>Nga và Belarus đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 10 ngày trong bối cảnh đang có những lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Nato cho biết các cuộc tập trận chung đánh dấu việc triển khai quân lớn nhất của Nga tới quốc gia thuộc Liên Xô cũ Belarus kể từ Chiến tranh Lạnh
Belarus - quốc gia thuộc Liên Xô cũ - là đồng minh thân cận của Nga và có chung đường biên giới dài với Ukraine.
Pháp gọi các cuộc tập trận này - được cho là cuộc triển khai quân lớn nhất của Nga tới Belarus kể từ thời Chiến tranh Lạnh - là một bước "cử chỉ bạo lực". Ukraine nói các cuộc tập trận này chẳng khác gì "áp lực tâm lý".
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm thứ Năm (10/02) rằng châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập niên.
Nga nhiều lần bác bỏ bất kỳ kế hoạch xâm lược Ukraine nào dù đã điều hơn 100.000 quân tới biên giới.
Nhưng Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cảnh báo rằng một cuộc tấn công có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.
Các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm xoa dịu căng thằng dự kiền sẽ diễn ra trên khắp châu Âu vào thứ Năm (10/02).
Các cuộc tập trận - được gọi là Allied Resolve 2022 - đang diễn ra gần biên giới của Belarus với Ukraine, kéo dài hơn 1.000 km.
Có những lo ngại rằng nếu Nga cố tình xâm lược Ukraine, các cuộc tập trận sẽ đưa quân đội Nga đến gần thủ đô Kyiv của Ukraine, khiến cuộc tấn công vào thành phố này trở nên dễ dàng hơn.
Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko là đồng minh vững chắc của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai nước đã hình thành cái gọi là "Nhà nước liên minh" bao gồm hội nhập kinh tế và quân sự. Điện Kremlin ủng hộ ông Lukashenko sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2020 đã dẫn đến các cuộc biểu tình.
'Áp lực tâm lý'
Hoa Kỳ cho rằng có khoảng 30.000 quân Nga dự kiến sẽ tham gia tập trận với Belarus, mặc dù Moscow và Minsk chưa tiết lộ số lượng chính xác quân tham gia tập trận.
Mục tiêu của các cuộc chơi chiến tranh là thực hành "đẩy lùi sự xâm lược từ bên ngoài bằng một chiến dịch phòng thủ", theo Bộ Quốc phòng Nga. Binh lính cũng sẽ thực hiện các cuộc tập trận để bảo vệ biên giới và chặn các kênh phân phối vũ khí và đạn dược.
Nga khẳng định rằng nước này có quyền tự do di chuyển quân trên lãnh thổ của mình và của các đồng minh theo thỏa thuận của họ. Nga cho biết quân đội ở Belarus sẽ trở về căn cứ của họ sau khi kết thúc các cuộc tập trận.
Người phát ngôn Điện Kremlin miêu tả cuộc tập trận chung là nghiêm trọng, nói rằng Nga và Belarus đang "đối đầu với những đe dọa chưa từng có".
Nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận.
"Việc tập trung lực lượng ở biên giới là áp lực tâm lý từ các nước láng giềng của chúng tôi," Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm thứ Năm.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với đài phát thanh France Inter rằng đây là một "cử chỉ rất bạo lực", và Mỹ gọi cuộc tập trận này là một động thái "leo thang".
'Thời khắc nguy hiểm'
Moscow cho biết họ không thể chấp nhận rằng Ukraine - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có quan hệ xã hội và văn hóa sâu sắc với Nga - một ngày nào đó có thể gia nhập liên minh phòng thủ thương Tây Nato và yêu cầu điều này cần phải bị loại bỏ. Nước này ủng hộ một cuộc phong trào nổi dậy có vũ trang ở miền đông Ukraine từ năm 2014.
Tuy nhiên, đại sứ của Nga ở EU, ông Vladimir Chizhov nói với BBC rằng đất nước của ông vẫn tin tưởng ngoại giao có thể giúp giảm leo thang khủng hoảng Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Brussels và Warsaw hôm thứ Năm để bày tỏ sự ủng hộ các đồng minh Nato. Sau khi gặp Tổng thư ký của NATO, Jens Stoltenberg, ông nói rằng ông chưa nghĩ rằng quyết định về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã được đưa ra, nhưng cảnh báo rằng mối nguy hiểm đối với an ninh châu Âu là ngay lập tức.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Moscow hôm thứ Năm. Bà nói rằng Nga nên chuyển quân khỏi biên giới với Ukraine nếu nước này nghiêm túc muốn sử dụng ngoại giao để xoa dịu khủng hoảng.
Các cuộc đàm phán nhằm làm giảm căng thẳng dự kiến sẽ diễn ra hôm thứ Năm, và sẽ bao gồm các đặc phái viên của Nga và Ukraine cùng với Pháp và Đức - được gọi là bộ tứ Normandy.
Có một số gợi ý rằng sự tập trung mới vào cái gọi là thỏa thuận Minsk - nhằm tìm kiếm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine - có thể được sử dụng làm cơ sở để xoa dịu khủng hoảng hiện tại.
Ukraine, Nga, Pháp và Đức ủng hộ các hiệp định từ 2014 đến 2015.
Đại sứ Pháp ở Hoa Kỳ, Philippe Etienne, đã tweet rằng thỏa thuận Minsk nên được sử dụng để "xây dựng một giải pháp chính trị khả thi".
Moscow nhiều lần đổ lỗi cho các mà họ gọi là "các quốc gia Anglo-Saxon" làm leo thang căng thẳng Ukraine.
Và nước này miêu tả tuyên bố của Vương quốc Anh rằng Điện Kremlin có kế hoạch thành lập chính phủ bù nhìn thân Nga ở Ukraine là một sự cuồng ngôn.
Phân tích của Katya Adler - Biên tập viên về châu Âu
Bạn có thấy lo lắng về chiến tranh, nhưng băn khoăn về điều gì đang thực sự diễn ra? Không chỉ riêng mình bạn đâu. Hãy bắt đầu với thuật ngữ trong khủng hoảng Nga-Ukraine có thể gây nhức đầu: Thỏa thuận Minsk, Nordstream 2, Hiệp ước Warsaw và định dạng Normandy... Chúng là gì, và chúng quan trọng như thế nào?
Và làm thế nào bạn có thể hiểu rõ về những gì đang diễn ra, nếu ngay cả các nhà chính trị dường như cũng không chắc chắn. Vladimir Putin có kế hoạch xâm lược Ukraine không? Hay ông ấy có thực sự nghiêm túc về các cuộc đối thoại? Chúng ta đã quá quen thuộc với các yêu cầu an ninh của ông ta với Nato, nhưng ông ấy sẵn sàng chấp nhận điều gì?
Thật đáng thất vọng, chúng ta thậm chí không thể hiểu rõ vô số cuộc họp báo do các chính trị gia quốc tế nổi tiếng tổ chức, xoay quanh khu vực, hy vọng giảm leo thang khủng hoảng.
Và tại sao? Bởi vì đây là cuộc đấu tranh địa chính trị quy mô lớn giữa Nga và phương Tây. Không ai muốn tiết lộ kế hoạch đàm phán của họ. Và rồi các tuyên bố công khai không nên được tin tưởng hoàn toàn.
Theo BBC
Comments powered by CComment