Hôm nay 07/02/2022, đúng 60 năm từ khi Mỹ ra lệnh cấm vận Cuba, người dân đảo quốc vẫn phải cố thích ứng với thực tế, không mấy hy vọng một ngày nào đó Washington sẽ dỡ bỏ.
Người dân tại La Habana, thủ đô Cuba, xếp hàng chờ mua lương thực ngày 04/02/2022. AFP - YAMIL LAGE
Và cho dù thời thế đã thay đổi, cuộc điện đàm mới đây giữa chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm củng cố « hợp tác chiến lược », nhắc nhở lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov không loại trừ việc đưa quân sang Cuba, nếu xung đột tăng cao với Washington trong hồ sơ Ukraina.
Sau khi ông Barack Obama làm « tan băng », tổng thống Donald Trump đã áp đặt thêm 243 biện pháp hạn chế, và người kế nhiệm Joe Biden đã trừng phạt thêm các quan chức Cuba do đàn áp biểu tình. La Habana hiện phải dựa vào sự hỗ trợ của các đồng minh như Trung Quốc, Việt Nam và các chính phủ thiên tả ở châu Mỹ latinh.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Cuba tổ chức những cuộc diễu hành bằng xe hơi, xe gắn máy và xe đạp trên khắp cả nước để tố cáo cấm vận, nói rằng việc « phong tỏa » Cuba « cũng là một loại virus ». Đồng thời kêu gọi người dân « kháng cự lại một cách sáng tạo ». Tuy nhiên theo AFP, khó thể sáng tạo nổi khi đảo quốc đang trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ 30 năm qua, lạm phát đến 70% và thực phẩm, thuốc men ngày càng thiếu thốn.
Những người bênh vực chế độ đổ lỗi cho cấm vận, nhưng tổ chức đối lập Cubadecide phản bác « không có phong tỏa, chỉ có cấm vận từng phần ». Chính Nhà nước Cuba đã tự trói tay, tình hình chỉ có thể khả quan nếu « chuyển sang chế độ dân chủ đại diện ».
Kể từ năm 2000, Hoa Kỳ không còn cấm vận thực phẩm, từ 2015 đến 2020 Cuba đã mua của Mỹ 1,5 tỉ đô la, chủ yếu là thịt gà. Tuy nhiên phải trả trước và thanh toán bằng tiền mặt.
Theo RFI
Comments powered by CComment