơ sở của chúng tôi sẽ sản xuất ra khoảng một tấn bột cần sa khô.
Làn sóng công ty khởi nghiệp từ cần sa
Nhà sáng lập của công ty tin rằng thị trường ở Đức rất tiềm năng, và những năm tiếp theo Demecan có thể đặt mục tiêu lên đến 10 tấn mỗi năm. Theo báo Le Parisien, loại cần sa do Demecan sản xuất có thể sẽ có mặt trên khắp thị trường ở Đức trong thời gian sắp tới. Nguyên do là vì một trong những chính sách quan trọng của liên minh 3 đảng (đảng Dân Chủ Xã Hội, đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do) trong chính phủ mới của Đức, nắm quyền từ tháng 12 năm ngoái, hướng tới việc hợp pháp hoá sử dụng cần sa vào mục đích giải trí (récréatif). Cho đến nay, kế hoạch của chính phủ Đức vẫn còn mơ hồ. Chính phủ chỉ thông báo “sẽ cho phép phân phối cần sa có kiểm soát cho người lớn tại các cửa hàng, trước tiên là các hiệu thuốc được Nhà nước cấp phép.” mà không đưa ra thông tin hay quy định cụ thể nào.
Báo Financial Times nhận định rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi thông tin này đã tạo lên một “làn sóng công ty khởi nghiệp” tập trung vào thị trường cần sa, đã được thành lập trong vài năm qua. Như là trường hợp của Sanity Group, chuyên về các sản phẩm cần sa y tế cũng như các sản phẩm self-care (tự chăm sóc) có chứa dầu cần sa CBD, được chiết xuất từ cây cần sa. Trả lời AP, đồng sáng lập của Sanity Group, ông Fabian Friede hoan nghênh quyết định hợp pháp hoá của chính phủ:
Tôi nghĩ rằng về tổng thể, ở tầm vĩ mô, đây là hướng đi là đúng đắn. Tôi nghĩ việc chuyển sang sử dụng cần sa để giải trí là điều tuyệt vời. Ngoài ra, việc cho phép mở rộng tiếp cận đến cần sa mà không cần đơn thuốc là một ý hay. Nhưng vấn đề đặt ra là cụ thể chi tiết việc hợp pháp hoá này sẽ được tiến hành như thế nào. Chúng tôi rất tò mò và thời gian chờ đợi là khó khăn nhất vì chúng tôi rất muốn bắt đầu chuẩn bị và dĩ nhiên là chúng tôi đã có sự chuẩn bị rồi. Chúng tôi phải chuẩn bị theo mọi hướng, bởi vì chúng tôi không biết chính xác là nó sẽ đi theo hướng nào.
Đối với một đồng sáng lập khác của Sanity Group, ông Finn Haensel cho rằng : việc hợp pháp hoá sử dụng cần sa cho mục đích khác ngoài y tế là một nhân tố thúc đẩy nhiều công ty khác hơn tham gia vào thị trường này. Trong tương lai, có thể sẽ có một ngành cần sa được thiết lập, từ quy định sản xuất, giao hàng đến các cơ sở y tế như hiệu thuốc hay hậu cần. Ông cho biết thêm : “Tôi nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến một sự bùng nổ thị trường, tạo ra nhiều việc làm hơn, tạo ra nhiều nguồn thu thuế hơn cho chính phủ hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, mặc dù rõ ràng chúng tôi phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn, nhưng tôi nghĩ điều đó là tốt cho thị trường. Và thành thật mà nói, không có gì tốt hơn là cạnh tranh lành mạnh ”.
Nếu như liên minh 3 đảng dễ dàng thông qua hợp pháp hoá sử dụng cần sa, thì lý do đầu tiên đó là vì “để bảo vệ những người trẻ tuổi và ngăn chặn các chất nguy hiểm và kém chất lượng lưu hành trên thị trường đen (black market)”, France Info cho hay.
Nguồn thu khổng lồ cho chính phủ nếu hợp pháp hoá cần sa
Ngoài ra, không thể không kể đến lập luận về nguồn thu thuế cho Nhà nước, được đánh giá gần 2 tỷ euro, theo nghiên cứu của Hiệp hội cây gai dầu Đức, do nhà kinh tế Justus Haucap thực hiện. Theo đó, chỉ riêng thuế thu được từ cần sa sẽ mang lại 1,8 tỷ euro cho Đức. Thêm vào đó là thuế VAT, thuế kinh doanh, thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập, tất cả cộng lại sẽ vào khoảng 2,9 tỷ euro. Theo tính toán cuối cùng của nhà kinh tế học, con số này sẽ lên đến khoảng 5 tỷ euro mỗi năm vì phải tính đến cả hơn 1 tỷ tiền tiết kiệm được cho phía cảnh sát và tư pháp. Về mặt lý thuyết, cảnh sát và tư pháp sẽ không phải can thiệp nhiều vào việc chống tội phạm buôn bán cần sa bởi vì thị trường hợp pháp sẽ thế chỗ các hoạt động bị coi là phi pháp như trước đây. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều này có thể đúng với một điều kiện giá của 1 gram cần sa nên ở mức 10 euro.
Đức sẽ giống như một số nước hiếm hoi trên thế giới như Canada, Uruguay và một số bang của Mỹ, cho phép hợp pháp hoá cần sa sử dụng cho giải trí. Trong khi đó, nhiều quốc gia lớn khác trên thế giới vẫn phản đối cần sa. Giám đốc điều hành của công ty Demecan lý giải những tranh cãi liên quan đến cần sa trên kênh truyền hình Pháp France 3 như sau :
Cần sa là một loại thuốc phiện, đáng lẽ ra nó không nên được phép sử dụng tự do, nhưng khi một số quốc gia đưa ra quyết định hợp pháp hoá, được áp dụng song song với các biện pháp phòng ngừa trên thị trường cần sa y tế, điều này có thể thực hiện được. Thêm vào đó, cần sa là một loại thuốc phiện gây nghiện và cần phải hết sức lưu ý điều này. Thế nhưng, lợi ích thực sự mà nó mang lại cho bệnh nhân cũng như bác sỹ và cả hệ thống y tế và cả lợi ích cho chính phủ về mặt kinh tế. Cần sa hoàn toàn có vị trí vững chắc trên thị trường dược phẩm và theo tôi việc tiến xa hơn, cho phép sử dụng cần sa giải trí là hợp lý.
Lợi ích không thể chối cãi của cần sa trong y tế
Theo Dutch Weller, kể từ khi cần sa y tế được hợp pháp hoá vào năm 2017 đến nửa đầu năm 2021, trong vòng 4 năm, các bác sỹ tại Đức đã kê đơn cần sa trị giá lên đến 90 triệu euro cho bệnh nhân mắc chứng bệnh động kinh và các cơn đau mãn tính. Báo Le Monde cho biết cần sa thực ra đã được sử dụng từ thời La Mã, được dùng để làm giảm đau cho phụ nữ khi sinh nở. Các thuộc tính của cần sa (với tên khoa học là Cannabis Sativa) đã được khám phá lại vào khoảng những năm 1840 bởi một bác sĩ người Ai Len. Vị bác sỹ này đã khiến những thuộc tính y khoa của loại cây này được cộng đồng y tế ở châu Âu và Hoa Kỳ biết đến qua việc sử dụng chúng cho các bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp, bệnh dại, bệnh động kinh hoặc uốn ván. Le Monde cho biết thêm, từ đầu 1842 đến đầu thế kỷ này, “cần sa chiếm một nửa trong số loại thuốc được bán”, nhưng không lâu sau đó đã bị cấm vì là chất gây nghiện. Sau khi một số quốc gia như Hà Lan, Mỹ và Anh, cho phép thực hiện nghiên cứu về việc sử dụng cần sa để chữa bệnh từ những năm 2000, thuộc tính cannabinoïde và le delta-9 tétrahydrocannabinol của cần sa hay còn là CBD được chứng minh là có công dụng chữa nhiều bệnh và được giới y khoa quốc tế công nhận rộng rãi. Hiện cần sa được sử dụng trong một số loại thuốc chữa các bệnh như Parkinson, hen suyễn và tăng nhãn áp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu quả của cần sa trong điều trị bệnh ung thư và bệnh đa xơ cứng…vv.
Những mặt trái của lợi ích
Tuy nhiên, những lập luận trên không lấy được đồng thuận từ tất cả mọi người, ngay cả từ các cơ quan y tế Đức. Cấu tạo của cần sa và các thuộc tính có thể khai thác được rất phức tạp. Khi nói đến việc tiêu thụ cần sa với mục đích giải trí, tức là nói đến việc sử dụng các sản phẩm chứa tétrahydrocannabinol hay còn gọi là THC. Chất này có tác dụng hướng thần, làm điều chỉnh trạng thái ý thức của người tiêu dùng nó. Còn với thuộc tính CBD thì ngược lại, có tác dụng an thần và các công dụng y khoa khác như đã nói ở trên.
Theo Le Parisien, cơ quan y tế Đức, trên thực tế, lại lo ngại việc tiêu thụ quá mức THC có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng các bệnh nhân mắc chứng loạn thần. Hơn nữa, về phía cảnh sát, việc hợp pháp hoá phân phối cần sa chưa chắc có thể làm suy yếu các hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này, AP trích nhận định của một số quan điểm từ các nhà quan sát, cho rằng “các băng nhóm tội phạm có thể sẽ chuyển sang các loại ma tuý khác, hoặc bán cần sa rẻ hơn so với cửa hàng cấp phép”. Lập luận cho rằng các hoạt động tội phạm có tổ chức sẽ suy giảm không hoàn toàn thuyết phục được cơ quan cảnh sát liên bang Đức. Phó chủ tịch Cảnh Sát Liên Bang Đức (German Police Union GdP), ông Joerg Radek cho biết như sau :
Từ quan điểm của cảnh sát, chúng tôi cho rằng đây là việc cho thêm một loại chất gây nghiện vào danh sách những chất gây nghiện khác đã được hợp pháp hoá, giống như nicotine và rượu. Chúng tôi có lẽ sẽ phải đối mặt với một loại thuốc của “nhân dân” (“people’s-drug”) dưới dạng cần sa. Với tư cách là một sĩ quan cảnh sát, tôi có nhiều nghi ngờ, rằng việc hợp pháp hoá này có thể thay đổi xã hội. Tuy nhiên, về phía cảnh sát, chúng tôi cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều việc để làm hơn.
Theo báo Le Parisien, hiện chính phủ mới của Đức vẫn đang bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 và vẫn chưa đưa ra bất cứ lịch trình nào liên quan đến các hành động lập pháp cho đề xuất mới này. Liên minh 3 đảng vẫn cần phải làm việc nhiều hơn nữa trong dự thảo luật này để đạt được đồng thuận từ phía Hội đồng Liên bang Đức, tức Thượng Viện của Quốc Hội Liên Bang Đức. Vào năm 2020, Thượng Viện đã bác bỏ dự thảo luật (CannKG) của đảng Xanh về việc hợp pháp cần sa dành cho phép người lớn có thể tự do tiếp cận với cần sa.
-
Malta
Malta là quốc gia đầu tiên trong Liên Âu hợp pháp hoá cần sa cho mục đích sử dụng cá nhân. Trường hợp hợp pháp hóa ở Malta có thể là ví dụ về lộ trình mà các nước châu Âu khác có thể thực hiện. Vào tháng 12 năm 2021, chính phủ Malta cho phép công dân của mình trồng tối đa sáu cây cần sa tại nhà, sở hữu bảy gam. Chính phủ cũng thành lập cơ quan chuyên trách và cho phép công dân thành lập các câu lạc bộ “cần sa xã hội”. Mặc dù việc bán cần sa vẫn bị cấm, nhưng quyết định này đánh dấu một nền tảng quan trọng cho việc tiêu thụ cần sa ở châu Âu.
-
Luxembourg
Chính phủ Luxembourg đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí vào tháng 10 năm 2021, cho phép trồng trọt, sở hữu và bán hạt giống. Tuy nhiên, các cơ quan lập pháp của đất nước vẫn chưa thông qua biện pháp này. Do đất nước vẫn đang bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19. Trong khi chờ đợi, chính phủ Luxembourg đã chỉnh sửa dự thảo luật của mình, dự luật này có thể sẽ trở thành luật chính thức vào năm 2022, mặc dù vẫn chưa công bố ngày chính thức.
-
Ý
Ý là một trong những quốc gia “khoan dung” nhất đối với cần sa tại châu Âu. Kể từ năm 2019, tư pháp Ý đã cho phép trồng cần sa tại nhà với điều kiện dành cho sử dụng cá nhân và với số lượng nhỏ. Kể từ tháng 1 năm 2017, việc bán cần sa với nồng độ THC, ở dưới 0,2%, đã trở thành hợp pháp. Các cửa hàng chuyên doanh đã mọc lên khắp các trung tâm thị trấn và thu được nhiều lợi nhuận. Ước tính 10.000 người làm việc trong lĩnh vực này và đạt doanh thu gần 50 triệu euro. Các nhà hoạt động ủng hộ cần sa muốn tiến xa hơn đã thành công yêu cầu chính phủ mở cuộc trưng cầu dân ý vào mùa xuân năm 2022, về việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí một cách hợp pháp vào tháng 9/2021, yêu cầu loại bỏ các hình phạt đối với việc sở hữu cần sa qua việc cách sửa đổi một số điều khoản của luật ma tuý.
-
Bồ Đào Nha
Kể từ năm 2018, Bồ Đào Nha đã hợp pháp hóa cần sa y tế, quốc gia này trở thành một trung tâm quan trọng thu hút đầu tư từ các công ty của Hoa Kỳ và Canada đặt trụ sở và nhà máy sản xuất trong ngành công nghiệp cần sa y tế ở châu Âu ví dụ như Snoop Dogg's Casa Verde Capital, Aurora Cannabis, Tilray, Cureleaf. Tuy nhiên, quốc gia châu Âu đầu tiên phân loại cần sa tách biệt khỏi các loại ma túy khác vào năm 2001 vẫn chưa có hệ thống quản lý thị trường cần sa rõ ràng. Hiện có hai dự thảo luật cho phép tiêu thụ, trồng trọt và sở hữu cần sa để sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên, sự bất ổn của chính phủ và đại dịch đã khiến các đề xuất và những cuộc thảo luận công khai về việc hợp pháp hóa bị đình trệ.
Về phía Pháp, tạp chí Forbes nhận định rằng việc hợp pháp hoá cần xa cho mục đích giải trí còn khá xa vời, vì ngay cả chính sách về cần sa y tế cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, Pháp cũng đang thực hiện một thử nghiệm thí điểm kéo dài 2 năm, cung cấp các sản phẩm cần sa y tế cho khoảng 3000 bệnh nhân.
Theo Forbes, hầu hết các quốc gia châu Âu có xu hướng vô hiệu hoá hoặc hợp pháp hoá cần sa sử dụng cho mục đích cá nhân hơn là việc điều chỉnh thị trường “cần sa giải trí” hợp pháp. Đức có lẽ là quốc gia duy nhất có khả năng làm được điều này. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể là vật cản lớn cho quá trình hợp pháp hoá, bởi vì hầu hết chương trình nghị sự của các quốc gia châu Âu đều bị gián đoạn làm chậm trễ các thủ tục lập pháp liên quan đến cải cách luật về cần sa.
Theo RFI
Comments powered by CComment